Ta bước tiếp trên đường đi tới
Mới 5 năm – một đoạn đường của thế kỷ. Bỗng chốc rất lạ, câu thơ của nhà thơ Tố Hữu văng vẳng trong tôi: "Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều".
Quảng trường 3-2 (TP Bắc Giang).
|
Lại ngẫm, đâu chỉ khu đất ngoại thành này mà khắp vùng quê tỉnh nhà đâu cũng vậy. Từ những đồng đất làng quê. Những cánh đồng mẫu lớn. Những cánh đồng chuyên canh. Công xưởng, công ty,… Không có gì lạ đã xuất hiện những cánh đồng nông sản mà mỗi ha thu về hàng trăm triệu đồng. Chúng ta đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cũng chẳng có gì lạ đã ngày càng có nhiều làng – phố, làng – thị tứ, làng thủ công nghiệp, làng trí thức, làng công nhân,…
Đã bao làng quê là nông thôn mới – danh hiệu vẻ vang cho sự phấn đấu gian nan, gắng gỏi của nông dân tỉnh nhà. Nhẩm tính 5 năm qua đã có 124 xã và ba huyện đạt danh hiệu ấy. Hãnh diện, tự hào khi tỉnh ta đứng đầu vùng Trung du và Miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Đã xa rồi cái thời miếng cơm manh áo canh cánh trong lòng. Người dân hôm nay ra sức phấn đấu ăn ngon mặc đẹp chứ không phải ăn no mặc ấm.
Cả tỉnh chỉ còn 3,5% hộ nghèo. Thành quả ấy là do chuyển đổi cách nghĩ, cách làm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhà nông, điều mà cả thời gian dài đã ăn sâu trong tiềm thức tưởng như không dứt ra được. Nông sản hôm nay đâu chỉ là tự cấp tự túc mà còn là hàng hóa cho thị trường, đâu chỉ là quẩn quanh trong tỉnh mà còn vươn ra tận nước ngoài.
“Vương quốc vải thiều” vẫn sừng sững trên bản đồ thương trường quốc gia. Quả vải đã có mặt ở trời tây. Gà đồi Yên Thế vẫn có đều trên nhiều thị trường miền Bắc. Rồi mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu làng Vân, gạo Yên Dũng, na Lục Nam, chè Bản Ven… Những đặc sản quê hương nức tiếng gần xa.
Tôi đã đến nhiều huyện miền núi, trong đó có Sơn Động – một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Ai đó đã nói, muốn biết làng quê ra sao hãy ra chợ, muốn biết quốc gia thế nào hãy đến huyện nghèo nhất. Ở đó sẽ rõ ràng thực hư mọi điều mà không báo cáo, sách vở nào che lấp được.
Cầu vượt đường tỉnh 295B qua địa bàn xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) vừa thông xe kỹ thuật. Ảnh: Văn Vĩnh
|
Chính ở vùng đất rẻo cao nhiều đồng bào dân tộc ít người này, tôi đã ngỡ ngàng bao sự đổi thay sau 5 năm. Chợ làng, chợ liên xã đông vui, đầy ắp hàng hóa. Nhà ngói san sát xen kẽ nhà cao tầng bề thế. Đường làng ngõ xóm trải bê tông. Trạm xá, trường học khang trang. Đã có thêm những cụm công nghiệp ở nơi heo hút. Điều phấn chấn là nhiều năm nay ngày càng đông trai gái người dân tộc ít người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu… đã bước ra từ những cánh rừng, từ những bản làng xa ngái đến nơi công xưởng, nhà máy, trở thành công nhân làm chủ máy móc, bước đầu hòa nhập với thời đại công nghiệp.
Nhiều gia đình cách đây mấy chục năm vì nghèo khó, túng quẫn đã rời quê vào sinh sống tại Tây Nguyên nay lần lượt trở về. Họ bất ngờ, tự hào về làng quê mình hôm nay.
Tôi đăm đăm nhìn về phía xa – nơi tập trung khu công nghiệp của tỉnh. Lý giải cho sự đổi thay của tỉnh nhà hôm nay chính là do chúng ta đã chọn công nghiệp làm mũi nhọn, coi công nghiệp là động lực chủ yếu, là trụ cột phát triển kinh tế. Ai cũng hiểu, doanh nghiệp có tác động quan trọng tới thịnh vượng xã hội, quốc gia cũng vậy mà tỉnh cũng thế.
Bắc Giang đã phát triển vượt bậc suốt 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đã thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Thu ngân sách năm 2020 đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, chiếm 49,3% tổng chi (tăng 10% so với năm 2015).
Bình quân thu nhập đầu người 3.000 USD tức là khoảng 70 triệu đồng. Một con số nức lòng. Nhiều lĩnh vực xã hội đã tăng tiến vượt bậc, ví như về giáo dục: Phòng học kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia đều hơn 90%. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, người dân có thẻ Bảo hiểm y tế đạt 99%… Thật khó kể hết những con số biết nói.
Tôi lững thững đi trên con đường vừa mở rộng. Làng quê, phố phường đẹp như tranh. Bao ý nghĩ ùa đến trong tôi. Chúng ta đã bước qua đoạn đường khó nhọc đầy thử thách. Những gì đã gặt hái được là nhờ sự phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Từ lãnh đạo tới quần chúng.
Tư duy mới. Hành động mới. Nắm chắc thời cơ. Kiên trì và quyết liệt. Cần mẫn và sáng tạo. Chúng ta lại bước tiếp con đường ngắn phía trước – 5 năm. Chắc chắn lại phải đương đầu với những gian nan mới, thử thách mới. Chẳng ai đoán định được hết trở ngại, khó khăn sắp tới. Con đường thắng lợi, vinh quang chẳng bao giờ trải lụa và hoa hồng. Điều chúng ta tin rằng, những ước vọng mới, hạnh phúc mới sẽ thành hiện thực với khí thế, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra định hướng: Phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đồng bộ và hài hòa giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi.
Phát triển vì mục tiêu con người, lấy chỉ số phát triển con người là thước đo đối với các chỉ số phát triển địa phương. Chúng ta sẽ tiếp tục lấy công nghiệp làm động lực là chủ yếu, nông nghiệp là nền tảng bảo đảm, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy, sẽ cố gắng đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 5.500 – 6.000 USD. Hộ nghèo sẽ chỉ còn 1%... Còn rất nhiều chỉ tiêu phấn đấu về các lĩnh vực KT-XH trong suốt 5 năm kế tiếp.
Trước mắt chúng ta vẫn còn bao điều tồn tại, trăn trở. Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chất lượng cải thiện chậm. Quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng và bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo. Rồi sự vô cảm, nhũng nhiễu, cửa quyền, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận công chức. Rồi tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, bạo lực, lừa đảo… vẫn còn trong cuộc sống hôm nay.
Tôi dừng chân ven đường bên bờ sông Thương. Thành phố Bắc Giang đang mở rộng nhiều nơi. Lại những nhà cao tầng mới. Lại những con đường thênh thang mới. Những âm thanh náo nức của cuộc sống hối hả, sôi động cứ vang động cả không gian…
Tùy bút của Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)