Quản lý bến thủy nội địa: Xử lý nửa vời, phạt lại tái phạm
Liên tiếp tái phạm
Thời gian gần đây, ông Vũ Trí Khiêm, phố Thanh Hưng, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) tự ý mở BTNĐ tại thôn Bến, xã Khám Lạng (Lục Nam) để tập kết, vận chuyển đất làm gạch xuống thuyền rồi đưa đến Hải Dương và một số tỉnh trong khu vực tiêu thụ.
Bến thủy nội địa trái phép do một số cá nhân tự ý lập tại thôn An Phú, xã Mỹ An (Lục Ngạn). |
Để tiện vận chuyển, ông Khiêm và một số người còn tự ý đổ đất, mở khoảng 1km dốc, đường đi trên cơ, mái đê; sử dụng xe trọng tải lớn lưu thông khiến nhiều đoạn đê hữu Lục Nam sụt lún, hư hỏng nặng. Trước tình trạng trên, từ tháng 12-2018 đến nay, Hạt Quản lý đê Yên Dũng và UBND các xã Khám Lạng, Bắc Lũng đã phối hợp lập nhiều biên bản làm việc, yêu cầu dừng ngay vi phạm, đồng thời tháo dỡ, sửa chữa các đoạn lún, hỏng, trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây ông Khiêm và những người liên quan vẫn tái diễn vi phạm. Mái, cơ đê vẫn “oằn mình” cõng hàng chục lượt xe tải trọng lớn vận chuyển đất, đá đến tập kết trên bờ sông chờ múc lên thuyền. Điều lạ là đến nay, công tác xử lý vụ việc chỉ mang tính nửa vời, mới dừng lại ở “biên bản làm việc”, những người vi phạm vẫn chưa bị bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào xử lý, buộc khắc phục hậu quả?!.
Cách đó không xa, Công ty TNHH Việt Nhật (Lục Nam) cũng xây dựng mố cầu bê tông cốt thép trái phép lấn ra lòng sông, đoạn qua thôn Vũ Trù Đồn, xã Vũ Xá (cùng huyện) khoảng 20 m, lập BTNĐ, bốc xếp hàng hóa trái phép. Ngày 18-7-2018, hành vi này của doanh nghiệp đã bị UBND huyện Lục Nam xử phạt 15 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy vậy, đến nay Công ty TNHH Việt Nhật chưa chấp hành, tiếp tục tái phạm. Ông Vũ Văn Thuật, cán bộ quản lý Công ty thừa nhận, tuy đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phạt tiền về hành vi lập bến trái phép nhiều lần nhưng để đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Công ty vẫn duy trì hoạt động.
Thông tin từ UBND huyện Lục Nam cho thấy, toàn huyện hiện có 11 BTNĐ trái phép. Đáng chú ý, cơ quan chức năng huyện đã nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn tái phạm, chưa tháo dỡ theo quy định.
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, Bắc Giang hiện có 15 BTNĐ tại xã và thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), Đào Mỹ (Lạng Giang), Huyền Sơn (Lục Nam); Quang Châu, Tiên Sơn (Việt Yên) và các xã Mai Đình, Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ công trình giao thông, không bảo đảm an toàn đường thủy, buộc phải giải tỏa. |
Tương tự, tại xã Mỹ An (Lục Ngạn) hiện có 4 cầu cảng, BTNĐ trái phép, chủ yếu phục vụ một số tổ chức, cá nhân vận chuyển, tập kết đất san lấp mặt bằng, nguyên liệu làm gạch, ngói xuống thuyền rồi vận chuyển bằng đường sông đến các tỉnh trong khu vực tiêu thụ.
Cuối năm 2018, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã khảo sát, đánh giá toàn tỉnh có 117 BTNĐ, trong đó 83 bến không có giấy phép hoạt động.
Sớm lập lại trật tự
Theo quy định, hành lang bảo vệ từ chân đê ra sông là 20 m; ngoài ra, hành lang bảo vệ luồng đường thủy được tính từ mép nước vào bờ 10 m. Trong diện tích này các tổ chức, cá nhân liên quan không được phép xây dựng công trình, chất tải vật liệu.
Ngoài ra, việc xây dựng mố, trụ cẩu ra lòng sông sẽ cản trở, làm thay đổi dòng chảy; quá trình vận chuyển, bốc xếp vật liệu có thể làm rơi vãi, bồi lắng lòng sông gây cản trở, nguy hiểm khi tàu thuyền lưu thông.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị liên quan chưa tích cực vào cuộc quản lý hoạt động của BTNĐ. Mới đây, trong văn bản đề nghị Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp quản lý BTNĐ trên địa bàn, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đề nghị Sở GTVT giao Thanh tra Sở, Phòng Pháp chế cùng đại diện Cảng vụ phối hợp kiểm tra, xử lý, kiên quyết giải tỏa BTNĐ không phép, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường sông.
Công tác xử lý vi phạm đã được nhiều đơn vị quan tâm nhưng còn thực hiện nửa vời, thiếu kiên quyết dẫn đến nhờn luật, tái phạm… Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Pháp chế (Sở GTVT) cho biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ GTVT đã phân quyền cấp phép hoạt động BTNĐ cho Sở GTVT. Tuy vậy, hầu hết các đơn vị vẫn còn vướng mắc về mặt bằng; chưa hoàn thiện thủ tục quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nên chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động.
Thực tế cho thấy, với nhiều lợi thế trong vận chuyển hàng hóa, tải trọng cho phép lớn, tiết kiệm nguyên liệu, chi phí thấp, vận tải đường sông đang được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc quản lý, lập lại trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải thủy phát triển.
Thương Giang
Ý kiến bạn đọc (0)