Đào tạo nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị.
Chương trình đào tạo này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Lớp đào tạo chuyên ngành đường sắt tốc độ cao của các kỹ sư giao thông. |
Học viên tham gia khóa học là các kỹ sư đã tốt nghiệp đại học các ngành như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Xây dựng cầu - đường, Kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ. Phần lớn trong đó là đội ngũ kỹ sư đã có kinh nghiệm thi công các dự án giao thông lớn thuộc Tổng công ty cổ phần Vinaconex.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên sẽ nhận bằng Đại học chính quy ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị. Chương trình đào tạo là kết quả của sự phối hợp giữa Đại học Xây dựng Hà Nội và các doanh nghiệp giao thông, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm quốc gia.
PGS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết chương trình được thiết kế với giáo trình hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Điều này giúp học viên nắm vững kiến thức chuyên môn và trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Vinaconex chia sẻ rằng con người chính là tài sản và sức mạnh của doanh nghiệp. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm, Vinaconex đã thành lập Trung tâm đào tạo và phối hợp với trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ đường sắt trong và ngoài nước, chuẩn bị tài chính và trang thiết bị để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, dài 1.541 km và có tốc độ thiết kế lên đến 350 km/h, sẽ đi qua 20 tỉnh thành. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11. Theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn, phần lớn vốn đầu tư sẽ tập trung vào xây lắp hạ tầng, chiếm khoảng 33,5 tỷ USD, trong khi các hạng mục như hệ thống điều khiển, cấp điện và phương tiện cũng chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí.
Để xây dựng tuyến đường sắt đạt tốc độ 350 km/h, các nhà thầu Việt Nam sẽ phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe, đòi hỏi ứng dụng công nghệ tiên tiến vượt trội, vượt xa so với các dự án giao thông thông thường.
Ý kiến bạn đọc (0)