Quản chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu
Nhiều trường hợp chưa bảo đảm yêu cầu
Bắc Giang hiện có hơn 51 nghìn ha cây ăn quả, đứng thứ hai miền Bắc. Trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích 29,7 nghìn ha; cây có múi 10 nghìn ha... Những năm qua, hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là vải thiều diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
Vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). |
Mặc dù vậy, theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tại một số địa phương, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng mạo danh, mượn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến phía Cơ quan Kiểm dịch Trung Quốc đã ra cảnh báo về việc có thể thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lạng Giang và Phòng Kinh tế TP Bắc Giang tổ chức giám sát 297 mã số vùng trồng đối với vải thiều, nhãn, dưa hấu, bưởi và vú sữa xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Thái Lan, Nga; 215 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đơn vị đã phát hiện 1 mã số vùng trồng vải thiều tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) với diện tích 600 ha và 13 mã số vùng trồng dưa hấu tại huyện Lục Nam với diện tích 198,3 ha không duy trì được các điều kiện của nước nhập khẩu. Toàn tỉnh có 176 cơ sở đóng gói quả vải thiều tươi không duy trì được các điều kiện của phía Trung Quốc.
Trong đó, huyện Lục Ngạn 139 mã, Lục Nam 25 mã, Yên Thế 11 mã, TP Bắc Giang 1 mã. Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông báo với nước nhập khẩu để thu hồi các mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nêu trên.
Tại một số địa phương còn hạn chế như: Thiếu sổ sách ghi chép đồng ruộng, chưa có nơi cất giữ bao bì và không có biển cảnh báo phun thuốc BVTV… Các thành viên trong tổ giám sát đã yêu cầu khắc phục ngay tình trạng này. Đối với mã số cơ sở đóng gói bị thu hồi, chủ yếu do không đáp ứng các điều kiện như: Không có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại; không có hồ sơ truy xuất sản phẩm; nguyên vật liệu đóng gói chưa bảo đảm theo yêu cầu; thiếu hồ sơ nhân sự, hồ sơ bảo vệ môi trường…
Lấy chất lượng là yếu tố cốt lõi
Với phương châm “chất lượng là yếu tố cốt lõi", từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn đã rà soát, kiểm tra và kiên quyết đề nghị thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không bảo đảm quy định, tránh trường hợp phía nước nhập khẩu kiểm tra phát hiện vi phạm, ảnh hưởng lớn đến uy tín của nông sản của tỉnh.
Sau khi thu hồi, toàn tỉnh hiện duy trì 285 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, với diện tích hơn 18 nghìn ha. Ngoài ra, Bắc Giang đang duy trì 40 mã số cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu (thị trường Trung Quốc 39 mã số, Nhật Bản 1 mã số). Cụ thể, huyện Lục Ngạn 34 mã, Tân Yên 2 mã; các huyện: Lục Nam, Yên Thế và TP Bắc Giang mỗi nơi 1 mã.
Sau khi thu hồi, toàn tỉnh hiện duy trì 285 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, với diện tích hơn 18 nghìn ha, trong đó vải thiều có 223 mã số (diện tích hơn 17 nghìn ha); nhãn có 35 mã số (hơn 600 ha); bưởi có 22 mã số (hơn 244 ha). Có 4 mã số vùng trồng dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc và 1 mã số vùng trồng vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. |
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, quy định về mã số vùng trồng của nước nhập khẩu thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật và chỉ đạo tại các địa phương. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa vùng trồng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, do đó công tác chỉ đạo, giám sát nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, bảo đảm ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc BVTV theo quy định chưa được quan tâm. Đối với hạn chế của cơ sở đóng gói, chủ yếu do cơ sở vật chất chưa đồng bộ, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ nên khó duy trì điều kiện của nước nhập khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để khắc phục những bất cập trên, Sở đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, trực tiếp là Cục BTVT tiếp tục hỗ trợ tỉnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang những thị trường mới, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy định của từng thị trường để địa phương chỉ đạo thực hiện.
Ngoài ra, Sở đề nghị UBND các huyện, TP thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra để thiết lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung hoặc thu hồi, hủy mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không bảo đảm quy định. Bố trí kinh phí thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, tổ chức chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với các cây trồng chủ lực có thế mạnh xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Tần suất giám sát tối thiểu 1 lần/ năm. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và xử lý nghiêm các trường hợp cho mượn, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không đúng quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)