Quan tâm, dành nguồn lực bảo trì đường bộ địa phương
BẮC GIANG - Lâu nay, công tác bảo trì đường bộ mới dừng ở tuyến quốc lộ, đường tỉnh (ĐT) còn đường huyện, xã, nhất là giao thông nông thôn (GTNT) chưa được quan tâm đúng mức. Để nâng cao hiệu quả, tuổi thọ công trình, tỉnh đã chỉ đạo, bố trí nguồn lực cho công tác bảo trì đường bộ địa phương, trong đó có đường huyện, xã, GTNT.
Những năm qua, Bắc Giang ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhờ đó hệ thống đường bộ phát triển tương đối đồng đều. Hàng loạt tuyến đường tỉnh được cải tạo, nâng cấp, mở mới kết nối với các tỉnh bạn; đường huyện có 110 tuyến với tổng chiều dài 797,8 km; đường xã hơn 1,6 nghìn km. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 07/2017 và Nghị quyết số 06/2018 của HĐND tỉnh quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn, nhiều tuyến đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa đã giúp giao thông đi lại thuận lợi. Từ năm 2017-2019, hơn 4,2 nghìn km đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn được cứng hoá, tạo chuyển biến rõ nét hạ tầng giao thông toàn tỉnh.
Những năm qua, đường GTNT chủ yếu được tập trung cứng hóa mới song chưa được quan tâm bảo trì. |
Mặc dù vậy, tình trạng phát triển đô thị, khu dân cư bám theo mặt đường ngày càng nhiều dẫn đến thiếu hệ thống thoát nước trên các tuyến đường, tác động xấu đến chất lượng và tuổi thọ mặt đường. Thực tế, một số tuyến đường huyện mới được đầu tư nhưng đã bị hư hỏng nhỏ, cây cỏ che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do trước đây, chưa có văn bản chính thức cấp tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, bảo trì đường địa phương. Cùng đó, nhiều năm qua, các địa phương ít quan tâm quản lý, bảo trì đường bộ sau đầu tư, phần lớn tập trung xây dựng mới phục vụ kết nối và khai thác nguồn lực về đất đai.
Việc quản lý đất đai dọc các tuyến đường còn nhiều bất cập, hộ dân xây nhà bám mặt đường không để lối thoát nước khiến đường bị ngập úng, kết cấu mặt đường bị phá hủy nhanh chóng. Hệ thống đường bộ từ cấp huyện trở xuống, nhất là đường GTNT đã được đầu tư trong thời gian vừa qua gần như không được quan tâm bảo trì. Nhiều tuyến đường, đoạn tuyến có lưu lượng giao thông đã vượt quá năng lực lưu lượng thiết kế cũng là một trong những yếu tố làm đường bộ xuống cấp.
Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kết luận số 55-KL/TU ngày 7/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định “Kết cấu hạ tầng là bộ phận quan trọng, chủ yếu của kết cấu hạ tầng KT-XH. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải được cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, có tầm nhìn dài hạn và ưu tiên thực hiện trước một bước để tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển của các ngành, địa phương…; kết hợp việc đầu tư mới, vừa cải tạo, vừa bảo dưỡng duy tu, bảo trì”.
Đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ chợ đầu mối đi Công an huyện được huyện Yên Dũng duy tu, bảo dưỡng trong năm nay. |
Để thực hiện nội dung này đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ, hạn chế sự xuống cấp của hệ thống đã được đầu tư, bảo đảm năng lực vận tải và ATGT phục vụ phát triển KT-XH. Cuối năm 2023, lần đầu tiên UBND tỉnh có Quyết định 1056 ban hành đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024 - 2030”. Đề án là cơ sở để cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, đồng thời tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bảo trì và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường địa phương. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đường bộ địa phương; kéo dài tuổi thọ công trình, bảo đảm ATGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí vận tải và sử dụng hiệu quả khối tài sản đường bộ.
Bắc Giang đặt mục tiêu, từ năm 2025 trở đi, tối thiểu 30% số xã, phường trên địa bàn tỉnh bố trí vốn và phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Đến năm 2030, 100% các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được quan tâm quản lý và có kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm. |
Hằng năm, 10/10 huyện, thị xã, TP bố trí vốn để lập và phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Từ năm 2025 trở đi, tối thiểu 30% số xã, phường trên địa bàn tỉnh bố trí vốn và phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Đến năm 2030, 100% các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được quan tâm quản lý và có kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm.
Huyện Yên Dũng là một trong những địa phương được đánh giá là sớm quan tâm công tác bảo trì đường bộ, triển khai bài bản. Căn cứ đề án của tỉnh ban hành, năm nay, huyện tổ chức duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 9 tuyến đường, gồm: Tuyến ĐH1B (từ Việt Yên - Đồng Sơn, TP Bắc Giang); ĐH1, ĐH2,ĐH3, ĐH4, ĐH5, ĐH6, ĐH9, đường nối ĐT293- ĐT299, với tổng chiều dài khoảng 34,55 km. Sửa chữa định kỳ 6 tuyến: Đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ chợ đầu mối đi Công an huyện dài 1,1 km; tuyến ĐH1 (từ ĐT299 - dốc đê Cao Đồng, xã Đồng Phúc), ĐH5 (Kem- Cung Kiệm), ĐH6 (ngã 3 Tiền Phong - Đồng Sơn), ĐH8 (Hương Gián - Kế) với tổng diện tích sửa chữa khoảng 3.110 m2; tuyến ĐH1B (cải tạo nút giao cổng Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam); cải tạo đường ĐH1 đoạn thôn Hạ, xã Đức Giang. Tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện thông tin, các gói thầu đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt, dự kiến trong tháng 8 tới sẽ khởi công toàn bộ các công trình bảo trì.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, thực hiện đề án, đến nay các huyện, thị xã, TP đã xây dựng xong kế hoạch bảo trì năm 2024, đang triển khai theo biểu thời gian đề ra. Cùng đó, Sở cũng đẩy nhanh tiến độ lập sổ tay hướng dẫn về công tác bảo trì đường bộ, dự kiến hoàn thành, ban hành trong tháng 8 năm nay để giúp các địa phương thuận lợi trong triển khai, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)