Sự thật về những ngôi nhà "tàng hình" gây sốt ở Hà Giang
Giữa tháng 5, trên đường về quê, anh Nguyễn Văn Linh (Đồng Văn, Hà Giang) phát hiện ra nhiều ngôi nhà dân dọc quốc lộ 4C, đoạn nối từ huyện Mèo Vạc sang huyện Đồng Văn được tô vẽ những mảng tường lớn hình ảnh cây cối, núi non.
Hình ảnh về ngôi nhà "tàng hình" giữa núi rừng Hà Giang gây "sốt" cộng đồng những ngày qua. |
Nhìn từ xa, những ngôi nhà này tạo cảm giác như "tàng hình". Từ màu sắc đến khung cảnh đều khớp từng chi tiết với thiên nhiên hùng vĩ bao quanh. "Khi chạy xe máy ngang qua đây, tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ và thích thú", anh Linh cho biết.
Hình ảnh những ngôi nhà này được chia sẻ trên các hội nhóm du lịch, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một sản phẩm của photoshop không vì hiệu ứng thị giác "ảo" đến mức khó tin.
Những ngôi nhà được trang trí tranh bích họa bắt mắt nằm trong kế hoạch dự án bảo tồn kiến trúc văn hóa truyền thống bản địa và phát triển tiềm năng du lịch, thu hút du khách tới Hà Giang của lãnh đạo địa phương.
Dự án này được bắt đầu thực hiện từ ngày 5/5, đến nay đã hoàn thiện 4 căn nhà đầu tiên, nằm dọc quốc lộ 4C, thuộc địa phận các xã Pả Vi, Pải Lủng, huyện Mèo Vạc.
Những căn nhà được lựa chọn đa phần có điểm nhìn hướng núi rất đẹp và hùng vĩ, nhưng lại nằm ở các góc khuất, bị che chắn hoặc có diện mạo nham nhở.
Với ý tưởng chính là tạo ra một không gian "hòa mình vào thiên nhiên". Đội ngũ họa sĩ được giao nhiệm vụ phải làm sao cho những căn nhà ấy… tàng hình, "nằm im" trong những ngọn núi phía sau.
Do vậy, độ tỉ mỉ, hoàn thiện của các bức tranh phải đảm bảo tối đa nhất. Họa sĩ đã tiến hành các nghiên cứu về địa hình, cảnh quan bao quanh những ngôi nhà. Bức tranh trên tường từ xa nhìn như thế nào để khớp với chỏm núi kia là điều khiến các họa sĩ tốn rất nhiều thời gian.
Các bức tranh tái hiện khung cảnh quê hương với những hình ảnh quen thuộc như ngói âm dương, hàng rào đá, cây sa mộc, nương ngô,…
Theo họa sĩ Dương Bá Hùng, một họa sĩ tham gia dự án: "Quá trình làm đẹp cho cung đường này được chúng tôi thực hiện từng bước một. Sẽ có một vài căn nhà hoàn thiện trước, sau đó tham khảo đánh giá khách quan của cộng đồng, du khách rồi tiếp thu và sửa sang thêm".
Anh Hùng cũng cho biết thêm, quá trình thi công tương đối khó khăn vì những ngôi nhà ở đây phía trước là mặt đường, phía sau lại là vực thẳm. Ê-kíp không thể bắc giàn giáo mà phải sử dụng toàn bộ bằng gậy hoặc đu dây để vẽ.
Hình ảnh một căn nhà trước và sau khi cải tạo, vẽ tranh. |
Mỗi công trình được vẽ hoàn thiện trong khoảng 2 - 3 ngày. Một số căn nhà mà người dân đang xây dựng dang dở, chưa có điều kiện xây trát hoàn thiện sẽ được địa phương hỗ trợ tôn tạo sau đó vẽ tranh tường miễn phí.
Những bức tranh tường độc đáo, nhiều màu sắc ấn tượng không chỉ góp phần tô điểm cho cảnh sắc, cũng như kiến trúc nhà ở của người dân Mèo Vạc mà còn giúp du khách hiểu hơn về quê hương, nếp sinh hoạt của bà con vùng cao.
Sự thay đổi trên bước đầu đón nhận nhiều phản hồi tích cực. Anh Phạm Văn Hậu, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Giang cho biết, mới đây khi dẫn khách đi qua cung đường này, nhiều khách Tây và cả khách Việt Nam cũng trầm trồ, thích thú với diện mạo mới của những căn nhà.
"Hầu hết khách nào cũng đòi dừng lại chụp ảnh trong khi trước đây du khách không để ý nhiều đến cung đường này", anh Hậu cho biết.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)