Bắc Giang huy động các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông
Trong đó nổi bật là đã huy động được các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giao thông, nhờ vậy hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi tích cực. Các công trình, tuyến đường được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đã góp phần phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, phục vụ đời sống nhân dân.
Dấu ấn huy động nguồn lực
Gặp ông Trần Công Sáu ở thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) khi con đường liên thôn đã hoàn thành, bà con đi lại thuận lợi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đóng góp của gia đình ông cho công trình chung. Ông Sáu chia sẻ: Tuyến đường liên thôn trước đây lầy lội bùn đất, dày đặc ổ gà, ai đi qua cũng ái ngại.
Thi công đường Võ Nguyên Giáp (TP Bắc Giang). |
Gia đình ông Trần Công Sáu là một trong hàng nghìn tấm gương tự nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh. Phong trào này có sự lan tỏa mạnh sau khi có Kết luận số 43-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND về quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn.
Chỉ sau thời gian ngắn thực hiện, cả tỉnh đã cứng hóa hơn 4.213km đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn, vượt hơn 221% kế hoạch, lượng xi măng được hỗ trợ hơn một triệu tấn. Để có được thành quả này, toàn tỉnh đã huy động được hơn 3,7 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 1,25 nghìn tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1,75 nghìn tỷ đồng, còn lại là ngân sách các huyện, xã.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện hàng loạt công trình giao thông đang được khẩn trương thi công. Trên công trường xây dựng đoạn nối đường Võ Nguyên Giáp với đường Trần Hưng Đạo thuộc xã Song Mai và phường Đa Mai (TP Bắc Giang), anh Nguyễn Văn Toản, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh, nhà thầu thi công cho biết, tuyến đường có tổng chiều dài 2,83km, gồm cả cầu vượt đường tỉnh 295B và đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.
Trong đó, tuyến chính có 4 làn xe và vỉa hè, dải phân cách rộng 24m, cầu vượt dài 380m gồm 7 nhịp dầm và hai đường dẫn dài hơn 100m; ngoài ra còn cống hộp, nút giao, đường gom… Trên quốc lộ (QL37), đoạn từ Km83+00 đến Km88+100 và Km89+800 đến Km91+400 từ huyện Việt Yên đi Hiệp Hòa cũng đang được cải tạo, nâng cấp với tổng chiều dài 6,7km. Dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2021.
Sở GT-VT sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các chương trình trọng tâm giai đoạn 2020-2025 gồm: “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường bộ” và “Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải”. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình giao thông; tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ". Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải |
Từ huy động các nguồn lực đầu tư, hệ thống QL, cao tốc trên địa bàn tỉnh có 102km/330km đạt quy mô mặt đường rộng từ 8m trở lên; phần còn lại đạt quy mô cấp IV. Hệ thống đường tỉnh có hơn 125km/362km mặt đường rộng từ 8m trở lên; đường huyện cứng hóa được 633/673km; đường xã cứng hóa cứng được 1.790km/1.846km; 90% đường thôn, xóm đã được bê tông hóa. Thu hút vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016- 2020 lên hơn 7 nghìn tỷ đồng.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Trao đổi với ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) được biết, thời gian qua, Sở tập trung triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu thực hiện nhiều dự án. Hàng loạt tuyến đường tỉnh gồm 293, 295, 289, 294... đang được cải tạo, nâng cấp; một số công trình quan trọng cũng được đầu tư xây dựng như các cầu: Yên Dũng, Đồng Sơn, Trần Quang Khải (TP Bắc Giang), cầu vượt dân sinh trên QL1 và QL37...
Nhân dân xã Bảo Sơn (Lục Nam) làm đường giao thông nông thôn. |
Từ kết quả đạt được có thể rút ra những kinh nghiệm. Trước hết, để tập trung phát triển hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, tranh thủ tối đa thời cơ để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, trong đó sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển hệ thống giao thông. Kiên trì thực hiện chủ trương về đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường bộ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả triển khai thực hiện ở địa phương.
Có biện pháp phù hợp, linh động để phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc xây dựng kế hoạch, thẩm định, phê duyệt danh mục các tuyến đường, trục giao thông được đầu tư cần đúng tiêu chí của đề án, gắn với quy hoạch hệ thống giao thông chung, bảo đảm phù hợp với hướng phát triển lâu dài, giao thông phải đi trước một bước.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)