Sức sống kinh tế tư nhân
Tầm vóc và sức sống mới
Suốt 20 năm qua, tôi may mắn được chứng kiến những bước thăng trầm của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) của tỉnh (không kể các doanh nghiệp FDI). Đồng hành với nhiều doanh nghiệp (DN) từ khi mới thành lập với quy mô nhỏ nay đã vươn mình thành những DN lớn, có tầm cỡ và chính điều đó giúp cho tôi cảm nhận được tầm vóc, sức sống mãnh liệt KTTN của tỉnh.
Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Xe điện toàn cầu PEGA, Cụm công nghiệp Nội Hoàng. Ảnh: Giang Hương |
Tôi có thân quen với một doanh nhân, anh xuất thân là kỹ sư vô tuyến (tốt nghiệp Đại học Bách Khoa), khởi nghiệp của hai vợ chồng là cửa hàng buôn bán và sửa chữa đồ điện tử. Theo thời gian, từ cửa hàng nhỏ tiến lên cửa hàng lớn, từ kinh doanh thương mại, anh chuyển sang lĩnh vực đầu tư xây dựng, rồi kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Cứ thế cho đến nay, anh đã là một gương mặt sáng giá về đầu tư khu đô thị trong khu vực. Ở tuổi ngoài 60 nhưng anh vẫn trẻ trung, sôi nổi bàn những dự án lớn như Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi (80 ha), Khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp phía Nam, TP Bắc Giang với số vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Một câu chuyện khác để minh chứng cho tầm vóc KTTN của tỉnh. Cách đây hơn 10 năm để vượt sông Thương, TP Bắc Giang chỉ có duy nhất một cây cầu đường bộ và đường sắt chung nhau, cứ sáng sớm cảnh ùn tắc lại diễn ra. Tỉnh phải “chạy lên, chạy xuống” nhiều lần, Bộ Giao thông - Vận tải mới bố trí vốn 167 tỷ đồng cho xây dựng cầu Mỹ Độ và cũng phải mất 3 năm mới hoàn thành.
Vừa qua, thực hiện hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng chuyển giao BT, UBND tỉnh đã mạnh dạn giao cho Công ty TNHH Tân Thịnh (DN tư nhân) làm chủ đầu tư dự án cầu Đồng Sơn và 10 km đường dẫn lên cầu với số vốn gần 1.200 tỷ đồng (tất cả là vốn của DN).
Chỉ trong vòng hai năm, toàn bộ dự án đã hoàn thành, kết nối khu công nghiệp bờ Nam với khu đô thị bờ Bắc, tạo ra một động lực mới phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, vui chơi giải trí, logictics… cho khu vực phía Nam của TP Bắc Giang.
Có người hỏi tôi, công tác ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, anh đánh giá thế nào về tầm vóc KTTN của tỉnh? Đây là một câu hỏi khó, không dễ dàng trả lời trọn vẹn. Tuy nhiên có thể kể ra đây một vài số liệu để khái quát bức tranh về KTTN của tỉnh.
Theo thống kê, năm 1999, toàn tỉnh có 66 DN tư nhân với số vốn đăng ký 43 tỷ đồng và 7.538 hộ kinh doanh cá thể thì đến tháng 10-2019 có gần 9 nghìn DN tư nhân (gấp 136 lần), với số vốn đăng ký 66.315 tỷ đồng (gấp 1.542 lần) và 18.375 hộ kinh doanh cá thể. Về ngành nghề, trước đây các DN tư nhân hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, chỉ có số ít hoạt động trong lĩnh vực sản xuất với quy mô nhỏ thì nay đã có mặt hầu hết ở tất cả các lĩnh vực như: Sản xuất, chế biến, chế tạo, may mặc, xây dựng…
Một số ngành trước đây chỉ có DN nhà nước thực hiện thì nay gần như do DN tư nhân đảm nhiệm như: Phân bón, cung cấp nước sạch, dịch vụ ngân hàng, xây dựng kết cấu hạ tầng… Nhiều lĩnh vực do Nhà nước độc quyền, nay đã có DN tư nhân tham gia như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao… Tổng số thuế DNTN nộp năm 1999 gần 20 tỷ đồng thì nay là 850 tỷ đồng (gấp 42,5 lần).
Sản phẩm đồ gỗ của Công ty TNHH Vũ Thịnh (Lạng Giang) Ảnh: Nguyễn Lam |
Có thể nói, sau 20 năm, KTTN của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Kết quả đó xuất phát từ những quyết sách lớn của Đảng về KTTN, đồng thời Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy KTTN phát triển; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho DNTN tiếp cận đất đai, nguồn vốn, đổi mới công nghệ. Có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo...
Để thật sự trở thành động lực quan trọng
20 năm, một chặng đường không phải là dài, KTTN đã trở thành động lực trong việc phát triển nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên có đến 98% là DN nhỏ và vừa; chưa có DN nào lọt vào top 500 DN hàng đầu Việt Nam; thiếu thương hiệu đạt tầm quốc gia; trình độ công nghệ còn lạc hậu; trình độ quản trị còn nhiều hạn chế.
Để KTTN thật sự trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh cần phải triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên trước mắt vẫn là tiếp tục thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN. Mặc dù đã có Nghị quyết của T.Ư Đảng về phát triển KTTN nhưng đó đây vẫn còn tư tưởng kỳ thị, thiếu coi trọng KTTN, chưa thật sự tin vào sức mạnh của DN trong tỉnh. Thu hút FDI là rất quan trọng nhưng tạo điều kiện cho DN nội phát triển là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững. Đã đến lúc cần tạo điều kiện và tin tưởng giao cho DNTN trong tỉnh thực hiện những dự án lớn, giúp DN kết nối sức mạnh để thực hiện những công trình tầm vóc của tỉnh.
Sau 20 năm, KTTN của tỉnh đã có bước phát triển khó tưởng tượng. Một thời kỳ mới đầy hứa hẹn mở ra cho KTTN của tỉnh. |
Muốn KTTN phát triển nhanh và bền vững cần tạo ra hệ sinh thái để cho DN được “sống”, được “hít thở không khí tự do, trong lành”, giúp cho DN có niềm cảm hứng, đam mê, sáng tạo, dám dấn thân. Cốt lõi của hệ sinh thái là môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đồng thời điều hành nền kinh tế phải bảo đảm theo 3 quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, đó là quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh.
Vẫn còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận đất đai; nguồn vốn; thông tin tài liệu về đầu tư, tài chính, quy hoạch; cơ chế chính sách; thị trường tiêu thụ sản phẩm… Vẫn có có công chức “hành” DN, “trên rải thảm nhưng dưới rải đinh, trên rất thông nhưng dưới chưa thoáng”. Đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ để cho DN phát triển nhưng chậm đi vào cuộc sống...
Trong thời gian tới, tỉnh phải tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó xây dựng, triển khai thực hiện Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các đơn vị tại các khu, CCN trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh bằng nhiều hình thức; xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Cuối cùng, muốn KTTN phát triển thì tự thân các DN, doanh nhân khối này phải tự lột xác, thay đổi cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, tự tìm ra cho mình một lối đi riêng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi doanh nhân phải hun đúc ý chí quật cường của dân tộc, có khát vọng làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước.
Thật mừng, sau 20 năm, KTTN của tỉnh đã có những bước phát triển khó tưởng tượng. Một thời kỳ mới đầy hứa hẹn mở ra cho KTTN của tỉnh, bên cạnh những mái đầu đốm bạc đã xuất hiện những mái đầu xanh, một thế hệ doanh nhân mới được đào tạo bài bản, có trình độ quản trị hiện đại, có ngoại ngữ và tin học. Thế hệ trẻ này sẽ tiếp bước cha ông những ngày hôm qua, tự tin tiến ra “biển lớn”, đưa KTTN của tỉnh có một sức sống và tầm cao mới, là nhân tố và động lực quan trọng để xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Cường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)