Bắc Giang mở rộng mạng lưới giao thông, tăng tính kết nối
Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước”, hiện đại và tăng tính kết nối sẽ tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trên công trường xây dựng cầu Chũ (Lục Ngạn). |
Những ngày này, dòng sông Lục Nam đoạn qua huyện Lục Ngạn mực nước xuống thấp, tạo điều kiện để các công nhân đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Chũ trên đường tỉnh (ĐT) 289 kéo dài. Hai bên bờ sông, các mố, trụ đang dần mọc lên, hình hài của cây cầu to rộng, uốn cong vắt ngang dòng nước đang được định hình.
Anh Nguyễn Hữu Nguyên, đại diện nhà thầu xây dựng công trình là Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh cho biết, đơn vị huy động tối đa nhân lực với khoảng 60 người là công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm cùng các loại phương tiện, máy móc chuyên dụng.
Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, dòng chảy sông Lục Nam yếu, nhà thầu “thúc” tiến độ, hoàn thành xong 46 cọc khoan nhồi, phần mố, trụ dưới mặt đất hoặc lòng sông. “Theo hợp đồng, công trình có thời gian thi công 16 tháng nhưng chúng tôi quyết tâm rút ngắn, hoàn thành trước khoảng 3 tháng. Tạo điều kiện sớm nhất đưa cây cầu vào khai thác, sử dụng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và góp sức thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương” – anh Nguyên nói.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Chũ trên ĐT289 kéo dài thuộc địa bàn huyện Lục Ngạn gồm phần cầu và phần đường dẫn có tổng chiều dài tuyến hơn 937 m đi qua các xã Nam Dương, Trù Hựu, cách vị trí cầu Chũ hiện tại khoảng 500 m về phía hạ lưu. Điểm đầu dự án giao với quốc lộ (QL) 31 tại Km37+800, nối với dự án đường vành đai thị trấn Chũ và cách điểm đầu dự án nâng cấp, mở rộng đường Chũ - Khuôn Thần khoảng 300 m trên QL31 hướng Bắc Giang - Lạng Sơn.
Điểm cuối dự án trùng với Km0+800 trên ĐT289 kéo dài (đoạn thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh, huyện Lục Nam, nối QL31 với ĐT293). Cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; bề mặt cầu rộng 16 m… Tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Đồng chí Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trao đổi, việc đầu tư xây dựng cầu Chũ mới nhằm mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, kết nối tuyến ĐT289 kéo dài với QL31, khu du lịch sinh thái Khuôn Thần, đường vành đai thị trấn Chũ và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án giao thông đã triển khai; giảm tải cho cầu Chũ nhỏ yếu hiện tại; thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực. Hiện nay, huyện đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh khẩn trương hoàn thành nốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao để thi công.
Thi công nút giao cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với QL 37 đoạn qua khu vực Đình Trám (Việt Yên). |
Hiện tại, các nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đặc biệt là trên QL37 (khu vực địa bàn TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng) và QL17 (khu vực huyện Việt Yên), liên quan trực tiếp đến các khu công nghiệp: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng là điểm nghẽn nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến hàng vạn công nhân và các doanh nghiệp. Do kết cấu hạ tầng, bố trí giao thông các nút giao nêu trên chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, đường nhỏ hẹp, xuống cấp, mật độ phương tiện dày đặc nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, mất an toàn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vì thế cũng bị tác động, nhiều nhà đầu tư đã phản ánh tình trạng này. Nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến phát triển KT-XH và sức cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh.
Để tháo gỡ các “nút thắt”, mở ra không gian phát triển mới, nút giao với QL37 tại Đình Trám đang được thi công, mở rộng 8 nhánh gồm 4 nhánh hoa thị và 4 nhánh rẽ (bố trí 4 nhánh nối vào đường cao tốc với đường gom hai bên). Nút giao QL17 tại khu vực Song Khê - Nội Hoàng được thiết kế theo sơ đồ bán hoa thị hoàn chỉnh với 4 nhánh. Các đường nhánh có chiều rộng 7 m, nền 8 m và lề 1 m; những đoạn có hai chiều xe chạy nền rộng 16 m, mặt đường 15 m… kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm.
Anh Bùi Văn An, Phó Chỉ huy trưởng công trình của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phát, nhà thầu thi công cho biết, đến nay các nhánh đã hoàn thành mặt lớp bê tông nhựa lớp dưới, cấp phối đá dăm loại 1, phấn đấu sẽ thảm xong trong thời gian nhanh nhất, tổng khối lượng thi công được khoảng 70%... Đặc điểm công trường là phải vừa bảo đảm giao thông trong điều kiện lượng người và phương tiện đông, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công nên đơn vị có nhiều phương án, bố trí hệ thống cọc tiêu, băng cảnh báo, người trực tại các điểm phức tạp. Có mặt bằng đến đâu là thực hiện nhanh nhất đến đó, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.
Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho rằng, hạ tầng giao thông cần được ưu tiên đầu tư phát triển làm tiền đề, động lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng KT-XH. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án kết nối mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh và khu vực, nhất là các khu vực động lực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế… Tập trung xây dựng phương án phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 có tính đến thời kỳ xa hơn là năm 2050.
Ý kiến bạn đọc (0)