Phiên họp thường kỳ tháng 8 HĐND tỉnh: Khẩn trương chốt điểm dừng kỹ thuật của từng dự án đo đạc bản đồ
Cùng dự có các đồng chí: Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Hải chủ trì phiên họp. |
Nội dung báo cáo thực trạng, kết quả triển khai. Cùng đó nêu rõ nguyên nhân tỷ lệ cấp đổi GCNQSDĐ sau đo đạc đạt thấp, tiến độ thực hiện dự án chậm, phải gia hạn nhiều lần là do quy trình cấp GCNQSDĐ hiện nay chỉ phù hợp với cấp lẻ, cấp thường xuyên theo nhu cầu người sử dụng đất, không phù hợp cấp hàng loạt theo dự án.
Nhu cầu cấp đổi GCNQSDĐ của người dân không cao do phải cung cấp nhiều giấy tờ liên quan. Thiếu quy định đối với việc kê khai giấy chứng nhận cho các thửa đất tự ý dồn đổi, chuyển mục đích, không xác định được nguồn gốc... nên không có cơ sở kê khai, cấp GCNQSDĐ. Công tác cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai thiếu liên tục do lỗi kết nối phần mềm.
Đại diện lãnh đạo huyện Lục Nam báo cáo giải trình tại phiên họp. |
Năng lực của công chức cấp xã và đơn vị thi công, tư vấn giám sát hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp và ngành chuyên môn còn chưa chặt chẽ.
Sở Tài nguyên và Môi trường không lường trước nguồn kinh phí trung ương nên triển khai dàn trải; chưa quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính...
Bà Ngụy Kim Phương, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách (HĐND tỉnh) kiến nghị các nội dung liên quan đến việc đổi chủ đầu tư dự án. |
Trao đổi tại đây, bà Ngụy Kim Phương, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách (HĐND tỉnh) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ hơn nội dung liên quan đến việc bàn giao các dự án đo đạc bản đồ và cấp GCNQSDĐ do Sở làm chủ đầu tư cho huyện làm chủ đầu tư trong thời gian tiếp theo; hướng xử lý khối lượng nợ của dự án.
Ông Đỗ Mạnh Tiến, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nêu: Hiện nay việc đo đạc đã xong, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng diện tích sử dụng thực tế của người dân khác với diện tích trên GCNQSDĐ.
Về vấn đề này, ông Đào Duy Trọng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu: Cuối tháng 7-2019, Sở bàn giao xong 69 dự án cho các huyện tiếp tục thực hiện, giá trị hợp đồng là 77 tỷ đồng. Hiện nay vướng mắc lớn nhất là thủ tục pháp lý liên quan đến đấu thầu, thanh quyết toán dự án do chuyển đổi chủ đầu tư.
Ông Đào Duy Trọng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi nội dung đại biểu nêu. |
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng theo quy định, các huyện phải trích lập 10% tiền thu sử dụng đất để thực hiện đo đạc bản đồ, cấp GCNQSDĐ song thực tế mới chỉ được hơn 3%.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông cho biết trong năm 2019, Sở kiên quyết không để các đơn vị sử dụng nguồn dự phòng sai mục đích; tiền thu sử dụng đất phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Hằng tháng đều tổng hợp, báo cáo. Đề nghị các huyện, TP cần đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn trao đổi, làm rõ một số vấn đề. |
Làm rõ thêm nội dung các đại biểu trao đổi, đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, công tác đo đạc bản đồ rất phức tạp, tốn thời gian.
Đồng chí cũng nêu nguyên nhân của việc chậm cấp GCNQSDĐ là do hiện nay nhiều người dân đang tín chấp GCNQSDĐ ở ngân hàng nên khó lấy ra để làm thủ tục cấp lại; một số trường hợp diện tích sau cấp đổi (đo đạc) khác với cấp lần đầu (kê khai) nên chủ sử dụng đất không đồng ý. Công tác tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tốt.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ cùng các sở, ngành, địa phương đôn đốc, quan tâm hơn nữa tới công tác đo đạc bản đồ gắn với cấp GCNQSDĐ.
Đồng chí Bùi Văn Hải kết luận phiên họp. |
Trên cơ sở báo cáo giải trình và ý kiến của các ban thuộc HĐND tỉnh và một số sở, huyện, đồng chí Bùi Văn Hải đề nghị: UBND tỉnh phải có cuộc họp bàn cách giải quyết những tồn tại của dự án đo đạc bản đồ gắn với cấp GCNQSDĐ.
Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc trực tiếp với các huyện, xã về từng dự án để đánh giá tính khả thi của các dự án; nơi nào thuận lợi thì làm tiếp, còn khó khăn thì tạm dừng.
Các địa phương chốt điểm dừng kỹ thuật của từng dự án để xác định trách nhiệm của các đơn vị; nghĩa vụ thanh toán. Trên cơ sở đó có kế hoạch phân bổ nguồn ngân sách những năm tiếp theo; đẩy mạnh tuyên truyền cấp GCNQSDĐ trong nhân dân. Các huyện chủ động bố trí kinh phí thực hiện dự án; tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí địa phương khó khăn trong thu tiền sử dụng đất. Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong cấp mới và cấp đổi GCNQSDĐ.
Cùng ngày, Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung UBND tỉnh trình, gồm: Bổ sung kinh phí 6 tháng đầu năm 2019 cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn; phân bổ chi tiết vốn quyết toán (đợt 1) năm 2019; điều chỉnh vốn quyết toán để phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư (đợt 2) năm 2019 (nguồn vốn ngân sách tỉnh); tờ trình xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đào tạo, thu hút các nhà khoa học làm việc tại Bắc Giang.
Cùng đó xem xét, cho ý kiến kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND tỉnh về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2020; xem xét, thông qua báo cáo kết quả công tác tháng 8, chương trình công tác tháng 9 - 2019.
Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)