Giữ "sao" cho sản phẩm OCOP
Nhiều sản phẩm bị hạ, mất sao
Từ cuối năm 2018, Bắc Giang chính thức triển khai chương trình OCOP. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời nên đã thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia. Ngay trong năm đầu tiên tổ chức đánh giá, phân hạng (2019), toàn tỉnh có 46 sản phẩm được công nhận, trong đó có 15 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Những năm sau đó, chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và chủ thể nên số lượng sản phẩm ngày càng tăng.
Sản phẩm nấm rơm tươi của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trình được công nhận OCOP 3 sao. |
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã có 253 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, vươn lên tốp đầu các tỉnh, TP có nhiều sản phẩm được công nhận. Tuy nhiên qua đánh giá dù số lượng nhiều song số sản phẩm 4 sao ít (hiện có 31 sản phẩm) và chưa có sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, do số sản phẩm bị hạ sao hoặc mất sao vì không tham gia đánh giá, phân hạng lại cao nên dù mỗi năm kết quả thực hiện chương trình luôn vượt chỉ tiêu đề ra nhưng tổng số sản phẩm không có bước đột phá lớn. Ví như năm 2022 - năm đầu tiên có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lại, có 21/46 sản phẩm không tham gia, 9/11 sản phẩm bị hạ từ 4 sao xuống 3 sao và 2 sản phẩm không được tham gia.
Theo ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), 2 sản phẩm không được tham gia đánh giá, phân hạng lại là do tên gọi trên hồ sơ và trên bao bì không đồng nhất. Đối với sản phẩm bị hạ sao bởi không đáp ứng được một số tiêu chí cứng như: Năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường, tính hoàn thiện của bao bì; câu chuyện sản phẩm, chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, GMP, HACCP)… Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, một số chủ thể còn chủ quan khi sản phẩm của mình đã có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ thuận lợi nên không đăng ký tham gia khi giấy chứng nhận hết hiệu lực (thời hạn 36 tháng).
“Đối với những sản phẩm mất sao, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh có thông báo để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết. Đồng thời yêu cầu chủ thể không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực”, ông Nguyễn Thái Trường nói.
Phấn đấu có sản phẩm 5 sao quốc gia
Qua thống kê, giai đoạn 2019-2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh dành hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP. Được gắn sao, doanh thu của các sản phẩm tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm.
Sản phẩm nhãn đóng hộp của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco được lựa chọn tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao quốc gia. |
Ghi nhận tại cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh Nguyễn Văn Trình, thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang) cho thấy, từ khi sản phẩm nấm rơm được công nhận OCOP 3 sao (năm 2021), việc tiêu thụ thuận lợi hơn và có doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Để nâng sao cho sản phẩm, đầu năm nay, anh đầu tư 1,5 tỷ đồng mua 2 lò sấy nấm rơm khô và đang có kế hoạch lắp đặt dây chuyền chế biến món chay từ nấm rơm.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 253 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao, vươn lên TOP đầu các tỉnh, TP có nhiều sản phẩm được công nhận. Được gắn sao, doanh thu của các sản phẩm tăng bình quân 15% so với sản phẩm thông thường, trong đó doanh thu bình quân của các sản phẩm 4 sao đạt 4,3 tỷ đồng/sản phẩm/năm, sản phẩm 3 sao đạt 2,8 tỷ đồng/sản phẩm/năm. |
“Hiện gia đình bắt đầu có sản phẩm nấm rơm khô bán ra thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Để đưa sản phẩm này tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao trong năm 2024, tôi đang dần hoàn thiện quy trình, từng bước nâng sản lượng và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ”, anh Nguyễn Văn Trình chia sẻ.
Tại một số hội nghị do Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến của cá nhân, tổ chức băn khoăn, dù có nhiều lợi thế và được quan tâm song Bắc Giang chưa có sản phẩm nào được công nhận OCOP 5 sao quốc gia. Đây chính là “khoảng lặng” của chương trình. Khắc phục hạn chế này, từ đầu năm, cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn được 2 sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí OCOP 5 sao gồm: Vải thiều Bắc Giang (đạt OCOP 4 sao) và Nhãn Bắc Giang (đạt OCOP 3 sao) của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang). Đây là hai sản phẩm chế biến sâu, bước đầu tiếp cận thị trường quốc tế.
Để “trợ lực”, từ nguồn ngân sách, năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 300 triệu đồng để doanh nghiệp đầu tư máy móc, tem nhãn, thuê tư vấn và hoàn thiện hồ sơ. Với vai trò chủ thể, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco đã ký hợp đồng với vùng nguyên liệu sản xuất vải thiều, nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, đồng thời đầu tư 770 triệu đồng lắp đặt dây chuyền rót dịch, viền mí hộp tự động.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm khác biệt, mang thương hiệu riêng của Bắc Giang. Cùng với nâng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chúng tôi có lộ trình đưa hai sản phẩm này đến nhiều thị trường quốc tế hơn, trước hết là thị trường Thái Lan và một số nước Đông Nam Á”.
Bài, ảnh: Sơn Quang
Ý kiến bạn đọc (0)