Sơn Động: Trợ lực phát triển nông sản hàng hóa
Phát huy vai trò chủ thể
Thôn Am Hà, xã Bồng Am (cũ), nay thuộc xã Tuấn Đạo được biết đến với sản phẩm hương nến truyền thống, có thời điểm hơn 80% hộ dân trong thôn tham gia sản xuất. Tuy nhiên, do cách làm thủ công, sản lượng thấp và chưa quan tâm đến thị trường nên sản phẩm này khó tìm chỗ đứng, chỉ còn gần chục hộ duy trì nghề và hoạt động dịp gần Tết Nguyên đán. Không để nghề truyền thống mai một, UBND xã Tuấn Đạo giao cho Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động, thôn Linh Phú (cùng xã Tuấn Đạo) mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh - sản xuất hương nến.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP của huyện Sơn Động năm 2023. |
Với vai trò chủ thể, HTX đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất hương tự động và máy trộn, máy nghiền nguyên liệu. Để giữ mùi thơm đặc trưng của hương Bồng Am, HTX chỉ sử dụng nhựa trám và dễ cây hương bài làm nguyên liệu; liên kết tiêu thụ với một số HTX, doanh nghiệp chuyên sản xuất hương tại huyện Ứng Hoà (TP Hà Nội).
Hiện mỗi ngày, HTX sản xuất hơn 10 vạn thẻ hương, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động nói: “Hiện chúng tôi đang chờ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để hoàn thiện hồ sơ dự thi OCOP đợt 2 năm 2023. Nếu sản phẩm được gắn sao, thị trường tiêu thụ sẽ rộng hơn, hương nến Bồng Am sẽ bay xa”.
Năm 2023, toàn huyện có 10 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có 7 sản phẩm mới, 3 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại. Đây đều là những mặt hàng mang tính đặc trưng, truyền thống của huyện như: Miến dong Sơn Động, măng mai Thanh Luận, trứng gà 6 ngón, mật ong Tây Yên Tử, khau nhục Yên Định, gà thiến Hữu Sản… Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các chủ thể quan tâm đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Để đưa 3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lại (mật ong Tây Yên Tử, nấm lim xanh Tây Yên Tử, rượu men lá Tây Yên Tử), HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh chuyển từ bao bì giấy, nhựa sang giỏ bằng mây tre đan; in thương hiệu sản phẩm trực tiếp lên chai đựng rượu để tránh làm giả… Tương tự, sau 1 năm thành lập, từ 200 con gà bố mẹ, đến nay, HTX Phú Cường, thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn có hơn 1 nghìn con gà bố mẹ và duy trì 2-3 nghìn con gà thương phẩm. Đặc biệt, HTX có sản phẩm đầu tiên đăng ký tham giá đánh giá, phân hạng OCOP - trứng gà sáu ngón.
Anh Vi Văn Giới, Giám đốc HTX Phú Cường cho biết: “HTX cung cấp ra thị trường hơn 7 nghìn quả trứng gà 6 ngón/tháng với giá cao hơn khoảng 15% so với trứng gà thường. Nếu trứng gà 6 ngón được gắn sao, chúng tôi sẽ phát triển thêm đàn gà bố mẹ, chuẩn bị các điều kiện để đưa sản phẩm gà 6 ngón tham gia đánh giá, phân hạng vào năm sau; đầu tư công nghệ để có thêm những sản phẩm chế biến từ loại gà đặc sản này”.
Có chính sách hỗ trợ
Theo thống kê, hiện toàn huyện có 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: Măng mai khô Tây Yên Tử; rượu nấm lim xanh Tây Yên Tử; mật ong rừng Sơn Động; nấm lim xanh Sơn Động; nho đen không hạt; cam xoàn; rượu men lá Như Bảo. Được gắn sao, các sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn. Ví như sản phẩm OCOP 3 sao nấm lim xanh của HTX Nấm lim xanh Sơn Động, xã Cẩm Đàn mang lại thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết với HTX. Hiện giá bán trung bình từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, người dân thu lãi 300-400 nghìn đồng/kg…
Theo Nghị quyết của HĐND huyện, sản phẩm đạt OCOP 3 sao được hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm 4 sao được hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm 5 sao được hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/sản phẩm. |
Mặc dù vậy, do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất với các HTX, hộ kinh doanh nên nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện chưa phát triển; các chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ nên sự gia tăng về sản lượng, giá trị so với các sản phẩm tại nhiều địa phương khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, có lợi thế và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 có 20 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện thông qua và ban hành Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm đạt OCOP. Mới đây, UBND huyện đã trao kinh phí hỗ trợ cho 4 chủ thể có sản phẩm được công nhận với tổng số tiền 375 triệu đồng.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu có 20 sản phẩm OCOP vào năm 2025, huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó thu hút nhiều chủ thể tham gia. Với quan điểm lấy nông, lâm nghiệp là động lực để địa phương thoát khỏi huyện nghèo, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ các HTX nhỏ, hộ gia đình phát triển sản xuất, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết, nhất là sản phẩm dược liệu.
Quá trình hoàn thiện hồ sơ, cơ quan chuyên môn của huyện luôn đồng hành, kết nối các đơn vị tư vấn có uy tín với các chủ thể; kịp thời hỗ trợ, khen thưởng theo quy định”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)