Sơn Động: Khắc phục khó khăn sau sáp nhập xã
Đường xa, trụ sở chật chội
Bám sát hướng dẫn của tỉnh, huyện, từ những ngày đầu hoạt động, các ĐVHC mới sáp nhập đều tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế nhận thấy, phần lớn cơ sở vật chất nơi làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại.
Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Tuấn Đạo. |
Đơn cử tại xã Tuấn Đạo (sáp nhập hai xã: Tuấn Đạo và Bồng Am), trụ sở vốn xây dựng để đáp ứng khoảng 25-30 người làm việc thì nay số lượng cán bộ, công chức (CBCC) tăng gấp đôi nên rất chật chội. Để bố trí chỗ ngồi cho CBCC, lãnh đạo xã phải ngăn đôi phòng họp trên tầng, dồn những cán bộ cùng chức danh về một khu, thậm chí phải sắp xếp ngồi tại bộ phận một cửa. Ngoài trời nóng bức, nhiệt độ có lúc cao điểm lên tới 38 độ C, trong căn phòng chưa đầy 20 m2 có tới 8 CBCC với 4 bàn cùng máy vi tính cùng nhau làm việc. Chiếc quạt trần đã bật hết công suất song ai nấy vẫn mướt mồ hôi. Tình trạng này cũng diễn ra tại các xã Vĩnh An (sáp nhập Vĩnh Khương và An Lập), Đại Sơn (gồm Quế Sơn và Chiên Sơn).
Cán bộ công chức xã Vĩnh An tập trung giải quyết công việc. |
Từ sau khi sáp nhập về trụ sở xã Tuấn Đạo làm việc, anh Nông Văn Thái, Chủ tịch HĐND xã cùng hàng chục cán bộ ở xã Bồng Am (cũ) chung nhau tiền để thuê nhà trọ nghỉ trưa. Anh Thái cho biết: "Từ trụ sở UBND xã về đến nhà cũng gần 10 km, nếu đi về buổi trưa e không kịp giờ làm". Thế là sinh hoạt phí tăng trong khi khoản phụ cấp từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng (tùy chức danh, thâm niên công tác) dành cho CBCC ở xã đặc biệt khó khăn cũng không còn (xã Bồng Am cũ là xã nằm trong chương trình giảm nghèo 135).
Mặc dù các ĐVHC được sáp nhập ở Sơn Động đều liền kề nhau song khoảng cách từ thôn xa nhất đến trung tâm xã sau sáp nhập ít cũng 7 cây số, có nơi tới 20 cây, cán bộ và người dân đi lại giải quyết công việc gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.
Gặp chị Chu Thị Sìn, dân tộc Cao Lan, thôn Mùng, xã Bồng Am (cũ) tại bộ phận một cửa và trả kết quả xã Tuấn Đạo khi vừa làm xong thủ tục chứng thực bản sao giấy khai sinh cho con, chị chia sẻ: "Từ nhà đến trụ sở mới xa gấp đôi so với trước, đường giao thông đã được cứng hóa, đi lại dễ dàng hơn. Tôi chỉ lo khi mưa gió vì trên đường đi phải qua 3 ngầm, trong đó có ngầm sâu, rất nguy hiểm. Đến đây tôi được cán bộ hướng dẫn cụ thể về thủ tục nên không mất nhiều thời gian chờ đợi".
Anh Đinh Thanh Tuyên, công chức Văn phòng - Thống kê, xã Tuấn Đạo giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. |
Tại xã Phúc Sơn (sáp nhập từ Thạch Sơn và Phúc Thắng), ông Hoàng Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Xã có diện tích rộng gấp đôi so với trước nên việc đi cơ sở, nắm bắt, bao quát các hoạt động ở khu dân cư của cán bộ có lúc chưa kịp thời. Người dân ở khu vực Đồng Cao muốn đến trung tâm xã giải quyết công việc cũng mất nhiều thời gian hơn, do cách xa gần 20 km. Để tạo thuận lợi, xã đang xây dựng kế hoạch triển khai một hoạt động hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính về giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... tại trụ sở nhà văn hóa các thôn".
Dừng tuyển dụng, từng bước bố trí cán bộ dôi dư
Dù gặp nhiều khó khăn song theo đánh giá của UBND huyện Sơn Động, tại các ĐVHC mới sáp nhập, CBCC đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ, không để ùn ứ. Tuy nhiên, việc sáp nhập diễn ra trước thềm đại hội đảng bộ các cấp nên ở một vài nơi còn gặp khó khăn trong bố trí nhân sự.
Ông Nguyễn Văn Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Tuấn Đạo cho biết: “Ở đây dư 22 CBCC, trong đó có đến 4 chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, 2 Phó Chủ tịch HĐND. Đội ngũ cán bộ chủ chốt đều trẻ, độ tuổi 40-45, trình độ chuyên môn đạt chuẩn lại có nhiều năm gắn bó, cống hiến với địa phương. Theo quy định thì sẽ phải giảm 3 đồng chí chủ chốt, chúng tôi đang đề nghị cấp trên cho phép bố trí chức danh Chủ tịch HĐND chuyên trách”.
Năm 2018, 2019 là thời điểm nhiều tổ chức chính trị - xã hội vừa tổ chức xong đại hội. Đội ngũ ban chấp hành mới kiện toàn thì nay phải sắp xếp lại. Việc bố trí công việc cho những người nguyên là trưởng các tổ chức này sau khi hết nhiệm kỳ cũng là bài toán khó. Bởi đội ngũ này đều là công chức, trình độ đạt chuẩn, tuổi đời còn trẻ và có nhiều năm gắn bó với phong trào cơ sở.
Qua khảo sát tại các xã, thị trấn mới sáp nhập còn tình trạng 5-7 người cùng đảm nhận một chức danh: Văn phòng - Thống kê, Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính - Xây dựng... Trong khi quy định thực hiện chỉ từ 1-3, tùy theo xếp loại ĐVHC.
Theo bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, trước mắt địa phương tạm dừng tuyển dụng công chức mới để sắp xếp, bố trí CBCC dôi dư. Tiếp tục vận động người có đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi theo các Nghị định 108, 113, 26 của Chính phủ và Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh. Khi duyệt phương án nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã, huyện cũng quan tâm bố trí CBCC cấp xã, cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở vào ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn để từng bước bố trí, điều động sang những địa phương khác.
Ưu tiên nguồn lực, tập trung gỡ khó
Để giải quyết bất cập về cơ sở vật chất, Huyện ủy Sơn Động đã chỉ đạo UBND huyện cấp kinh phí cho các xã, thị trấn sau sáp nhập cải tạo, sửa chữa phòng làm việc, mua sắm bổ sung trang thiết bị. Bàn giao trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND các xã (cũ) gồm: Vĩnh Khương, Tuấn Mậu, Phúc Thắng và Trạm Y tế xã Phúc Thắng (cũ) để bố trí nơi làm việc cho lực lượng công an chính quy và quân sự.
Tháng 1/2020, UBND huyện đã trích kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xã Vĩnh An với quy mô 400 chỗ ngồi để đáp ứng nhu cầu hoạt động của ĐVHC mới. Cùng đó, quan tâm bố trí cán bộ dôi dư ở các ĐVHC sáp nhập, bảo đảm khách quan, công bằng.
Xã Vĩnh An đang xây nhà văn hóa mới quy mô 400 chỗ ngồi. |
Ông Nghiêm Xuân Hưởng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy Sơn Động đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép địa phương kéo dài thời gian bố trí, sắp xếp CBCC cấp xã dôi dư đến hết năm 2026 (thời hạn là hết năm 2024); bố trí Chủ tịch HĐND chuyên trách đối với 2 thị trấn và 2 xã Tuấn Đạo, Đại Sơn. Chuyển sang các chức danh công chức cấp xã đối với số cán bộ đang giữ chức vụ chủ chốt có trình độ chuyên phù hợp với vị trí công chức. Đối với 28 người là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các tổ chức chính trị- xã hội phải bố trí làm cấp phó và được hưởng nguyên lương, phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ, huyện cũng đề nghị cho phép chuyển sang các chức danh công chức cấp xã (có trình độ chuyên môn phù hợp). Một giải pháp nữa đó là chỉ đạo các xã, thị trấn yêu cầu CBCC không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Huyện sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá xếp loại CBCC để làm căn cứ tinh giản biên chế, tạo cơ hội cho những người có năng lực, trách nhiệm được phát huy.
Khôi Nguyên - Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)