Tăng sức mạnh cộng đồng, nâng cao chỉ số điều hành
BẮC GIANG - Theo kết quả công bố tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, liên tiếp một số ngày gần đây tỉnh Bắc Giang xếp thứ 3 cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (gọi tắt là chỉ số chỉ đạo, điều hành). Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) về các giải pháp để duy trì và nâng hạng chỉ số này của tỉnh.
Thưa đồng chí, Bắc Giang liên tục ở trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về chỉ số chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là có nhiều chỉ số thành phần cao hơn điểm bình quân cả nước. Xin đồng chí cho biết kết quả cụ thể?
Đồng chí Trần Minh Chiêu: Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Căn cứ vào bộ chỉ số, Sở TTTT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện; rõ nhiệm vụ, rõ cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành. Các sở, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các tiêu chí thành phần của bộ chỉ số, qua đó đóng góp chung vào điểm số của tỉnh trên bảng xếp hạng.
Lãnh đạo xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) thường xuyên kiểm tra việc giải quyết TTHC trên phần mềm điện tử. |
Kết quả từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang liên tục đứng trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Ở thời điểm hiện tại tỉnh đang xếp thứ ba, trong đó có một số nhóm chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao và cao hơn bình quân cả nước như: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến; tỷ lệ thanh toán trực tuyến; số hóa hồ sơ; chỉ số công khai minh bạch; tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn; mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC được người dân, DN đánh giá cao.
Xin đồng chí cho biết Sở đã tham mưu với UBND tỉnh những giải pháp như thế nào để có được kết quả này?
Đồng chí Trần Minh Chiêu: Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số tỉnh, Sở TTTT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trên toàn tỉnh. Cùng đó thường xuyên cập nhật, rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm giúp tiết giảm thời gian giải quyết TTHC.
Sở chủ động phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; phối hợp với Công an tỉnh và Cục C06 - Bộ Công an, tiến hành rà quét bảo mật an toàn, an ninh thông tin của hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bắc Giang phục vụ cho việc kết nối các ứng dụng với CSDL quốc gia về dân cư; thường xuyên, kịp thời cập nhật quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành lên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; kịp thời công bố danh mục TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành.
Ngoài ra, Sở tiếp tục duy trì, quản trị, vận hành và hỗ trợ các đơn vị khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh. Quan tâm xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ, như kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang đã đầu tư xây dựng đáp ứng theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh (phiên bản 2.0) và các quy định, yêu cầu của Bộ TTTT. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối đến Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 17 dịch vụ đến các bộ, ngành trung ương, kết nối nội tỉnh thông qua LGSP; cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang (Open Data) được phát triển cung cấp 94 danh mục theo quyết định của tỉnh; cổng hạ tầng không gian đô thị (SDI) của tỉnh xây dựng nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được phát triển trên cơ sở hợp nhất hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công. Đến nay, Sở TTTT đã bổ sung các phân hệ chức năng phục vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, DN và cơ quan quản lý nhà nước. Hoàn thành kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành các biểu mẫu điện tử, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN không phải cung cấp lại các thông tin đã có với 36 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không sử dụng hồ sơ giấy từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử.
Được biết, để chỉ số này đạt cao thì sự tham gia của người dân, DN rất quan trọng. Xin đồng chí cho biết những biện pháp để thúc đẩy sự tham gia của người dân và DN một cách hiệu quả?
Đồng chí Trần Minh Chiêu: Nhằm giúp cho người dân, DN thuận tiện trong giải quyết TTHC, hằng năm, Sở đều đăng ký sáng kiến về cải cách hành chính để phục vụ người dân, DN. Năm 2024, Sở đã đăng ký và thực hiện 2 sáng kiến là “Xây dựng nền tảng giao tiếp số giữa chính quyền với người dân và DN” và “Xây dựng nền tảng nhận dạng ký tự quang học (OCR) dùng chung cho các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang” để giúp người dân, DN và cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện, giải quyết TTHC. Xây dựng video hướng dẫn các DN thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bắc Giang đối với 15 TTHC có các thủ tục phát sinh nhiều hồ sơ.
Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tuyên truyền về lợi ích thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đào tạo, tập huấn cho gần 6 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh, Ban Chấp hành (BCH) Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cấp cơ sở, BCH Đoàn Thanh niên cấp cơ sở toàn tỉnh, tổ chức tập huấn cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh (huyện Lục Ngạn, Hội Nông dân tỉnh và Hội LHPN tỉnh); tập huấn cho DN trên địa bàn toàn tỉnh theo Thông báo Kết luận số 265/TB-UBND ngày 1/7/2024 của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị phân tích các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2023 và giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2024 tỉnh Bắc Giang; tập huấn cho cán bộ thôn, tổ dân phố và cấp xã của huyện Tân Yên, TP Bắc Giang.
Sở thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến bằng nhiều hình thức, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đặc biệt đã xây dựng hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ người dùng bộ câu hỏi, câu trả lời phục vụ người dân thực hiện TTHC, tích hợp trên app Dịch vụ công và trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Chỉ số chỉ đạo, điều hành được đánh giá tự động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hằng ngày, hằng tháng, hằng quý nên dễ bị trồi sụt. Vậy Sở tham mưu với UBND tỉnh những biện pháp gì để duy trì bền vững và tiếp tục cải thiện thứ hạng, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Minh Chiêu: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công của tỉnh; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ và UBND tỉnh giao; rà soát từng chỉ số và chỉ số thành phần để xác định những lĩnh vực còn yếu, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục cụ thể; xây dựng kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Tăng cường giám sát chất lượng, thời gian giải quyết các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; lấy kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị; tiếp tục phối hợp rà soát, cắt giảm các bước trung gian không cần thiết, không hợp lý trong quy trình nội bộ giải quyết TTHC cho người dân, DN tại cơ quan, đơn vị.
Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ công; thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, DN và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC.
Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người dân, DN về quá trình sử dụng dịch vụ công; khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các chiến dịch truyền thông, hỗ trợ trực tiếp.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện việc chia sẻ kết nối, tích hợp, liên thông đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử do các bộ, ngành xây dựng, triển khai với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy định để giúp cán bộ, công chức, viên chức không phải thực hiện việc cập nhật trên nhiều hệ thống, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực.
Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc (0)