Sớm đầu tư xây dựng đường vành đai 4 và 5 Thủ đô Hà Nội
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì điểm cầu Bắc Giang. |
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường này qua 8 tỉnh, TP; riêng Bắc Giang qua các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang và Tân Yên.
Toàn tuyến vành đai 5 dài hơn 331 km, đoạn qua Bắc Giang khoảng 51,3 km đi song song với quốc lộ (QL) 37 đoạn Sao Đỏ (Hải Dương) - Bắc Giang về phía Tây, vượt sông Lục Nam tại hạ lưu cầu Lục Nam, đi tránh TP Bắc Giang về phía Đông, giao với QL 1 (đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn) tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang). Sau đó tiếp tục đi song song QL 37 đoạn Đình Trám - Phú Bình (Thái Nguyên) về phía Đông, rẽ theo hướng Tây sang địa phận tỉnh Thái Nguyên.
Đoạn Sơn Tây - Phủ Lý - Bắc Giang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc có bề rộng đoạn 6 làn xe là 33 m, đoạn 4 làn xe 25,5 m. Đoạn Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp III, rộng 22,5 m với 4 làn xe.
Nhu cầu vốn đầu tư đường vành đai 5 hơn 85,5 nghìn tỷ đồng được huy động từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, ngân sách địa phương…
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến. |
Bộ GTVT đánh giá tiến độ đường vành đai 4 (đi qua TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên) và vành đai 5 đều chậm, không đáp ứng yêu cầu (đường vành đai 4 thông tuyến trước năm 2020, đường vành đai 5 hoàn thành đầu tư trước năm 2030). Nguyên nhân do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn; chưa chú trọng đầu tư giao thông kết nối vùng. Hiện nay chưa thiếu cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GTVT Bùi Thế Sơn nêu ý kiến, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang xác định quyết tâm cao trong việc thực hiện đầu tư tuyến đường vành đai 5 qua địa phương. Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 hơn 2.200 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay việc triển khai gặp khó khăn về vốn.
Tỉnh Bắc Giang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương; Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo lập tiến độ thực hiện dự án, trong đó nêu rõ thời hạn thực hiện, kết thúc dự án của 8 tỉnh, TP nhằm tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả các tuyến đường.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Thế Sơn phát biểu ý kiến. |
Giám đốc Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT mở rộng cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt theo đúng quy mô đường cao tốc Bắc Giang - Hà Nội; mở rộng quốc lộ 37; tách giao thông đường bộ và đường sắt tại cầu Cẩm Lý (Lục Nam).
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, đường vành đai 4 và 5 là trục đường quan trọng, được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển KT-XH, công nghiệp, đô thị cho các địa phương. Qua ý kiến của các tỉnh, TP, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, nghiên cứu để triển khai thực hiện, tuy vậy các địa phương cố gắng tôn trọng thiết kế, hạn chế điều chỉnh “uốn cong” đường.
Các tỉnh, TP cần tranh thủ các nguồn vốn, nhất là ngân sách địa phương, phấn đấu kết nối, phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường mang lại. Vận dụng hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là các đoạn qua khu, cụm công nghiệp. Tiếp cận nguồn vốn ODA bằng cách vay lại và làm việc với các nhà tài trợ.
Các tỉnh, TP làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong giải phóng mặt bằng, chủ động có phương án đền bù, bố trí tái định cư cho người dân khi thu hồi đất để sớm thực hiện dự án. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, TP, làm rõ hơn những khó khăn, có giải pháp giải quyết hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)