Sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm trong triển khai các chỉ thị, nghị quyết
Đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Đổi mới công tác học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho triển khai các giải pháp nhằm đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, bằng những việc đổi mới, sáng tạo.
Cụ thể như: Đẩy mạnh tổ chức học tập nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến ở cả 3 cấp, từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới về biên tập tài liệu phục vụ học tập, ghi hình nội dung do các báo cáo viên Trung ương trình bày gửi đến các cấp ủy, tổ chức đảng phục vụ việc học tập cho các đối tượng chưa học trực tuyến. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết thông qua Internet và mạng xã hội. Thiết lập các kênh, tài khoản trên mạng Internet, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube… đăng tải thông tin, kết quả, nội dung chính của các nghị quyết mới được ban hành để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, các đợt học tập nghị quyết đều có tỷ lệ đảng viên tham gia đạt hơn 97%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong Đảng bộ tỉnh thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là: Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng ở một số địa phương, cơ sở chưa đồng đều; cơ sở vật chất phục vụ học tập trực tuyến ở cấp cơ sở chưa bảo đảm; việc duy trì tổ chức thảo luận trong thời gian học tập khó thực hiện; ý thức của một số cán bộ, đảng viên trong học tập, thảo luận, viết bài thu hoạch chưa cao…
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng, trước hết cần cụ thể hóa việc học tập chỉ thị, nghị quyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hướng tới phát huy tính tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân. Kết hợp nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng với thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội, công nghệ số một cách hiệu quả trong tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng và tuyên truyền trong nhân dân; bảo đảm bảo mật thông tin theo quy định; kết hợp các hình thức linh hoạt trong tổ chức học tập nghị quyết. Đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, tổ chức các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Trong quá trình tuyên truyền cần chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết để kịp thời giải thích, tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nghị quyết.
Đồng chí Thân Minh Quế, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan tỉnh: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trong nội dung Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 2/6/2023 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới đã nêu rõ những việc cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải làm; phân công trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Vấn đề đặt ra là mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên phải nhận thức và đề ra những giải pháp như thế nào để tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các hoạt động công vụ ở cơ quan, đơn vị mình.
Nét đặc thù của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh là hầu hết đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh hoặc đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Nhiều đồng chí là cấp ủy viên từ tỉnh đến cơ sở, là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoạch định và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể của tỉnh. Vì thế, việc “chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cần kíp, tất yếu, khách quan, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt.
Để Chỉ thị số 26-CT/TU được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, trước hết cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân chưa thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan hoặc bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, thông qua sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo chuyên đề, hội thảo khoa học, hội nghị tọa đàm trao đổi, qua các website, cổng thông tin điện tử, Zalo… Từ đó giúp mọi người nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc chấn chỉnh, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Tiến hành rà soát hệ thống các văn bản đã ban hành liên quan đến đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung xây dựng hoặc bổ sung các chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức… nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị 26-CT/TU bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình.
Tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với thanh tra công vụ, thanh tra nhân dân; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp hoặc chương trình, kế hoạch thanh tra của các cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Bùi Thị Thu Thuỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Linh hoạt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Kể từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế Bắc Giang luôn duy trì nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 14%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; tương đương với tốc độ tăng nhiệm kỳ 2016-2020 (tăng 14,6%). Quy mô nền kinh tế của tỉnh đã được mở rộng đáng kể; giá trị năm 2022 (giá hiện hành) đạt gần 170 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước; dự kiến hết năm 2023 sẽ vươn lên đứng thứ 12/63 tỉnh, TP, tăng 4 bậc so với đầu nhiệm kỳ và đứng đầu vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
Để đạt được kết quả trên, Bắc Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết là trong lãnh đạo, chỉ đạo đã xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng giai đoạn để tập trung thực hiện. Trên cơ sở nắm chắc các quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh vận dụng linh hoạt, hiệu quả tại địa phương.
Cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết liệt trong hành động. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, ngành, cá nhân và có sự phối hợp chặt chẽ; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Phát huy tối đa nội lực, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; khơi dậy sức sáng tạo và khát vọng phát triển. Quan tâm khuyến khích nhân dân tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách và giám sát quá trình thực hiện.
Phải chú trọng các động lực phát triển chính của tăng trưởng để tập trung chỉ đạo; xác định rõ tiềm năng, lợi thế cũng như nhận định cơ hội, thách thức; đề ra những định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương. Thu hút, tận dụng tối đa nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp… tạo không gian phát triển cũng như thúc đẩy các ngành sản xuất mũi nhọn, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Một kinh nghiệm nữa của Bắc Giang là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Xây dựng chính quyền năng động, thân thiện, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; chú trọng quảng bá, xây dựng hình ảnh nhằm nâng cao, khẳng định vị thế của tỉnh, thúc đẩy thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện uỷ Việt Yên: Đưa huyện Việt Yên trở thành thị xã trước năm 2025
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 162-NQ/TU ngày 10/9/2021 về xây dựng và phát triển huyện Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025.
Theo đó, Nghị quyết xác định quan điểm xây dựng và phát triển huyện Việt Yên trở thành thị xã theo hướng thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững; mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Việt Yên trở thành đô thị công nghiệp và dịch vụ; có hệ thống hạ tầng đô thị khung đồng bộ; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương được giữ gìn, bảo tồn và phát huy gắn với tạo dựng nếp sống văn minh đô thị mới. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền năng động, tiên phong, đổi mới, đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2022, trở thành thị xã vào năm 2025.
Trên cơ sở đó, BTV Huyện ủy Việt Yên đã chủ động, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết số 162; định kỳ tiến hành kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai các nội dung; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Kết thúc năm 2022, Việt Yên đã hoàn thành toàn diện 5/5 tiêu chuẩn thị xã; 162/162 tiêu chuẩn của 9 phường dự kiến theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm 1 năm so với mục tiêu của tỉnh đề ra. Kinh tế của huyện phát triển nhanh, duy trì vị trí trung tâm công nghiệp, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ, nằm trong nhóm dẫn đầu các huyện, TP.
Bước vào năm 2023, bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Việt Yên xác định 8 nhóm mục tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định chủ đề công tác năm là “Đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đưa Việt Yên trở thành thị xã”; xác định trọng tâm công tác hàng đầu là tập trung đẩy nhanh thực hiện hoàn thành các thủ tục cần thiết đề nghị cấp có thẩm quyền thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên. Trong tháng 8/2023, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên. Cùng đó, ngày 3/8/2023, Đoàn công tác liên ngành Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành khảo sát thực trạng trình độ phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu vực dự kiến thành lập các phường tại huyện Việt Yên.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, huyện Việt Yên xác định trách nhiệm trước tiên và trên hết của địa phương đối với nhiệm vụ đưa huyện nhà trở thành thị xã. Theo thẩm quyền, Huyện ủy Việt Yên sẽ chỉ đạo công tác chuẩn bị trình HĐND tỉnh về Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên theo lộ trình; tiếp tục tập trung lãnh đạo hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Xây dựng quyết định đánh giá trình độ cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường; đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045; triển khai sớm nghiên cứu phương án lập quy hoạch phân khu đô thị Việt Yên.
Với truyền thống đoàn kết và những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trọng tâm đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Việt Yên quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế và kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu mà Nghị quyết 162 đề ra, tạo tiền đề vững chắc đưa huyện Việt Yên trở thành thị xã trước năm 2025.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông-Vận tải: Tập trung đầu tư, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng
Xác định giao thông vận tải (GTVT) có ý nghĩa quyết định đến phát triển KT-XH, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016 về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ cứng hóa đường giao thông. Qua đó, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hạ tầng giao thông đóng góp lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: Một số tuyến quốc lộ (QL), đường tỉnh quy mô hẹp, kết cấu mặt đường thấp, chưa đủ nguồn lực để đầu tư nâng cấp, còn điểm nghẽn giao thông; tính kết nối đối ngoại còn thấp. Do đó, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 55-KL/TU ngày 7/3/2021 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016.
Quan điểm của tỉnh xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH. Phát triển đồng bộ cả ba loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; cả giao thông đối nội và đối ngoại. Phát triển đột phá về giao thông đường bộ, tăng chiều dài đường và quy mô cấp đường; nâng cấp hạ tầng đường sắt, đường thủy.
Kết quả, giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh và các huyện, TP đã quan tâm đầu tư hàng loạt tuyến đường tỉnh, huyện. Tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn tiếp tục duy trì khai thác hiệu quả. Đã hoàn thành xây dựng các nút giao giữa đường vành đai IV với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; mở rộng nút giao cầu vượt Hùng Vương; hoàn thành mở rộng đường gom trái tuyến QL 17-QL37 và nút giao liên thông giữa QL17-QL37 với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; hoàn thành mở rộng cầu Như Nguyệt; hiện đang xây dựng nút giao tại thị trấn Vôi với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Một số cây cầu quan trọng được đầu tư xây dựng như: Cầu Đồng Việt, cầu Hà Bắc II, cầu Hòa Sơn, cầu Á Lữ, cầu vượt sông Thương, cầu Lục Nam mới... Tổng nguồn vốn đã thu hút, huy động, bố trí để thực hiện các công trình giao thông đạt khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy hoạch GTVT với các tuyến đường kết nối đối ngoại theo kết luận hợp tác của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang với BTV Tỉnh ủy các tỉnh lân cận; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Cụ thể, với cao tốc, QL và đường vành đai: Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành cải tạo, nâng cấp QL 31 đoạn TP Bắc Giang-thị trấn Chũ; hoàn thành xây dựng nút giao liên thông tại thị trấn Vôi; bám sát, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành T.Ư để đầu tư mở rộng cầu Xương Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, triển khai đầu tư đường vành đai V; cải tạo, nâng cấp các tuyến QL, khắc phục các cầu yếu... Trọng tâm là ưu tiên sớm đầu tư cho tuyến QL7 đoạn Kép - ngã tư Thân - cầu Cẩm Lý (bao gồm xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi đường sắt) và đường vành đai V... Với đường tỉnh, trọng tâm là hoàn thành các dự án đang thực hiện theo kế hoạch; với đường huyện và giao thông nông thôn sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường bảo đảm hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Đồng chí Ngô Hữu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa): Thực hiện nghị quyết không dập khuôn, máy móc
Đảng bộ xã Xuân Cẩm có 320 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ (trong đó có 5 chi bộ nông nghiệp). Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, các cấp ủy trong xã luôn đoàn kết; có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Nhân dân tích cực thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng lòng hưởng ứng các chủ trương của địa phương, góp phần thúc đẩy KT-XH của xã phát triển và đạt kết quả nổi bật.
Đến nay, Xuân Cẩm đã hoàn thành 7/10 mục tiêu đại hội đề ra; năm 2022 có 1 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu và dự kiến đến tháng 10/2023 có thêm 3 thôn được công nhận NTM kiểu mẫu, xã được công nhận là xã NTM nâng cao. Xã hoàn thành giải phóng mặt bằng 4/5 dự án khu dân cư, đường giao thông theo kế hoạch của UBND huyện đề ra; vận động nhân dân hiến hơn 20 nghìn m2 đất để mở rộng trục đường giao thông với tổng chiều dài gần 8 km. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Từ thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau: Cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên; phải nắm chắc, hiểu rõ mục tiêu và những định hướng lớn về phát triển KT-XH, trên cơ sở đó nhất quán về mặt nhận thức; tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, đồng thuận tham gia thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực sự trăn trở, tư duy tìm biện pháp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra; lan tỏa điều đó tới đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện nghị quyết không được dập khuôn, máy móc. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình của địa phương để cụ thể hóa mục tiêu đại hội các cấp cho phù hợp; xác định nhiệm vụ trọng tâm cả nhiệm kỳ và của từng năm nhằm có biện pháp lãnh đạo phù hợp.
Cấp ủy, chi bộ luôn đoàn kết, thống nhất. Duy trì nghiêm túc quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, nhất là chi bộ nông nghiệp. Đảng ủy phân công lãnh đạo xã, các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ công chức xã phụ trách chi bộ, phụ trách thôn. Đối với những chi bộ khó khăn, chi ủy, bí thư chi bộ mới tham gia lần đầu thì đồng chí bí thư đảng ủy, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách và thường xuyên dự họp chi bộ. Yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để nhân dân noi theo.
Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nông thôn mới; thực hiện dân chủ, công khai trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Thành Nam - Trịnh Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)