Tăng trách nhiệm và chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri
Chuyển biến tích cực
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 cuộc giám sát UBND tỉnh về giải quyết KNCCT. Những kỳ họp gần đây (kỳ 4, kỳ 5), 100% KNCCT đều được xem xét, giải quyết, trả lời; phân loại rõ theo lĩnh vực; theo thẩm quyền, thời gian, cấp độ giải quyết (đã giải quyết xong, đang được giải quyết, sẽ được giải quyết, chưa thể giải quyết và những kiến nghị để giải trình, thông tin).
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình trước phiên giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. |
Với những kiến nghị đang và sẽ được giải quyết đều ghi rõ lộ trình, thời gian thực hiện, hoàn thành. Giám sát cho thấy, số lượng các kiến nghị giải quyết xong kỳ sau cao hơn kỳ trước. Ví dụ: Kỳ 3 có 15/78 kiến nghị, đạt 19,2%; kỳ 4 có 20/47 kiến nghị có điều kiện để giải quyết đã hoàn thành, đạt 42,6% và 13/33 kiến nghị của kỳ 3 chưa giải quyết xong chuyển sang; kỳ 5 có 21/46 kiến nghị có điều kiện giải quyết đã hoàn thành, đạt 45,7% và 9/25 kiến nghị của kỳ 4 chưa giải quyết xong chuyển sang.
Kết quả giải quyết KNCCT đều được thông báo đến cử tri trực tiếp tại các phiên tiếp xúc, thông báo đến người có kiến nghị, cơ quan, đơn vị chuyển kiến nghị; công khai trên truyền thông. Khảo sát của các Tổ đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh cho thấy, chất lượng giải quyết KNCCT cơ bản đáp ứng yêu cầu, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đều có phản hồi tích cực. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) và báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri cho thấy, các ý kiến của cử tri tập trung chủ yếu về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, giao thông, thủy lợi. Nếu những kỳ họp trước, cử tri rất bức xúc về xe quá khổ, quá tải thì hai kỳ họp gần đây giảm hẳn; lĩnh vực môi trường chuyển biến tích cực.
Có được những kết quả như vậy là do sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự tập trung cao của UBND tỉnh. Cùng đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với UBND tỉnh. Sau khi tiếp nhận KNCCT do Thường trực HĐND tỉnh chuyển, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, UBND các huyện, TP rà soát, phân công giải quyết, trả lời rõ ràng. Trong giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh luôn đề cao yêu cầu giải quyết đến cùng các KNCCT; theo đến cùng kể cả các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan T.Ư.
Việc tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh đã tạo chuyển biến trong giải quyết KNCCT, được cử tri đánh giá cao. Bên cạnh đó, chất lượng tổng hợp, phân loại KNCCT nâng lên cũng là yếu tố giúp cho công tác giải quyết, trả lời kiến nghị được rõ người, rõ việc và kịp thời. Công tác giám sát, kiểm tra và đề ra các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri kiến nghị có hiệu quả hơn, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong giải quyết KNCCT chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn.
Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND) của UBND tỉnh đã có tác động, tạo nên sự chuyển biến tích cực đó. Quy chế nêu rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết và trả lời kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, coi kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả lời các KNCCT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Nâng cao trách nhiệm các bên liên quan
Mặc dù Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 ban hành đến nay chưa có hướng dẫn nên khi tổ chức hoạt động giám sát giải quyết KNCCT còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng với sự quyết tâm, chủ động, Thường trực HĐND tỉnh đã có những biện pháp chỉ đạo cụ thể nhằm đạt kết quả tốt.
Qua công tác giám sát cho thấy, nếu cấp cơ sở làm tốt sẽ giảm được những bức xúc, kiến nghị lên cấp trên. Do vậy cần quan tâm nắm bắt, giải quyết ngay từ cơ sở những vấn đề người dân kiến nghị, phản ánh. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc của cấp trên đối với cấp cơ sở. Đại biểu HĐND phải nêu cao trách nhiệm trong việc nắm bắt, trao đổi, báo cáo đề xuất Thường trực HĐND kịp thời đôn đốc giải quyết KNCCT". Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh |
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết KNCCT, đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, TP quan tâm sâu sát hơn nữa đến công tác giải quyết KNCCT, gắn trách nhiệm cụ thể với công việc được giao, đồng thời xác định giải quyết KNCCT là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ các kỳ họp trước, nhất là kiến nghị cấp thiết gắn với cuộc sống thường ngày của nhân dân như: Đất đai, môi trường, kết cấu hạ tầng giao thông...
Làm tốt công tác tổng hợp, phân loại KNCCT, phân công nhiệm vụ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời, giải quyết bảo đảm đúng thời gian, tiến độ; chấn chỉnh để việc tổng hợp kết quả giải quyết sát với thực tế. Xác định rõ lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể đối với nội dung sẽ giải quyết trong thời gian tới. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các huyện, TP trong trả lời, giải quyết KNCCT.
Đối với đại biểu HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, cần tích cực nghiên cứu chính sách, pháp luật, nâng cao trình độ trên cơ sở đó nâng cao chất lượng công tác TXCT, làm tốt công tác tuyên truyền trả lời, giải đáp KNCCT ngay tại các cuộc tiếp xúc.
Tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị đầy đủ, chính xác và chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện để việc giải quyết ý kiến, kiến nghị kịp thời, chính xác hơn. Thông báo kịp thời đến cử tri kết quả giải quyết. Chủ động, tích cực, nâng cao chất lượng công tác giám sát việc giải quyết KNCCT của các cấp chính quyền.
Kim Hiếu
Ý kiến bạn đọc (0)