Quản lý tiền công đức minh bạch, hiệu quả
BẮC GIANG - Bắc Giang có hàng trăm di tích được xếp hạng nên số tiền công đức mỗi năm tương đối lớn. Thời gian qua, các cấp ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng nguồn công đức tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng nhằm bảo đảm minh bạch, đúng mục đích.
Kiểm đếm, ghi chép thu - chi
Toàn tỉnh có 759 di tích được xếp hạng và đã thành lập ban quản lý, chủ yếu theo mô hình kiêm nhiệm. Ở các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, ban quản lý gồm 7-11 thành viên là cán bộ, lãnh đạo xã, phường, thị trấn, tổ chức hội đoàn thể thôn, tổ dân phố; một số ngôi chùa có sư trụ trì, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và công khai trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Ví như di tích đình, chùa Hả, xã Tân Trung (Tân Yên), kinh phí ủng hộ, công đức mỗi năm từ 230-250 triệu đồng, chủ yếu dùng để tổ chức lễ hội và trùng tu, tôn tạo di tích.
![]() |
Người dân thắp hương, công đức tại chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Bắc Giang). |
Việc tiếp nhận, quản lý nguồn kinh phí được Ban quản lý di tích ghi chép chi tiết trong sổ theo dõi và thống nhất khi sử dụng, bảo đảm đúng mục đích. Đồng thời thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh của thôn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết. Tương tự tại cụm di tích đình Ngô Xá, chùa Phúc Sơn, xã Cao Xá, cùng với ghi thông tin chi tiết người công đức, nhà chùa lắp camera theo dõi, khi kiểm đếm có sự chứng kiến của nhà chùa cùng các thành viên được chính quyền xã giao quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tân Yên cho biết: Huyện có tổng số 96 di tích đã được xếp hạng. Năm 2024, toàn huyện thu hơn 6,4 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ cho các di tích. Số kinh phí này được các ban quản lý di tích kiểm đếm, ghi chép cụ thể khi tiếp nhận.
Năm 2024, các di tích trên địa bàn tỉnh thu hơn 127 tỷ đồng từ hoạt động lễ hội và công đức, tài trợ cho di tích, đã chi hơn 111 tỷ đồng để tổ chức lễ hội, tu bổ di tích, bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, phòng, chống cháy nổ... |
Tại thành phố Bắc Giang, các ban quản lý: Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, đền Phủ Lạng Thương, chùa Hà Vị, chùa Dền… đều bố trí người ghi chép các khoản công đức, ủng hộ. Vốn có nguồn thu - chi lớn, công tác quản lý tài chính tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên càng được tăng cường. Ban quản lý di tích gồm 11 thành viên là lãnh đạo, công chức văn hóa, địa chính - xây dựng; cán bộ tổ chức đoàn thể xã và nhà sư đại diện chùa.
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: Nhà chùa có sổ sách ghi chép các khoản công đức, tài trợ; việc mở hòm công đức theo định kỳ hoặc đột xuất đều được thông qua Ban quản lý di tích. Hằng năm, nhà chùa thực hiện nghiêm báo cáo công khai các khoản thu - chi. Nhờ sự minh bạch trong quản lý tiền công đức, những năm gần đây, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đông đảo phật tử, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã tin tưởng ủng hộ hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, tu bổ nhiều hạng mục như: Nhà lưu giữ mộc bản, cổng tam quan... giúp cảnh quan thêm đẹp.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra
Tiền công đức là nguồn quan trọng để các địa phương kịp thời trùng tu, tôn tạo, nâng cấp di tích khang trang, tránh xuống cấp. Việc công đức còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tạo niềm tin trong Nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng hướng dẫn địa phương, cơ sở tăng cường thực hiện theo Thông tư số 04 ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính và Quyết định số 47 ngày 20/12/2024 của UBND tỉnh về quản lý thu, chi tài chính tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích.
Thời gian qua, cơ quan chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở quản lý và sử dụng kinh phí công đức, nguồn tài trợ công khai, minh bạch, hiệu quả. Một số nơi như huyện Tân Yên, thị xã Chũ đã tổ chức tập huấn chuyên đề về quản lý tiền công đức, tài trợ. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các di tích, lễ hội; từ năm 2024 đến nay đã kiểm tra, giám sát 78 di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó chỉ ra những thiếu sót để các ban quản lý khắc phục.
Theo Sở Tài chính, việc sử dụng tiền công đức, tài trợ được các địa phương, cơ sở thực hiện cơ bản đúng quy định, mục đích. Hầu hết tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích đã ghi chép đầy đủ việc tiếp nhận, công đức tiền mặt, khoản tài trợ. Nhiều di tích mở tài khoản tại kho bạc, ngân hàng để theo dõi nội dung các khoản thu, chi. Các hoạt động kiểm kê, thống kê, lập biên bản kiểm đếm được thực hiện định kỳ, đầy đủ thành phần, bảo đảm giải trình rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhất là qua đợt giám sát của HĐND tỉnh tháng 4 vừa qua cho thấy công tác quản lý tiền công đức vẫn còn một số hạn chế. Không ít di tích chưa mở tài khoản tại ngân hàng.
Nhiều người đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thành viên ban quản lý đã cao tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, thủ tục tài chính - kế toán hạn chế gây khó khăn trong theo dõi thu – chi, lập báo cáo, mở tài khoản ngân hàng. Việc ghi chép, cập nhật nội dung thu - chi tại nhiều di tích chưa khoa học. Nhiều người dân còn có thói quen đặt tiền lễ lên ban thờ, tượng Phật, không thả vào hòm công đức...
Để tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền cơ sở phối hợp ngành chức năng rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động của ban quản lý di tích. Phổ biến, hướng dẫn ban quản lý hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo các quy định liên quan đến công tác này; nâng cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tiền công đức. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở cơ sở thực hiện nghiêm việc quản lý và sử dụng nguồn công đức, tài trợ.
Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra việc quản lý tiền công đức. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, thành viên ban quản lý di tích. Hướng dẫn cụ thể việc mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để quản lý tài chính an toàn; mở sổ theo dõi thu - chi; lắp đặt camera giám sát và thực hiện kiểm đếm, ghi chép sổ sách khoa học, sử dụng đúng mục đích.
Ý kiến bạn đọc (0)