Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Mở đầu hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu, hơn một năm qua, với nỗ lực to lớn, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời và đồng bộ, Việt Nam đã phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 hiệu quả và duy trì phát triển KT-XH, vẫn là một điểm sáng trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tác động của đại dịch làm nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tiềm năng.
Đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch lần này là sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu.
Do vậy, khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết là vấn đề hết sức quan trọng để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển hiện nay. Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hóa và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng. Đó chính là chìa khóa để thực hiện chuyển hướng từ chiến lược “Không Covid-19” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đồng chí nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch song tuyệt đối không được chủ quan bởi con đường dẫn đến sự phục hồi, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Để khắc phục và vượt qua những vấn đề phức tạp đó, tại hội thảo này, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu về các vấn đề như: Lĩnh vực y tế; an sinh xã hội; hệ thống thông tin an sinh xã hội; năng lực thực thi và phối hợp ở các địa phương. Kết quả hội thảo là một trong những cơ sở khoa học giúp các địa phương trong việc khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay và có tính khả thi cao; đẩy lùi dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển KT-XH.
Quang cảnh hội thảo. |
Thảo luận tại đây, nhiều đại biểu bày tỏ lạc quan về sự tăng trưởng, khôi phục kinh tế trong tương lai của Việt Nam sau cú sốc kinh tế lớn nhất trong hàng chục năm qua. Đồng thời tin tưởng những hành động của Việt Nam có tác động mạnh mẽ cho kế hoạch dài hạn sắp tới. Dù vậy, việc đưa tăng trưởng về thời điểm trước khủng hoảng sẽ gặp khó khăn. Do đó, Việt Nam cần có hành động quyết liệt hơn bằng các dự án mang tầm quốc gia, ảnh hưởng lớn.
Một số tập đoàn DN lớn tại Việt Nam đề nghị, các quyết định có sự thay đổi cần thông báo sớm hơn để DN thuận lợi vận hành sản xuất và quản lý nhân sự; Chính phủ nên mở rộng ưu đãi thuế cho DN. Các chính sách tài khóa phải được thực hiện nhất quán từ T.Ư đến địa phương.
Để kiểm soát an toàn dịch Covid-19, vắc-xin cần được cung cấp miễn phí cho người dân, nâng tỷ lệ bao phủ vắc-xin; động viên tiếp tục áp dụng "5K" trong phòng dịch; bảo đảm an toàn sản xuất trong nhà máy, khu, cụm công nghiệp....
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổ dự thảo kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện.
Đồng chí cho rằng, do kiểm soát dịch bệnh chưa tốt nên chúng ta bị tổn thương nên phải hồi phục. Muốn khôi phục được trước hết phải kiểm soát dịch bệnh và giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết khi chưa có đủ vắc-xin.
Đồng chí nhấn mạnh, thực tế cho thấy, người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế chậm, bệnh nhân chuyển nặng. Hơn nữa, chủng vi-rút lây lan nhanh, nguy hiểm, lại không có biểu hiện, ủ bệnh dài đã khiến bệnh nhân tử vong tăng cao. Vì thế phải tiếp tục thực hiện 5K+vắc-xin và ý thức người dân, dịch vụ y tế để chuyển từ quản lý “không covid-19” sang quản lý rủi ro; nâng cao năng lực y tế cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất.
Trong chỉ đạo khôi phục sản xuất thích ứng trong tình hình mới phải tập trung thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt, phân cấp, phân quyền bảo đảm nguồn lực cán bộ. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường năng lực của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp. Khôi phục DN, tăng tổng cung tổng cầu, nối lại thị trường lao động.
Tập trung chăm lo an sinh, xã hội bảo đảm tinh thần vật chất cho người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Bảo đảm an toàn trật tự xã hội
Dù đang khó khăn, đối mặt nhiều thách thức song đây cũng là cơ hội để chúng ta phấn đấu vươn lên, khẳng định mình, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi năng ượng, chống biến đổi khí hậu…
Về PCD vẫn tuân thủ theo trục cách ly, giãn cách, xét nghiệm, điều trị nhanh nhất, sớm nhất.
Tin, ảnh Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)