Sản phẩm phụ trợ mùa vải thiều: Đáp ứng tiêu chuẩn, quy cách
Những ngày gần đây, không khí lao động tại Công ty TNHH Tuyết Dương tại xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) hết sức khẩn trương. Bà Trịnh Thị Cư, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, gần 2 tháng nay, ngay khi biết tin cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu tất cả thùng xốp xuất khẩu vào thị trường nước này đều phải in nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm, Công ty đã đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt khuôn sản xuất, đáp ứng yêu cầu trên.
Sản xuất thùng xốp tại Công ty TNHH Tuyết Dương. |
Với công suất hơn 10 vạn thùng/ngày, ngoài việc phục vụ nhu cầu đóng gói vải thiều hằng ngày của khách hàng, đơn vị còn dự trữ hơn 100 nghìn thùng xốp các loại. Năm nay, tuy giá bán thấp hơn vụ trước, dao động từ 30 -35 nghìn đồng/thùng nhưng bù lại sức mua ổn định, sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết.
Với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác với bạn hàng Trung Quốc, Công ty TNHH Thiên Hải Long, Cụm công nghiệp Cầu Đất, xã Phượng Sơn đã chủ động cập nhật, in tem truy xuất nguồn gốc vải thiều lên thùng xốp. Doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các DN xuất khẩu vải thiều.
Theo Sở Công Thương, đến nay, tổng doanh thu các dịch vụ phụ trợ vải thiều như thùng xốp, đá cây, vận tải, điện, lao động, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng…toàn tỉnh ước đạt hơn 350 tỷ đồng. Các dịch vụ luôn cung ứng kịp thời, góp phần giúp vải thiều Lục Ngạn có giá bán từ 65- 70 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao. |
Ông Phạm Văn Thực, Giám đốc Công ty chia sẻ, hiện nay các dây chuyền sản xuất của đơn vị đang hoạt động hết công suất, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn thùng xốp các loại, 100% sản phẩm làm ra đều được in tem truy xuất nguồn gốc. Với các nhà kho hiện có, đơn vị còn dự trữ hơn 100 nghìn sản phẩm, sẵn sàng phục vụ nhu cầu đóng gói vải thiều trong thời gian tới.
Thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, tổng sản lượng ước đạt hơn 4,6 triệu sản phẩm. Nhìn chung, các cơ sở đều kịp thời nắm bắt chủ trương mới, in tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng quy định. Các cơ sở chủ động kế hoạch sản xuất, lưu trữ, cam kết cung ứng đủ sản phẩm, không tự ý găm hàng, tạo cơn sốt ảo để tăng giá, trục lợi.
Ngoài thùng xốp, Công ty TNHH Thiên Hải Long đầu tư dây chuyền sản xuất đá cây, công suất hơn 200 nghìn sản phẩm/ngày phục vụ nhu cầu ướp lạnh, đóng gói vải thiều.
Nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng đã ký, Công ty huy động hàng chục lao động chia ca sản xuất 24/24 giờ. Theo UBND huyện Lục Ngạn, trên địa bàn hiện có 42 cơ sở sản xuất đá cây, sản lượng ước đạt hơn 340 nghìn cây. Do cung - cầu cân đối nên giá bán chỉ khoảng 25 nghìn đồng/cây.
UBND huyện Lục Ngạn đánh giá, năm nay, các dịch vụ phụ trợ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều duy trì ổn định, không nảy sinh tình trạng khan hiếm, không biến động lớn về giá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc in mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm lên thùng xốp là quy định đưa ra của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc.
Đây là yêu cầu bắt buộc các DN xuất khẩu vải thiều và các loại trái cây khác trong nước phải chấp hành. Ở khâu thu hoạch, đóng gói vải thiều, cơ quan chức năng Trung Quốc quy định không cho phép sản phẩm có lẫn lá vải thiều, cuống quả không được dài quá 15 cm. Đây là quy định đưa ra nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh và ngăn chặn sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập.
Trước những thay đổi trên, Sở Công Thương đã cùng UBND huyện Lục Ngạn phối hợp tổ chức sớm công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN áp dụng. Đến nay, hầu hết các DN đã nắm bắt đầy đủ thông tin và thực hiện đúng yêu cầu đặt ra. Hiện mỗi ngày có hơn 1,5 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)