Quốc hội dự kiến họp bất thường vào 15/1/2024, xem xét thông qua 2 dự án luật
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Chiều 18/12, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ họp 3 ngày, khai mạc vào thứ Hai ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt.
"Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua", ông Bùi Văn Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình những nội dung có nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Đồng thời, cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định.
Đặc biệt, với những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp, các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.
Do đó, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì có 3 nội dung được đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.
Thứ nhất là xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nội dung thứ ba là xem xét thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
"Để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp bất thường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Cũng theo ông Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn... để phục vụ tốt cho kỳ họp.
Theo ông Bùi Văn Cường, một số nội dung khác nằm trong dự kiến nhưng chưa được trình tại kỳ họp bất thường thứ 5 này.
Cụ thể, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung khó, phức tạp, chưa có ý kiến của Bộ Chính trị, do đó chưa nên trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường này.
Đối với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (như Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam) và dự án quan trọng quốc gia (dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành), ông Bùi Văn Cường nêu rõ, đây là những nội dung cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Hồ sơ phải được gửi đến cơ quan thẩm tra theo đúng thời hạn quy định của Luật Đầu tư công (chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp) để các cơ quan có đủ thời gian tiến hành khảo sát, đánh giá, xem xét đủ điều kiện trước khi trình Quốc hội", ông Bùi Văn Cường nói.
Về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết dự kiến kỳ họp được khai mạc vào ngày 20/5/2024 và chia thành 2 đợt họp.
Đợt 1 dự kiến 14 ngày (từ ngày 20/5/2024 đến ngày 6/6/2024) chủ yếu thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 dự kiến 8 ngày (từ ngày 17/6/2024 đến ngày 26/6/2024) chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật, thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày, bế mạc ngày 26/6/2024.
Theo VTC News
Ý kiến bạn đọc (0)