Rừng xanh che chở xóm làng
Bảo vệ “pháo đài xanh”
Nắng tháng Tám dát vàng tỏa xuống những cánh rừng già óng ả ở Tuấn Đạo. Sau cơn mưa rào đêm trước, sớm nay, cả một vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu lại mướt lên màu xanh căng đầy sức sống. Thôn Sầy có hơn 280 ha rừng tự nhiên, đây được xem là “pháo đài xanh” của thôn nên được bảo vệ khá nghiêm ngặt, nhiều năm qua rừng không bị chặt phá hay xảy ra cháy lớn.
Rừng tự nhiên ở thôn Sầy được bảo vệ nghiêm ngặt nên hơn 10 năm nay không xảy ra tình trạng chặt phá. |
Nói về công tác bảo vệ rừng (BVR), Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo Nguyễn Văn Thành nhận xét: “Ý thức của người dân trên địa bàn rất cao nên chính quyền khá yên tâm, lực lượng kiểm lâm cũng bớt vất vả. Có lần mới thấy khói chớm nhen lên là cả làng, cả xã gọi loa, đánh kẻng, người già, thanh niên nam nữ hô nhau khẩn trương lên rừng dập lửa”. Tổ BVR thôn Sầy có gần chục thành viên. Theo lịch đã định sẵn, các thành viên trong tổ chia nhau tỏa đi các ngả tuần tra rồi hẹn đến trưa sẽ về lán nhỏ giữa rừng cùng giải lao, ăn cơm và trao đổi công việc. Các điểm được quan tâm là khu vực giáp ranh, những vị trí có nhiều cây gỗ lớn, gỗ quý hoặc lối tắt, lối rẽ vào rừng.
Vừa chớm đến cửa rừng, tôi đã nghe tiếng thác nước dội vào vách đá ầm ào, một làn không khí mát lành, mùi hương rừng thoảng qua rất dễ chịu. Thi thoảng đoàn cũng gặp từng vạt hoa dại đua nở rực rỡ, cả ong bướm, chim muông đi tìm trái thơm, mật ngọt. Rừng xanh chẳng thiếu những dây leo, cây búi mọc chằng chịt, những khóm phong lan bám chặt quanh những thân cây to lớn. Một vài đoàn khách phương xa, lẫn người dân địa phương rủ nhau vào rừng thăm thú, tắm mát và tận hưởng không gian yên ả. Các thành viên trong tổ không quên nhắc họ giữ vệ sinh môi trường, không đốt lửa và săn bắt chim, thú.
Đi rừng cả ngày nên hành trang của các thành viên trong tổ BVR đều có sẵn đồ ăn, nước uống, vài dụng cụ bảo hộ khác. Ông La Văn Điện (60 tuổi), Tổ trưởng tổ BVR cộng đồng thôn Sầy cùng một số thành viên dẫn tôi men theo lối mòn, vòng xuống khe suối để vào sâu trong rừng. Hơn 20 năm tham gia BVR nên ông Điện thuộc nằm lòng từng khu vực, đây thung lũng Thùng Thình, kia đỉnh cao Bù Lu, rồi khe Khỉ Lột, Nương Lúa... Đó là những điểm mà ông cho rằng cần chú ý vì nằm ở vị trí giáp ranh, trước đây từng xảy ra tranh chấp, nay tuy đã có cột mốc phân định rõ ràng song vẫn có nguy cơ xảy ra chặt phá rừng.
Nhờ bảo vệ nghiêm ngặt nên hơn chục năm nay rừng tự nhiên ở thôn Sầy không để xảy ra tình trạng chặt phá, cháy. |
Đi qua công trình nước sạch dẫn về thôn, ông Điện bảo: “Dòng nước trong lành chảy quanh năm, ngay cả mùa khô thì ở đây nước vẫn tràn trề. Đầu năm nay, trong khi nhiều nơi trong huyện bị khô hạn, thiếu nước thì hơn 260 hộ dân thôn Sầy vẫn đủ nước phục vụ cuộc sống và sản xuất”.
Mấy chục năm gắn bó với rừng, không ít lần ông Điện phải hóa thân thành người đi lấy cây thuốc, bắt ếch, bắt ong để “trinh sát” nắm tình hình, có động tĩnh bất thường là thông báo về cho chính quyền cùng vào cuộc giải quyết. Cũng có hôm 2 giờ sáng ông vẫn trên rừng “mai phục” một nhóm người địa phương khác mang trâu lên kéo gỗ… Tuy nhiên, đó là chuyện của 17 năm trước, đã rất lâu rồi rừng tự nhiên của thôn không còn tiếng cưa, tiếng máy.
Sau hơn một giờ tuần rừng, có lúc đoàn chúng tôi phải luồn lách, vén dây leo, trèo qua đá mà đi. Các chú trong tổ BVR kể, mùa này đi rừng nguy hiểm hơn bởi rất dễ gặp những trận mưa bất chợt, đường trơn trượt và nhất là có nhiều muỗi, vắt, rắn, rết song để giữ màu xanh cho quê hương, thành viên trong tổ vẫn cố gắng khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ. Khi phát hiện rừng bị xâm hại, mọi người có trách nhiệm thông báo cho chính quyền, lực lượng kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ để cùng phối hợp ngăn chặn, xử lý.
Rừng thôn Sầy còn nhiều cây gỗ lớn, gỗ quý. |
Rừng thôn Sầy còn ngôi đền Bà Cô được xây dựng từ lâu đời, theo như bà con địa phương, ngôi đền linh thiêng thờ một vị nữ tướng thời Trần có công đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương. Vào tuần Rằm, mùng Một hằng tháng, người cao tuổi trong thôn lên đây dọn dẹp, chuẩn bị hương đăng, lễ vật dâng cúng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, dân an vật thịnh. Đây là khu rừng thiêng nên quanh đó chẳng ai dám chặt phá, săn bắt chim thú hay làm điều gì sai trái.
Ở Tuấn Đạo, Hội Người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong BVR bằng việc răn dạy con cháu trong gia đình không được làm gì ảnh hưởng đến rừng, nguồn nước của suối. Mỗi người dân có ý thức gìn giữ tài sản cộng đồng, nhờ vậy rừng ngày một xanh tốt, nhiều cây gỗ quý to lớn như lim, sến, táu, dẻ, ké, các loài thảo mộc và một số động vật hoang dã như lợn rừng, sóc, cầy, rắn, kỳ nhông... vẫn được bảo tồn đến nay.
Từ nghị quyết của xã, đến hương ước thôn
Tuấn Đạo có diện tích rừng tự nhiên gần 4 nghìn ha được giao cho cộng đồng 12 thôn quản lý. Trong đó, những thôn quản lý nhiều như: Sầy 280,7 ha; Nam Bồng 311,7 ha; Đồng Xuân 153,9 ha; Linh Phú 84,5 ha; Đồng Mé 120,1 ha; Tuấn An 184 ha và Tuấn Sơn 176 ha… Nhận thấy tầm quan trọng của rừng, đồng thời xác định giữ được rừng mới có nguồn sinh thủy cho sản xuất và đời sống của bà con, năm 2020, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã.
Tổ bảo vệ rừng thôn Sầy và cán bộ kiểm lâm tuần tra địa bàn. |
Theo ông Nguyễn Văn Thành, những năm qua, lợi ích kinh tế từ rừng từng bước được khẳng định, bảo đảm cung cấp ổn định nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Rừng ở Tuấn Đạo còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Trong định hướng của địa phương đã quy hoạch và gắn công tác BVR với phát triển du lịch nhằm khai thác, phát huy thế mạnh. Từ nghị quyết trên, chính quyền xã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Nhận thấy tầm quan trọng của rừng, đồng thời xác định giữ được rừng mới có nguồn sinh thủy cho sản xuất và đời sống của bà con, năm 2020, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã. |
Các đoàn thể và tổ BVR đã quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân ký, thực hiện cam kết không chặt phá rừng. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm thực hiện mục tiêu tái sinh rừng tự nhiên, tạo nguồn sinh thủy và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Cùng với đó là chăm lo phát triển các khu rừng sản xuất, chú trọng tạo sinh kế cho người dân để đồng bào ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Ở Tuấn Đạo vẫn còn những khu rừng được cộng đồng bảo vệ nguyên vẹn từ năm 1945 đến nay, ở đó có chăng chỉ cây già tự chết còn tuyệt nhiên không bị chặt phá. Đặc biệt, khoảng chục năm trở lại đây, nhiều thôn trên địa bàn không xảy ra vụ chặt phá hay cháy rừng tự nhiên. Trong kết quả ấy có sự góp sức rất lớn của tổ BVR cộng đồng.
Hiện cả 12 thôn trên địa bàn xã đều xây dựng và thực hiện quy ước BVR và thành lập các tổ BVR. Ai vi phạm sẽ bị cả cộng đồng phê phán và có hình thức xử lý theo quy ước, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc BVR được nâng cao hơn. Có người dù chỉ vào rừng chặt cây tre làm chổi, lấy măng về ăn hay săn bắn chim, thú đều bị tổ BVR nhắc nhở, khuyên ngăn…
Chỉ một ngày đi rừng, chưa đủ để tôi tìm hiểu hết những điều thú vị còn nằm sâu nơi xanh thẳm nhưng có thể thấy công tác BVR ở Sơn Động nói chung, xã Tuấn Đạo nói riêng không thể vắng bóng sự chung tay của các tổ BVR. Chia tay các thành viên tổ BVR thôn Sầy, trong tôi chợt nghĩ đến những trận lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương thời gian qua và thực tế đã chứng minh đó là hệ quả từ việc mất rừng. Còn với Tuấn Đạo, khi nào đồng bào còn sống hiền hòa giữa thiên nhiên và trên mỗi tấc đất quê hương vẫn in dấu bước chân của các lực lượng BVR thì tôi tin rằng những rủi ro bởi thiên tai sẽ phần nào được chế ngự.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)