Quay quắt trong giá rét
Để tránh rét, nhiều người dân vùng cao Sơn Động ở nhà sưởi ấm bên bếp lửa. |
Vẫn còn thả rông gia súc
8 giờ sáng ngày 11-1, chúng tôi có mặt ở bản Đồng Cao, xã Thạch Sơn (Sơn Động). Lúc này, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 7-8 độ C, toàn bản được bao trùm trong sương mù. Nhiệt độ xuống thấp, gió, rét buốt nên hầu hết người dân chỉ ở nhà ngồi sưởi lửa, mọi sinh hoạt lao động thường ngày như lên nương, làm rẫy đều tạm... ngưng. Trong căn nhà gỗ đơn sơ, già làng Triệu Tiến Thoòng cùng các con cháu đang cùng sưởi ấm bên bếp lửa. Theo lời già, mấy ngày qua, rét buốt như cắt da, cắt thịt kèm mưa nên trên địa bàn xuất hiện băng giá, mọi hoạt động sản xuất, đi lại của người dân bị ngưng trệ.
Do thói quen chăn thả trâu, bò trên rừng nên nhiều hộ dân vùng cao Sơn Động không kịp đưa trâu, bò về chuồng khi nhiệt độ xuống thấp. |
Bản Đồng Cao có 100% là đồng bào dân tộc Dao, đời sống cũng như tập quán canh tác còn lạc hậu. Rét đậm, rét hại xuất hiện sương muối làm nhiều diện tích rừng keo của người dân bị táp lá, có nguy cơ bị chết. Đàn gia súc, gia cầm cũng bị ảnh hưởng nặng. Mặc dù chuồng trại của các hộ dân đã được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn che chắn để chống rét nhưng hầu hết đều bỏ trống, người dân vẫn giữ thói quen chăn thả gia súc trên rừng. Hậu quả, trong những ngày rét đậm vừa qua đã có 2 con trâu, bò trong bản bị chết trên rừng. Cuộc sống đồng bào dân tộc Dao vốn khó nay lại càng khó hơn. Anh Triệu Tiến Đức, Trưởng bản Đồng Cao cho biết. “Điều đáng lo ngại là rét đậm, cỏ cây bị chết, nguồn thức ăn cho gia súc cũng bị giảm theo, trong khi đa số người dân đều không dự trữ thức ăn. Ngay như gia đình tôi cũng thả đàn trâu 8 con trên rừng. Vừa rồi, khi đi kiểm tra, một con nghé con đã bị chết, thiệt hại gần 10 triệu đồng”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, toàn huyện đã có 6 con trâu bị chết, tập trung ở xã Thạch Sơn và Phúc Thắng. Nguyên nhân do tập quán, thói quen chăn thả gia súc tự do, người dân không chủ động được khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột, không kịp đưa đàn gia súc về, dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết rét. Anh Trần Ngọc Kiên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động cho biết: “Ngay đầu mùa, chúng tôi đã cử cán bộ xuống từng địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn, giữ ấm cho đàn vật nuôi; phổ biến cách chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò để tránh rét. Tuy nhiên, do tập quán nên nhiều hộ dân, nhất là tại các bản vùng cao như: Đồng Cao (Thạch Sơn); Non Tá, Bình Minh (Phúc Thắng); Nà Hin (Vân Sơn)..., người dân vẫn giữ thói quen chăn thả trong rừng, dẫn đến tình trạng bị chết rét”.
Bệnh nhân nhập viện tăng
Giá rét, bệnh nhân ở vùng cao nhập viện cũng tăng lên. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động), trong một tuần gần đây, đơn vị đã tiếp nhận gần 1,6 nghìn lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Trong đó có khoảng 300 người phải điều trị nội trú, tăng 20% với ngày thường. Qua đánh giá, thời tiết rét đậm, rét hại nên số lượng người nhập viện tăng, chủ yếu là trẻ em và người già mắc các bệnh mãn tính về huyết áp, tim mạnh, hô hấp, viêm phổi. Chị Đỗ Thị Thủy, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) có con gái 4 tháng tuổi điều trị tại đây cho biết: “Mấy hôm trời chuyển rét, con tôi sổ mũi, ho và sốt nhưng gia đình tự mua thuốc về để cho con uống. Thấy bệnh không thuyên giảm, tôi đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện khám và phát hiện cháu bị viêm phổi”.
Với nhiệt độ xuống thấp, không ít học sinh đã phải nghỉ học. Ghi nhận tại Trường Mầm non xã Giáo Liêm (Sơn Động), mấy ngày qua, lượng học sinh đến trường giảm đáng kể. Đáng chú ý, ngày 9-1, tại 3 điểm trường của nhà trường chỉ có 13/216 học sinh đến trường. Mặc dù vậy, Ban giám hiệu nhà trường vẫn duy trì cán bộ, giáo viên có mặt tiếp nhận học sinh, tăng cường chăn ấm cho các cháu.
Bảo vệ sức khỏe người dân, đàn vật nuôi
Được biết, để “chung sức” chống rét với người dân, những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động tăng cường các y, bác sỹ vào kíp trực hàng ngày, bố trí các thiết bị làm ấm như đèn sưởi bằng điện, tăng cường thêm chăn, đệm tại các phòng điều trị để hỗ trợ bệnh nhân giữ ấm cơ thể. Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng khuyến cáo người dân, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi phải giữ ấm cơ thể, không đi ra ngoài vào ban đêm hoặc sáng sớm, tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể thể. Đặc biệt người dân lưu ý cần tránh sưởi ấm bằng bếp than hoặc than ủ trong phòng kín, nếu không sẽ bị ngộ độc khí, gây nguy hiểm tính mạng.
Bác si Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động khám, điều trị cho bệnh nhân. |
Tương tự, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong những ngày giá rét, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động đã có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể đến tất cả các trường học trên địa bàn về công tác chăm sóc, chống rét trong mùa lạnh. Các nhà trường triển khai nhiều biện pháp giữ ấm cho học sinh, nhất là đối với học sinh các trường mầm non và tiểu học. Được biết, để giảm thiểu tác hại của thời tiết xấu, theo tinh thần chung, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động đã có công văn gửi xuống các nhà trường thông báo, trẻ mầm non và tiểu học nghỉ khi nhiệt độ dưới 10 độ C; học sinh THCS nghỉ khi thời tiết dưới 7 độ C.
Ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nói: “Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện rất quyết liệt, các cuộc họp không liên quan đến phòng, chống rét trong tuần này đều phải dừng lại để tập trung chống rét. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chuyên môn xuống từng tận thôn, bản vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét. Với những hộ chưa đưa được trâu, bò về chuồng, chúng tôi huy động lực lượng dân quân, công an xã phối hợp với bà con đưa đàn gia súc về, tránh thiệt hại ban đầu. Cùng đó yêu cầu các nhà trường quản lý học sinh, bố trí thêm chăn, màn để giữ ấm cho học sinh.
Sơn Quang - Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)