Thân thương
BẮC GIANG - Ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm bên rìa cánh đồng trông thật cô đơn nếu không có tiếng nói cười rộn ràng của những tốp học sinh. Cánh đồng miền quê thẳng cánh cò bay, thơm hương lúa chín trong làn gió.
Những đứa trẻ đã dậy từ rất sớm. Linh nhìn ra bóng trăng vương còn đang nấp e ấp sau lũy tre làng hắng giọng mắng lũ gà:
- Nuôi chúng mày chỉ tổ tốn cơm, cần gì chúng mày gọi dậy. Đợi trưa đi học về bảo bà làm thịt hết.
Rồi nó chạy bổ nhào đuổi lũ gà chạy khắp sân, tiếng thằng Om từ ngoài cổng nói vọng vào:
- Mới sáng mà khỏe dữ vậy? Có đi hốt cào cào với tụi tao luôn không?
Linh vui vẻ hù lũ gà đợt cuối rồi chạy ra cho thằng bạn đèo trên chiếc xe đạp cũ. Phía trước trong cái khí trời vẫn chưa kịp sáng có ba bốn đứa cũng đang đứng chờ trên hai chiếc xe đạp quay lại nhìn. Tụi nó nom vẫn còn chưa thấy rõ mặt nhau, có đứa còn đang gục đầu vào sau lưng đứa chở tranh thủ ngủ thêm giấc. Vào mùa này trong năm, đương buổi gặt của người lớn, lũ trẻ cũng không để cho mình rảnh rỗi, chúng thường kéo nhau dậy rất sớm khi người lớn còn chưa ra đồng để mót thóc dư và bắt cào cào.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Linh là con gái nhưng lại chơi với một đám nhóc toàn con trai, cứ độ bốn năm giờ sáng khi trời còn chưa tỏ lũ trẻ đã dậy. Chúng sẽ đi mót thóc nổi trên mặt nước sau mỗi buổi gặt, và vì trời chưa tỏ, cào cào rất nhiều, mấy đứa trẻ thường bắt về. Cào cào rang me hoặc chiên lên ăn rất ngon. Những ngày gặp hên còn có thể mò trúng ổ cua đồng, đem về cho bà nấu bánh đúc riêu cua. Mới bắt được con cua đầu tiên, thằng Huynh, thằng nhóc nãy giờ vẫn gà gật khi còn trên bờ đã tưởng tượng:
-Tao thèm nồi bánh đúc của bà con Linh quá bây. Mỗi lần mà bà đổ bánh đúc là tao toàn ngồi bên ăn vụng lạc.
- Mày muốn có bánh đúc ăn thì lội xuống đây bắt thêm chục con cua đi đã.
- Đỉa cắn.
- Nói cứ như dân trên thành phố vậy.
Tiếng cười của đám nhóc vang lên báo hiệu trời cũng dần sáng hơn. Lũ trẻ vớt thóc dư để vừa đầy chiếc thau, mồ hôi rơi xuống như tắm. Cào cào bỏ bị cũng đầy những vốc tay, ước chừng có bữa cháo sáng ngon lành, mặn mà. Linh nhìn sơ qua “thành quả” rồi bảo: “Nay cua thất thu quá, đem về bỏ chum, đợi nhiều nhiều nấu riêu ăn. Giải tán, về chuẩn bị còn đi học thôi”. Cả đám lại lọc cọc đạp xe về. Vừa nhác thấy bóng Linh vào cổng, đám gà lại thi nhau gáy o o đủ thể loại, cứ như cậy mẽ rằng cũng biết gáy sáng báo vang.
Linh sống với ông bà vì ba mẹ mất sớm, có lẽ vì thế nên từ nhỏ Linh đã gồng mình lên để có thể đỡ đần cho ông bà dù mới bước vào lớp bảy, lớp tám. Mỗi ngày Linh thường dậy sớm, tranh thủ mót được gì đó, sau đó về nấu thuốc, nấu cháo và cùng ông bà ăn bữa sáng rồi mới đến trường. Ông bà Linh mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán vài thứ lặt vặt, có vườn rau nhỏ, ngày nghỉ học Linh vẫn hay phụ bà bán rau ngoài chợ. Vừa ăn xong chén cháo sáng Linh đã nghe tiếng thằng Om réo vang ngoài cổng:
- Đi học thôi Linh ơi.
Người lớn bắt đầu đánh trâu đi làm từ sớm, ở đây dường như không có khoảng cách của thứ gọi là “sáng bẫng” vì mọi người đều dậy trước khi tia nắng kịp thành hình. Cánh đồng rộng dài dường như không có điểm dừng cứ như vừa được dịp thức dậy bởi sự ồn ào của những đứa trẻ dắt díu nhau đến trường. |
Trời bắt đầu sáng dần trên miền quê. Người lớn bắt đầu đánh trâu đi làm từ sớm, ở đây dường như không có khoảng cách của thứ gọi là “sáng bẫng” vì mọi người đều dậy trước khi tia nắng kịp thành hình. Cánh đồng rộng dài dường như không có điểm dừng cứ như vừa được dịp thức dậy bởi sự ồn ào của những đứa trẻ đang dắt díu nhau đến trường. Con đường đất ngoằn nghèo chia cánh đồng thành hai bên thơm nức mùi lúa chín, có đứa đi học, có đám đạp xe, tất cả đều nở nụ cười trên môi. Ngôi trường nằm lọt thỏm giữa cánh đồng áng chừng chỉ có ba bốn lớp. Hai cây phượng lớn ở hai góc sân đủ để che mát cả ngôi trường, chúng như nuối tiếc mùa hè nên cây vẫn còn lác đác chùm hoa đỏ.
- Thằng Huynh có đi học không?
- Không đâu, ba nó bắt nó đi làm cùng rồi, ổng không cho nó đi học nữa.
Mấy đứa lại ngồi tám chuyện trong khi đợi tiếng trống báo hiệu vào trường, ánh nắng vẫn còn nhảy nhót đủ để soi gương mặt suy tư của Linh. Nhà thằng Huynh nghèo, dù đám tụi nó ai cũng có cái khó riêng nhưng mẹ thằng Huynh mất sớm, ba nó vì tai nạn lao động nên chỉ còn nửa sức, nó lại có hai đứa em nhỏ nên việc học trở thành điều xa xỉ. Tụi nó còn quá nhỏ để gánh vác những điều người lớn đang nghĩ suy. Chiều đi học về Linh nhanh chóng rảo bước về phía nhà thằng Huynh, vừa bước vào cổng đã thấy đám thằng Om ở đó.
Tụi nó không thể thay thế thằng Huynh cáng đáng kinh tế gia đình nên đành chia nhau giúp sức theo cách mà tụi nó có. Con Linh đưa vài cuốn vở nó có từ phần thưởng năm trước và cho mượn bài học hôm nay để giúp Huynh theo kịp chúng bạn. Vốn thông minh nên Om nhận làm “gia sư” cho bạn, còn những đứa khác cách này hay cách khác cũng giúp Huynh. Việc đám trẻ làm sau vài ngày đã tới tai người lớn dù tụi nó vẫn luôn giúp đỡ Huynh trong im lặng. Cô giáo chủ nhiệm biết hoàn cảnh của Huynh nên đã đề xuất với nhà trường cấp học bổng cho em khiến tụi nhỏ rất vui mừng.
Cô giáo cũng như nhiều phụ huynh được tụi bạn thân Huynh nhờ cậy đến nói chuyện với ba Huynh. Ba thằng Om ngỏ ý muốn nhận ba Huynh vào xưởng của gia đình, vừa đỡ nhọc công đi xa, vừa có đồng lương ổn định, tuy không nhiều nhưng vẫn đỡ hơn công việc bấp bênh. Hai đứa em Huynh vốn rất ngoan nên được ông bà Linh nhận về coi giúp đến khi ba Huynh đi làm về, tụi nó cũng thích ông bà và cũng hay lăng xăng phụ bán đồ trong tiệm. Khi nói về công việc nhà, đám trẻ vội xung phong ồn ào: “Con sẽ sang nhà quét dọn nhà cửa mỗi ngày cho chú”, “Con biết nấu cơm, giặt đồ”, “Thằng Huynh làm được gì con làm đó” làm ba Huynh cả cười... Rồi thằng Huynh được trở lại trường, cùng học hành, vui chơi bên những người bạn từ tấm bé.
Thời gian trôi, đám trẻ vẫn lớn lên theo cách tụi nó muốn nhưng dường như không làm mất đi sự hồn nhiên và chân thành vốn có. Cuộc đời sau này có thể sẽ khiến tụi nhỏ trưởng thành theo muôn ngàn ngả rẽ khác nhau nhưng tin chắc rằng, những tình cảm mộc mạc chân thành vốn có trong tim nhất định sẽ mãi tồn tại theo năm tháng.
Ý kiến bạn đọc (0)