Rà soát, định hướng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng chủ lực
Người dân xã Quý Sơn (Lục Ngạn) thu hoạch vải thiều. Ảnh: Nguyễn Hưởng |
Toàn huyện hiện có khoảng 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích gần 15,3 nghìn ha, sản lượng hằng năm ước đạt từ 90-130 nghìn tấn; cây có múi ngày càng được mở rộng với tổng diện tích hơn 6,7 nghìn ha; nhãn 825 ha; ổi 500 ha...
Giá trị sản xuất từ cây ăn quả hằng năm đạt khoảng 3- 3,5 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của nhân dân ổn định và cải thiện rõ rệt; trình độ dân trí từng bước nâng lên, nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện nói riêng, tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, qua thực tiễn đã và đang bộc lộ một số hạn chế, đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, hình thức tổ chức, quy mô sản xuất chưa được đổi mới; số hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ) chưa nhiều; việc nhân rộng các mô hình còn chậm; công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp còn mặt hạn chế... Tình trạng này không chỉ ở Lục Ngạn mà còn xuất hiện tại một số địa phương khác, nhất là các huyện miền núi của tỉnh.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, ngoài tác động của các yếu tố khách quan bất lợi như thời tiết, giá nông sản không ổn định, tình hình dịch bệnh trên cây trồng tiềm ẩn nhiều rủi ro còn có những yếu tố hết sức quan trọng đó là: Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn bất cập, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi; vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông, lâm nghiệp và các chương trình, dự án còn mang tính chất hỗ trợ; ý thức sản xuất của một số hộ dân trong tổ chức sản xuất chưa cao, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; một số chính sách mới ban hành của Nhà nước hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp chưa được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, trong giai đoạn 2020-2025, theo tôi, trước hết cần rà soát, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường để định hướng phát triển, trọng tâm là quy mô diện tích đủ lớn để tạo vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tiếp theo là đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trong sản xuất; tăng cường hỗ trợ đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, quản lý trong nông nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thành Nam (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)