Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, các đại biểu trong tổ thảo luận nhất trí với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 16 chương, 263 điều, tăng 18 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ. |
Góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Luật tại Điều 17, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng nhiều chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc của nhà nước đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung quy định tại dự thảo lần này nhưng chưa thực sự bao quát hết, nhiều quy định còn chung chung, chưa cụ thể.
Đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị cơ quan soạn thảo quy định các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, kỹ lưỡng và thấu đáo, quy định cụ thể để dễ triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.
Góp ý vào vào Khoản 6 Điều 182 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật; được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng cụm từ quy định “nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa”. Nội dung này sẽ gây khó khăn trong thực tiễn triển khai. Do vây, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét quy định lại nội dung này và có chính sách quy hoạch vùng trọng điểm trồng lúa và có quy định nghiêm ngặt đối với loại đất trồng lúa 2 vụ ăn chắc, còn các loại đất trồng lúa khác cần có quy định linh hoạt hơn.
Góp ý vào nội dung sửa, bổ sung Điều 35 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm và Điều 47 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; để bảo đảm phù hợp với thực tế và khả thi, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 35 dự thảo Luật và cho rằng, việc quy định “người bán tài sản phải tiếp tục nộp tiền thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ khác đối với diện tích đã được Nhà nước cho thuê” là không thực tế, không hợp lý, khó khả thi, vừa gây khó khăn cho người bán và người mua tài sản, vừa gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa lại quy định này theo hướng: Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm không được bán từng phần diện tích, hạng mục của công trình xây dựng khi mà không đủ điều kiện để tách thành thửa đất riêng biệt.
Đồng tình với nội dung Điều 47 của dự thảo Luật về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; tuy nhiên điều kiện đối với người mua tài sản gắn với đất và chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm, tại điểm c, khoản 3, Điều 47 quy định: “Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó”, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng quy định điều kiện trên là cứng nhắc, không công bằng, nhất là đối với trường hợp người mua mới chỉ có vi phạm lần đầu, không gây hậu quả lớn và hậu quả đã được khắc phục; không phù hợp với Điều 2 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 .
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa, bổ sung quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 47 theo hướng người mua được mua tài sản gắn với đất và chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện là người mua: Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó; hoặc đã có vi phạm nhưng không thuộc trường hợp tái phạm nhiều lần, không làm ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội, không hậu quả gây ra không lớn và hậu quả đã được khắc phục.
Một nội dung được nhiều đại biểu trong tổ thảo luận quan tâm là kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tại Điều 67. Các đại biểu đề nghị cần quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với thực tế hơn hoặc nghiên cứu bỏ quy định này. Góp ý kiến vào điểm d, khoản 3, Điều 67 về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa lại theo hướng quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải: “Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với các loại đất phải xin phép trong năm kế hoạch” (bỏ cụm từ “thể hiện thông tin đến từng thửa đất”).
Phát biểu tổng kết nội dung thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu và giao Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)