Tái đàn lợn gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh
Tỷ lệ tái đàn thấp
Khu chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, xã Xuân Hương (Lạng Giang). |
Hộ ông Nguyễn Văn Minh, thôn Chùa, xã Xuân Hương (Lạng Giang) xuất bán trung bình khoảng một nghìn con lợn thương phẩm/năm. Có thời điểm, ông nuôi tới 50 lợn nái sinh sản. Tuy nhiên, tháng 6/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát khiến đàn lợn hơn 70 con của gia đình ông, trong đó có 29 con lợn nái chết sạch.
Hơn 3 tháng sau, được sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã Xuân Hương, gia đình ông mới bắt đầu chăn nuôi trở lại. Ông Minh chia sẻ: “Khi đó, do khan hiếm nên lợn giống giá rất cao. Để gây lại đàn lợn nái, tôi đành chọn cách giữ lại những con nái đẹp trong đàn lợn thương phẩm để nhân giống. Nhờ vậy, đến nay tôi đã có 25 con lợn nái, trong chuồng đang duy trì 200 con lợn thịt”.
Cùng cách làm với ông Minh, nhiều hộ chăn nuôi lợn trong xã Xuân Hương như hộ ông Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Văn Dục ở thôn Trại Phúc Mãn cũng đã gây dựng được tổng đàn hơn 200 con/hộ. Theo đại diện UBND xã Xuân Hương, mặc dù chính quyền các cấp đã quan tâm, hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh và tái đàn lợn nhưng đến nay, toàn xã mới có hơn một nghìn hộ nuôi lợn trở lại với tổng đàn khoảng 7 nghìn con, bằng 50% so với thời điểm trước khi có DTLCP.
Được biết, đây cũng là tình trạng chung trong việc tái đàn lợn tại các địa phương trong tỉnh. Hiện đàn lợn tại một số huyện trọng điểm chăn nuôi của tỉnh cũng đã tăng nhưng rất chậm. Cụ thể, Lạng Giang đạt 128 nghìn con, Tân Yên 182,2 nghìn con, Hiệp Hòa 109 nghìn con… Tỷ lệ tái đàn của các huyện tăng từ 15- 80%. Trong đó, Tân Yên đạt cao nhất, bởi hầu hết các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn đều bảo vệ tốt đàn lợn trong đợt bùng phát DTLCP năm ngoái.
Các huyện như: Lục Ngạn mới đạt 17 nghìn con (tương ứng 20%); Sơn Động đạt 39 nghìn con, trong đó chỉ có khoảng 5 nghìn con của các hộ dân, còn lại là của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn.
Ông Bùi Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lạng Giang nhận định, nhiều hộ không dám tái đàn là do lo ngại DTLCP vẫn diễn biến khó lường, trong khi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao. Một bộ phận người chăn nuôi chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định về phòng, chống dịch bệnh nên nguy cơ dịch bùng phát cao.
Ngoài ra, các hộ còn lo ngại Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt sẽ khiến giá lợn hơi xuống thấp. Cùng đó, giá lợn giống tăng quá cao, dao động từ 3-3,8 triệu đồng/con (từ 7-10 kg), gấp hơn 5 lần so với đầu năm ngoái. Vì thế, người chăn nuôi không dám đầu tư vì sợ rủi ro.
Tăng đàn lợn nái, bảo đảm an toàn dịch bệnh
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kẹp chì niêm phong xe vận chuyển lợn thịt đã được kiểm dịch trước khi xuất bán ngoại tỉnh. |
Đầu năm 2019, tổng đàn lợn của Bắc Giang đạt hơn 1,1 triệu con, trong đó có 148,86 nghìn lợn nái. DTLCP bùng phát khiến cuối năm 2019, đàn lợn sụt giảm còn hơn 620,9 nghìn con. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 8/2019, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã duy trì 10 tổ công tác, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và tái đàn tại 10/10 huyện, TP. Kết quả, đến nay, đàn lợn của tỉnh đã tăng lên hơn 900 nghìn con, trong đó đàn lợn nái đạt hơn 80,1 nghìn con.
Tuy nhiên, nếu các cơ sở chăn nuôi không tăng đàn lợn nái sinh sản thì tổng đàn lợn sẽ bị chững lại. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện toàn tỉnh xuất bán ra tỉnh ngoài trung bình 16,5 nghìn con lợn/tháng (chưa kể lượng lợn thịt tiêu thụ nội tỉnh). Với hơn 80 nghìn lợn nái, trung bình mỗi tháng cũng chỉ sinh sản được từ 15-16,5 nghìn lợn con. Như vậy, tổng số lợn giết thịt và sinh ra là tương đương. Do đó, Bắc Giang cần tăng đàn lợn nái lên khoảng 90 nghìn con thì mới tăng được tổng đàn lợn như mục tiêu đã đề ra.
Để đạt được 90 nghìn lợn nái (trong khi các tập đoàn chăn nuôi lớn như: CP, CJ, Dabaco, Hòa Phát, RTD hầu hết chỉ cung cấp lợn giống trong hệ thống), ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho rằng, các hộ cần giữ lại những con lợn thương phẩm có mẫu mã đẹp để gây thành lợn nái sinh sản. Khi lợn đạt trọng lượng từ 1-1,1 tạ/con (tương ứng với 7 tháng tuổi) thì chủ hộ chăn nuôi nên chọn một số con để phối giống. Nếu sau 21 ngày lợn đậu thai thì để đẻ.
Nếu không, lợn vẫn phát triển bình thường và chủ nuôi có thể bán làm lợn thịt. Ông Kiên khẳng định: “Cách gây lợn nái sinh sản từ đàn lợn thương phẩm tỷ lệ đậu thai chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn 20% so với mua lợn nái giống từ các cơ sở chăn nuôi lợn ông bà nhưng đó là giải pháp tình thế hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, với mục tiêu tái đàn lợn nhanh và bền vững, UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở, trang trại, người dân thực hiện tái đàn hợp lý. Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB).
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và ưu tiên cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất. Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án hỗ trợ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 2020 theo hướng hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, hóa chất khử trùng, xét nghiệm chẩn đoán nhanh mầm bệnh DTLCP.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)