Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Bắc Giang phát biểu thảo luận tại tổ. |
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về nhà ở, đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở trong tình hình mới và khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 8 năm thi hành Luật Nhà ở năm 2014, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan.
Góp ý vào nội dung dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Bắc Giang cho rằng trong dự thảo luật có quá nhiều nội dung (58 nội dung ) giao cho Chính phủ và các bộ ngành hướng dẫn thi hành chi tiết nhưng chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung dự thảo các nghị định hướng dẫn để bảo đảm đúng quy định tại Điều 11 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật quá lớn, các nội dung của dự thảo luật có mối quan hệ với rất nhiều luật khác (bao gồm cả các luật hiện hành và các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến thông qua). Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tránh tình trạng chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh.
Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được quy định từ Điều 25 đến Điều 31, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết quy định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh vì nhiều nội dung chồng chéo với nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện tại dự thảo luật đất đai sửa đổi hay quy hoạch tỉnh được quy định tại Luật quy hoạch. Một số nội dung của chương trình phát triển nhà ở là các nội dung quản lý quá cụ thể có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản. Những quy định này chưa thực sự phù hợp với quy luật vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi buộc nhà đầu tư phải phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Góp ý về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 19, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn Bắc Giang đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai sửa đổi. Nên cho phép cá nhân người nước ngoài được quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Điều 59 quy định phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân, trường hợp xây dựng nhà ở có quy mô từ 20 căn hộ trở lên thì phải có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 37 của Luật này và phải lập dự án để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng quy định như vậy là quá chặt chẽ, không thúc đẩy được các chủ thể tham gia vào việc phát triển nhà ở, nhà trọ cho công nhân; trong khi tại các địa phương vùng ven các khu, cụm công nghiệp hiện nay các hộ gia đình tham gia xây dựng nhà trọ công nhân rất nhiều, góp phần giải quyết lượng phòng trọ thiếu hụt cho công nhân.
Phát biểu tổng kết nội dung thảo luận, đồng chí Trương Quốc Huy đánh giá cao các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật; giao cho Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ nội dung các ý kiến phát biểu gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ý kiến bạn đọc (0)