Phiên tòa giả định, dự khán: Kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả
Sinh động, hấp dẫn
Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp như vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí thô sơ...
Phiên tòa giả định tại Trường THPT Thanh Lâm (Lục Nam). |
Để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, cơ quan tố tụng một số địa phương đã phối hợp với các nhà trường tổ chức phiên tòa giả định gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
Trong phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Thanh Lâm (Lục Nam) vừa qua, dưới hình thức sân khấu hóa, nội dung là một học sinh đi xe máy gây tai nạn giao thông (TNGT) làm chết người. Hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát, thư ký phiên tòa, bị cáo, luật sư… đều do đoàn viên của các chi đoàn hóa thân.
Phiên tòa giả định nhưng các quy trình, diễn biến phiên tòa được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục tố tụng. Vụ án sát với thực tế, liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bị cáo là học sinh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự. Mặc dù đây là phiên tòa giả định, nhưng các tình tiết trong vụ án được tái hiện theo vụ án có thật nên lôi cuốn học sinh và giáo viên nhà trường theo dõi.
Ngoài tổ chức phiên toà giả định thì việc cho học sinh tham dự các phiên xét xử tại toà đối với những vụ án mà bị cáo là người trẻ tuổi cũng đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Là một địa phương triển khai mạnh hình thức tuyên truyền trực quan cho giới trẻ, từ năm 2018 đến nay, TAND huyện Việt Yên phối hợp với các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tổ chức hàng chục phiên toà dự khán “Góc nhìn chân thật - Thức tỉnh tương lai”.
Đối tượng hướng tới là các đoàn viên, thanh niên từ 16 tuổi trở lên đang học tập tại các nhà trường trên địa bàn. Sau khi phiên tòa kết thúc, đoàn viên, thanh niên được viết bài thu hoạch nêu lên nhận thức của mình về hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo.
Em Nguyễn Minh Hiếu, học sinh Trường THPT Việt Yên 1 chia sẻ: Được dự khán tại phiên tòa xét xử hai thanh niên cướp giật tài sản, em được nghe phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát phân tích về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm này đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Qua đây, em có thêm kiến thức về pháp luật, biết cách phòng tránh những nguy hiểm có thể gặp phải đối với tội phạm cướp giật.
Tiếp tục nhân rộng
Tìm hiểu được biết, mô hình phiên tòa giả định, dự khán là hình thức tuyên truyền pháp luật được ngành tòa án, viện kiểm sát hai cấp phối hợp thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Việc “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử, từ đó tránh những vi phạm tương tự.
Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đồng thời vẫn bảo đảm không ảnh hưởng tới thời gian học tập của học sinh, ngoài việc lựa chọn vụ án phù hợp, Toà án chủ động lên lịch xét xử, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí, sắp xếp thời gian xét xử cả vào buổi chiều. Mỗi một vụ án sẽ lựa chọn đoàn viên, thanh niên của một trường THPT trên địa bàn. Theo đại diện ngành Tòa án, bị cáo bị đưa ra xét xử trong những vụ án này đều còn rất trẻ.
Đôi khi việc bị cáo phạm tội là do chưa nhận thức hết được quy định của pháp luật, khi thực hiện hành vi không nghĩ là mình đang phạm tội. Để tránh tâm lý mặc cảm, ngại ngùng, khi lựa chọn người dự khán phiên tòa, các đơn vị thường phối hợp chặt chẽ, tránh triệu tập đoàn viên, thanh niên có cùng nơi cư trú với bị cáo.
Với hiệu quả thiết thực, thời gian tới, tòa án hai cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thực hiện mô hình này. Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể bám sát đặc điểm địa bàn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng.
Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa giả định, dự khán để người thực hiện có thể nhìn nhận và đánh giá được những ưu, khuyết điểm của bản thân cũng như được lắng nghe những ý kiến góp ý để trau dồi thêm kỹ năng. Từ đó, thực hiện có hiệu quả hơn những phiên tòa sau.
Khi phiên tòa đúng trọng tâm với nội dung, thời lượng thích hợp sẽ tránh được sự xao nhãng, mất tập trung, giúp đối tượng được tuyên truyền dễ theo dõi và nắm được toàn bộ nội dung tuyên truyền. Mức hình phạt phù hợp sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa và mang tính giáo dục cao. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến với người dân, nhất là lớp trẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)