Sưu tầm và phát huy giá trị cổ vật
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số đại biểu tham quan trưng bày cổ vật tại Bảo tàng tỉnh. |
Phát hiện nhiều cổ vật quý
Cách đây 4 năm, khi đào móng để xây chùa mới, người dân thôn Đám Trì, xã Lục Sơn (Lục Nam) phát hiện nhiều vật liệu xây dựng bằng đất nung, mảnh gốm. Nhận được thông báo, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khẩn cấp di tích chùa Đám Trì suốt 30 ngày. Trong tổng số hơn 2 nghìn hiện vật thu được có 14 lá đề chất liệu đất nung, mịn, màu hồng; đáng chú ý 3 lá còn tương đối nguyên vẹn, ở giữa khắc hình ngôi tháp 7 tầng, hai bên có đôi rồng uốn 9 khúc... Phát hiện lá đề thời Trần là minh chứng khẳng định sự xuất hiện khá dày các ngôi chùa ở sườn Tây Yên Tử do các thế hệ vua Trần và Tam tổ Trúc Lâm mở mang. Đây là hiện vật quan trọng phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý-Trần trên vùng đất Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, ở nhiều nơi, khi đào ao, hồ, làm nhà, trồng cây... không ít người đã tìm thấy cổ vật. Ông Giáp Văn Đức, thôn Văn Giàng, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) trong khi lấy đất làm gạch phát hiện bộ chuông voi 5 chiếc cách bờ sông Thương khoảng 30 m. Chuông hình tam giác, chiều cao trung bình 20 cm, trên đỉnh có 2 sừng vểnh lên. Những hiện vật này minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hơn 2 nghìn năm trước ở Bắc Giang cư dân sinh sống đông đúc, văn hóa Đông Sơn phát triển mạnh. Ông Đức đã nhượng lại bộ sưu tập cho Bảo tàng tỉnh để nghiên cứu, trưng bày.
![]() |
Bình gốm Bát Tràng thời Lê do anh Phạm Thanh Hùng, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) sưu tầm. |
Nhận thức rõ giá trị về văn hóa, lịch sử của cổ vật, những năm gần đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm. Hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày khoảng 2 nghìn hiện vật cổ như: Trống đồng; rìu đồng, đá; bàn dập hoa văn hóa Đông Sơn; bình, lọ, liễn thời Lý-Trần; bộ sưu tập đồ gốm Thổ Hà chạm khắc thời Lê; chân đèn thời Mạc, gốm Bát Tràng....
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Nhiều hiện vật do đơn vị sưu tầm gắn liền với bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất Bắc Giang. Các cuộc trưng bày giới thiệu hiện vật, cổ vật theo chuyên đề được ngành chức năng thực hiện thường xuyên nhằm phát huy giá trị của di sản.
Những nhà sưu tầm nghiệp dư
Trong căn nhà rộng nằm trên đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), xung quanh có hàng chục đồ cổ được bày biện bắt mắt trên những chiếc tủ gỗ, anh Phạm Thanh Hùng (47 tuổi) - chủ nhà tâm sự: Từ nhỏ, anh thích tem, bật lửa cũ, các vật dụng gia đình thời bao cấp. 17 năm qua, anh lặn lội khắp nơi sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ quý như: Ấm sành thời Đinh; bình vôi sứ thời Lý-Trần, gốm bát Tràng, bộ thờ đỉnh đồng thời Nguyễn. Có những vật anh được tặng hoặc mua từ người dân bán rẻ, có lúc anh bỏ tiền triệu để mua lại. Bản thân anh và một số hội viên trong Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh cũng từng hiến cho Bảo tàng tỉnh một số hiện vật cổ.
![]() |
Ông Nguyễn Đắc Nông, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) giới thiệu hiện vật cổ tới học sinh và giáo viên tại "bảo tàng" của gia đình. |
Qua tìm hiểu, toàn tỉnh có khoảng 10 cá nhân tham gia hoạt động sưu tầm hiện vật, cổ vật thường xuyên. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn song hầu hết họ là những người đam mê, có đóng góp lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Họ được xem là "tai mắt" phát hiện cổ vật ở các địa phương, tích cực phối hợp với Bảo tàng tỉnh tham gia các cuộc trưng bày hiện vật, trao đổi thông tin. Đặc biệt, không ít người cao tuổi, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn say sưa sưu tầm. Đầu năm 2017, ông Nguyễn Đắc Nông (71 tuổi), phố Cả Trọng (Yên Thế)- người có hơn 30 năm sưu tầm hiện vật văn hóa đã mở "bảo tàng" tại nhà thu hút đông đảo học sinh, du khách đến tham quan. Tại đây, ông trưng bày bình, hũ, bát, đĩa, chuông... của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, sở dĩ tôi sưu tầm hiện vật để thế hệ sau biết được một thời cha ông cha ta dựng nước, giữ nước, sản xuất, sinh hoạt như thế nào", ông Nông tâm sự.
Để có nhiều hiện vật cổ
Mặc dù công tác sưu tầm cổ vật của tỉnh thời gian qua đã được ngành chức năng quan tâm song hiện nay vẫn còn khó khăn nhất định. Hiện những người có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực này rất ít. Ở các địa phương, nhất là cấp xã, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa người dân, chính quyền và cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ. Ông Triệu Văn Phượng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Thế cho biết: "Thực tế, ở nhiều nơi, trong quá trình xây dựng, có những hiện vật được phát hiện song có thể bị vứt bỏ bởi người dân không biết giá trị của chúng. Nếu có đội ngũ am hiểu về chuyên môn và cơ chế phối hợp chặt chẽ từ huyện đến xã, thôn chắc chắn chúng ta sẽ khai thác được nhiều hơn nữa".
![]() |
Lá đề được phát hiện tại thôn Đám Trì, xã Lục Sơn (Lục Nam) đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. |
Mặt khác, để mua dù một hiện vật hay nhóm hiện vật số lượng lớn, phải trải qua nhiều bước như: tổ chức điều tra, khảo sát; trình hội đồng khoa học, thẩm định... Không ít trường hợp khi quy trình thực hiện xong đồ cổ đó đã rơi vào tay tư nhân ngoài tỉnh. Cùng đó, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động còn hạn hẹp, trong khi có những cổ vật phải mua lại của tư nhân rất đắt đỏ.
Ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới, Sở tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế phù hợp trong việc sưu tầm cổ vật, làm tốt công tác xã hội hóa để tăng kinh phí cho hoạt động này. Chỉ đạo đơn vị chức năng tập trung rà soát, sưu tầm, bổ sung những hiện vật cổ gắn với lịch sử văn hóa mang đặc trưng của Bắc Giang, nhất là đồ gốm Thổ Hà. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác sưu tầm. Tổ chức trưng bày chuyên đề, lưu động để nhiều người biết đến. Hiện nay, Đề án "Phát triển Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2030" đã xây dựng xong, dự kiến tháng 2-2018 sẽ trình UBND tỉnh thông qua. Theo đó, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm cổ vật sẽ được quan tâm hơn.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)