Tăng tốc chuyển đổi số
Tốp 10 ấn tượng
Ngày 11/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 111/NQ-TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt ra 14 mục tiêu cơ bản cần ưu tiên thực hiện với trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách toàn diện, hiệu quả; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai và định rõ thời gian hoàn thành. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, đến nay đã có 9/14 chỉ tiêu liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức; 5 chỉ tiêu đang thực hiện.
Kết quả nổi bật là hiện nay 100% cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh đã được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển KT-XH. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Tỉnh triển khai ứng dụng 15 nền tảng số quốc gia; tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; vận hành ổn định hệ thống thông tin phản ánh hiện trường và hệ thống tổng hợp tình hình KT-XH tỉnh; vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang. Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang đã tích hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xử lý, làm sạch dữ liệu, hình thành 7 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Năm 2023 chính thức vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Bắc Giang. |
Bắc Giang cũng là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam. Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. 100% diện tích và 78% số điện thoại di động thông minh được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G.
100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, đặc biệt là thiết bị di động. Hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN), cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 80%; số hóa đạt hơn 84%.
Kinh tế số của tỉnh năm 2023 chiếm 42,13% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, vượt hơn 17% chỉ tiêu đề ra. Trong năm tỉnh thành lập mới 414 DN số, nâng tổng số lên 1.059 DN số; 100% DN sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có gần 100 DN, hợp tác xã, hộ nông dân có sản phẩm thế mạnh, chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các dịch vụ công thiết yếu như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính... Ngành y tế, giáo dục đẩy mạnh CĐS trong khám, chữa bệnh, dạy và học. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công, đối tượng bảo trợ hằng tháng.
Hiện nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống cấp số thứ tự khám chữa bệnh tự động; 80% trung tâm y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh có điểm cầu truyền hình trực tuyến áp dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, phục vụ giao ban trực tuyến. Tỷ lệ tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân đạt hơn 80%.
Đến nay, nhận thức về CĐS của các cấp, các ngành và người dân, DN trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2913/QĐ-UBND ngày 10/9/2022 lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS tỉnh Bắc Giang. 100% số xã, thôn trong toàn tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 209/209 tổ cấp xã, 1.891/1.891 tổ cấp thôn gồm khoảng 16 nghìn thành viên.
Ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số CĐS, vượt mục tiêu Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy đề ra đến năm 2025, Bắc Giang nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Đầu tư trọng điểm, nâng hạng chuyển đổi số
Để CĐS số toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, thời gian tới, tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện CĐS đồng bộ ở các cấp, các ngành. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả CĐS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS; phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, huy động các nguồn lực từ DN, tư nhân, các nguồn lực hợp pháp khác cho CĐS.
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm gian hàng công nghệ số tại Ngày hội CĐS năm 2023. |
Tiếp tục phát triển chính quyền số trên cơ sở phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh. Thúc đẩy kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số; CĐS trong mọi hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi xã hội số tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân, hình thành công dân số, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.
Khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ số ở các lĩnh vực dân sinh thiết yếu; xây dựng hình ảnh, văn hóa, con người Bắc Giang thân thiện, văn minh trên không gian mạng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả CĐS ở 9 lĩnh vực ưu tiên của tỉnh là y tế; giáo dục; tài nguyên và môi trường; công nghiệp và thu hút đầu tư; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; tư pháp và tố tụng.
Đối với từng nhiệm vụ cụ thể, các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình; khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, quyết tâm cùng tỉnh duy trì và nâng thứ hạng CĐS trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước trong những năm tới.
Cập nhật, duy trì kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang phiên bản 2.0, kiến trúc tham chiếu ICT đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang, phiên bản 1.0. Tập trung xây dựng, phát triển 2 đô thị thông minh là TP Bắc Giang và huyện Việt Yên, trong đó ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội (y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, giám sát an ninh, quản lý trật tự xây dựng…).
Cập nhật dữ liệu của tỉnh lên các nền tảng dữ liệu số tài nguyên và môi trường của quốc gia phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Tập trung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để xây dựng, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Dành nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng số và các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dùng chung, trang thiết bị công nghệ thông tin. Đầu tư các thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin; các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào quá trình chỉ đạo, điều hành nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN đáp ứng tính thuận tiện, minh bạch và tin cậy. Thúc đẩy CĐS tại các DN sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang.
Chỉ đạo các DN viễn thông nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch. Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp, đoàn thanh niên tăng cường hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, tham gia các sàn thương mại điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phát huy vai trò thường trực tổ Đề án 06 Quá trình thực hiện Đề án 06, lực lượng công an phát huy vai trò xung kích, thường trực; huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để cấp, kích hoạt định danh điện tử (ĐDĐT). Đến nay, những công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh đã được kích hoạt ĐDĐT, vượt 160% chỉ tiêu Bộ Công an giao và Bắc Giang là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả kích hoạt ĐDĐT. Bắc Giang là một trong 10 đơn vị đầu tiên kết nối Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án, trong đó có 11 dịch vụ của ngành Công an. Công an các địa phương phối hợp với cơ sở giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID và giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết quả 100% hồ sơ của 11 dịch vụ công thiết yếu của ngành đều được nộp trực tuyến. Trong quá trình CĐS, công tác bảo mật dữ liệu cá nhân được Công an tỉnh chú trọng. Cùng với triển khai nghiệp vụ an ninh mạng, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, công an địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như: Giả mạo cán bộ cơ quan nhà nước, người nổi tiếng, thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook, điện thoại và gửi link mã độc... Chú ý bảo mật tài khoản số, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản; khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng Internet Banking... khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ hoặc khi chưa có nhu cầu sử dụng. Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng tuyên truyền, tổ chức phát động tháng cao điểm về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, TTKDTM. Nghiên cứu, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Phối hợp triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Cùng đó, đẩy mạnh ký kết thỏa thuận phối hợp thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến khách hàng những lợi ích của TTKDTM và kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ TTKDTM an toàn, hiệu quả. Các ngân hàng phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt”; hỗ trợ mở tài khoản thanh toán, “phủ sóng VietQR” cho các tiểu thương và hộ kinh doanh. Năm 2023, số lượng TTKDTM qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt 105,6 triệu món với giá trị thanh toán đạt 984.378 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2022. Trung tá Vũ Xuân Hoàn, Giám đốc Viettel Bắc Giang Hạ tầng số cần đi trước một bước Xác định hạ tầng số cần đi trước, là yếu tố quan trọng thúc đẩy CĐS, Viettel Bắc Giang đã quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông. Hạ tầng Internet cáp quang có tại 99% số thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận với dịch vụ Internet không dây, có dây và tham gia CĐS. Viettel Bắc Giang đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, TP những giải pháp, nền tảng góp phần thực hiện tốt CĐS trong các lĩnh vực: Sổ sức khỏe; quản lý bệnh viện; bệnh án điện tử; lớp học thông minh; nền tảng dạy và học trực tuyến; quản lý và bảo vệ rừng; mô hình xã chuyển đổi số; chợ 4.0… Viettel Bắc Giang đã đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước thành lập các đội, nhóm đến tận thôn, xã để hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân giúp thuận tiện trong cài đặt định danh điện tử (VNeID); hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ Internet trên di động thông qua đổi sim 4G miễn phí. Ngoài ra, đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số Viettel CA cho hơn 4 nghìn tổ chức, doanh nghiệp; dịch vụ phần mềm bảo hiểm xã hội điện tử cho hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nêu cao tinh thần phục vụ và thực hiện quy trình điện tử Nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Với nguyên tắc “4 xin, 4 luôn, 5 không”, người dân, doanh nghiệp đến Trung tâm luôn được đón tiếp, hướng dẫn tận tình, lịch sự, phục vụ chu đáo. Các TTHC được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, minh bạch, thuận lợi và nhanh gọn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ CĐS ở bộ phận một cửa. 100% các TTHC được niêm yết công khai; các TTHC được rút ngắn 30 - 60% thời gian giải quyết so với quy định. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2023, Trung tâm triển khai giải quyết 217 TTHC theo quy trình mới trên môi trường điện tử (ký số, chuyển điện tử, in kết quả, đóng dấu, trả kết quả). Cán bộ Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức sử dụng ứng dụng Zalo khi thực hiện TTHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công. Phát tờ rơi tuyên truyền; duy trì tiếp nhận và trả lời ý kiến của cá nhân, tổ chức qua số tổng đài. Qua đó góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao về cải cách hành chính, CĐS. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến đạt 80% (tăng gần 20% so với năm 2022); 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tiếp nhận được số hóa. Mỹ Bình - Khôi Nguyên |
Bài, ảnh: Kim Hiếu - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)