Đánh giá sản phẩm OCOP bảo đảm thực chất, khách quan
Nhiều sản phẩm đặc trưng
Thời điểm này, cơ bản các địa phương đã hoàn thành đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đợt 1. Ngay từ đầu năm, việc rà soát, lựa chọn sản phẩm có tiềm năng đã được quan tâm. Trong đó hầu hết các huyện, TP ưu tiên sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống, làng nghề, tổ hội sản xuất, HTX.
Như tại TP Bắc Giang, sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận năm nay đều thuộc nhóm thực phẩm, đặc sản, làng nghề gồm: Bánh cốm và bánh phu thê Đa Mai; bún tươi; giò tai nấm, giò mỡ mo cau; bánh nướng và bánh dẻo, bánh khảo...
Sản phẩm trà rừng hoa vàng Phong Minh vừa được công nhận 3 sao. |
Tại huyện Yên Dũng, những sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đợt này đều mang tính đặc trưng và là thế mạnh của huyện. Theo ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện, thực hiện quy định mới về phân cấp, phân quyền trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Phòng đã chủ động rà soát, lựa chọn sản phẩm có triển vọng để tập trung hướng dẫn chủ thể đề xuất ý tưởng, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể về hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị, marketing, thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm...
Trong đợt đánh giá vừa qua, huyện Yên Dũng công nhận thêm 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Tương Trí Yên, trà củ sen, nấm rơm, nấm đông trùng hạ thảo, rượu gạo men bắc Linh Sơn. Nhằm bảo đảm tính minh bạch, huyện thành lập hội đồng đánh giá với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành ở tỉnh. “Đối với sản phẩm chưa đạt, Hội đồng yêu cầu chủ thể tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để công nhận vào dịp sau, không vì thành tích mà dễ dãi cho qua hoặc cho nợ tiêu chí”, ông Ngụy Thế Kiên nói.
Ở huyện Lục Ngạn, sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều có đầy đủ minh chứng về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã bao bì, tem truy xuất. Cụ thể, nhóm thực phẩm tươi sống có vải thiều An Tín; nhóm nông sản chế biến có vải thiều sấy Huy Linh; ô mai vải xào gừng, ô mai vải xào me, ô mai vải xào quất. Đối với nhóm chế biến từ thịt có nem ngựa Hiếu Thu; nhóm chế biến từ gạo có mỳ Chũ số 1; sản phẩm từ thực vật có trà sâm Nam Mật Lục và trà rừng hoa vàng Phong Minh.
Anh Đặng Văn Hương, Giám đốc HTX Trà rừng hoa vàng xã Phong Minh, cho biết: “Trà hoa vàng là cây dược liệu có công dụng tốt cho sức khỏe con người. Tham gia chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ kinh phí, tư vấn, hướng dẫn xây dựng hồ sơ, thiết kế mẫu bao bì bắt mắt đáp ứng các tiêu chí, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, công đoạn sơ chế nên sản phẩm giữ được hương vị đặc trưng, bảo quản lâu dài. Hy vọng sau khi được công nhận OCOP, thương hiệu này của HTX được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn”.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có thay đổi so với trước. Cụ thể, cấp huyện được phân quyền thành lập hội đồng đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao. Đối với sản phẩm 4 sao sẽ chuyển hồ sơ lên hội đồng cấp tỉnh.
Để hỗ trợ các chủ thể, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tư vấn phát triển sản phẩm, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, công bố chất lượng, máy móc thiết bị; nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm nhằm tăng quy mô sản xuất...
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Lục Ngạn chấm điểm từng sản phẩm. |
Đến nay có 8/10 huyện, TP đánh giá, phân hạng xong sản phẩm OCOP đợt 1 (huyện Lạng Giang và Sơn Động đánh giá trong đợt 2). Qua đó có thêm 48 sản phẩm 3 sao được công nhận mới, 2 sản phẩm đang được đề nghị hội đồng cấp tỉnh chấm 4 sao. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 253 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, 222 sản phẩm 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển KT-XH khu vực nông thôn. Việc công nhận sản phẩm OCOP được triển khai thường niên theo quy định bảo đảm nguyên tắc: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng, quản lý, giám sát, hỗ trợ, tập huấn, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế”.
Thời gian qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các bước triển khai thực hiện. Trong đó yêu cầu tuyệt đối không chạy theo thành tích, không vì chỉ tiêu mà công nhận sản phẩm không đáp ứng tiêu chí. Các sở, ngành, địa phương đã có sự vào cuộc, phối hợp tích cực với cơ quan chuyên môn. Trong thành phần Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện vẫn có sự tham gia của các sở, ngành tỉnh. Quá trình nghiên cứu hồ sơ được xem xét kỹ các tiêu chí liên quan đến sở, ngành mình phụ trách.
Tới đây, cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, kịp thời xử lý những vi phạm và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm không đáp ứng điều kiện theo quy định. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các huyện, TP hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2.
Về lâu dài sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm.
Bài, ảnh: Tiến Đạt
Ý kiến bạn đọc (0)