Giám sát chuyên đề của các ban HĐND: Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả
Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Ảnh: Mai Toan |
Lựa chọn nội dung phù hợp
Hiện nay, nội dung giám sát chuyên đề của các ban của HĐND chủ yếu do Thường trực HĐND phân công trên cơ sở nghị quyết về hoạt động giám sát của HĐND đã được thông qua tại kỳ họp giữa năm trước. Để khắc phục bất cập có những chủ đề giám sát quá rộng hoặc lúc đề xuất đang là vấn đề được cử tri, dư luận quan tâm, song tại thời điểm giám sát không còn “nóng”, các ban cần lựa chọn, xác định phạm vi nội dung giám sát bảo đảm phù hợp. Chỉ nên lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, có nhiều bất cập, đã và đang được dư luận quan tâm, cần có giải pháp khắc phục; không nên ôm đồm nhiều nội dung để tránh dàn trải, giám sát không sâu. Tùy từng nội dung cụ thể có thể giám sát giai đoạn 2-3-5 năm tính đến thời điểm hiện hành. Điều này sẽ giúp các ban của HĐND có thêm thông tin thời sự, phục vụ kịp thời cho việc định hướng thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp trong năm.
Trước khi bắt tay thực hiện nên thống nhất phương pháp tiến hành, chia tổ để tiết kiệm thời gian, thành phần tham gia một buổi làm việc không quá đông, giúp cho các thành viên tham gia giám sát cùng có cơ hội phát biểu, thảo luận, tránh phiền hà cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đón tiếp, bố trí điều kiện làm việc. |
Ngoài thành phần ủy viên ban và một số đại biểu HĐND có kinh nghiệm, năng lực, có thể mời chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực tham gia đoàn giám sát (thời gian qua, các ban của HĐND tỉnh đã áp dụng cách làm này). Rà soát kỹ trước khi ban hành kế hoạch giám sát để tránh trùng chéo về thời gian, đơn vị, địa bàn và không gây phiền hà, xáo trộn hoạt động của cơ quan, đơn vị được giám sát.
Việc xây dựng đề cương giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Đề cương xây dựng chi tiết các nội dung cần tìm hiểu (đặc điểm tình hình chung, thực trạng, kết quả triển khai thực hiện; những bất cập, tồn tại và nguyên nhân; đề xuất giải pháp; những kiến nghị…) trên cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản quy định pháp luật, tài liệu liên quan, ý kiến cử tri, kênh thông tin báo chí. Mỗi chủ thể chịu sự giám sát có một đề cương riêng, hạn chế việc xây dựng một đề cương chung gửi tới các cơ quan, đơn vị. Có như vậy đoàn giám sát mới thu thập được những thông tin phong phú, đa chiều, mang sắc thái riêng ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tiễn
Tùy từng nội dung giám sát cụ thể, có thể tiến hành làm việc với cơ quan quản lý nhà nước (sở, ban, ngành) trước, đi cơ sở sau và ngược lại. Tuy nhiên, qua thực tế thấy rằng, để nắm bắt vấn đề một cách thấu đáo nên gửi đề cương giám sát yêu cầu cơ quan sở, ban, ngành báo cáo trước, trên cơ sở đó mới xây dựng đề cương, tiến hành khảo sát, giám sát tại cơ sở để “thẩm định” những điều cơ quan nhà nước cấp trên đã báo cáo. Những vấn đề bất cập từ cơ sở, phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tế sẽ là căn cứ để đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cấp trên giải trình, làm rõ trong buổi làm việc với đoàn (cuối đợt giám sát). Ngoài ra, việc sử dụng phiếu điều tra tham vấn ý kiến nhân dân và sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, ghi âm… cũng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp, lưu giữ các tư liệu phục vụ hoạt động giám sát.
Một yếu tố hết sức quan trọng trong mỗi buổi làm việc và cả đợt giám sát, đó chính là vai trò của người chủ trì (trưởng, phó đoàn giám sát đồng thời cũng là trưởng, phó các ban của HĐND) trong việc gợi mở, dẫn dắt, yêu cầu diễn giải và thâu tóm vấn đề các đại biểu đã nêu một cách trọng tâm, linh hoạt. Muốn được như vậy, ngoài vai trò tác nghiệp của tổ giúp việc trong công tác chuẩn bị, đòi hỏi người chủ trì phải nghiên cứu kỹ tài liệu, chủ động trước các tình huống cần xử trí.
Đại biểu trao đổi trong buổi giám sát của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Nguyễn Hưởng
|
Kiến nghị có trọng tâm và khả thi
Báo cáo kết quả giám sát của ban phải nêu rõ kiến nghị, nhiều hay ít tùy thuộc vào tính chất nội dung của mỗi cuộc giám sát. Tuy nhiên, không nên nêu kiến nghị vụn vặt hoặc chung chung, khó khả thi trong thực tế. Chỉ nên kiến nghị có trọng tâm, cụ thể, xét thấy có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Sau mỗi đợt giám sát chuyên đề cần theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Nếu thấy kiến nghị giám sát bị “lãng quên”, chưa được giải quyết, có thể có văn bản đôn đốc hoặc tiếp tục chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục.
Ngoài những kinh nghiệm nêu trên, thời gian qua, trong quá trình tổ chức giám sát chuyên đề, những bất cập phát hiện qua giám sát đều được lãnh đạo các ban báo cáo, trao đổi với Thường trực HĐND, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh tại mỗi buổi giao ban hằng tuần, do đó kịp thời nhận được những ý kiến chỉ đạo của Thường trực, những gợi ý hay từ các ban khác để bổ sung cho các buổi khảo sát, giám sát tiếp theo. Không đợi đến kỳ họp, nhiều nội dung “có vấn đề” phát hiện qua giám sát, khảo sát của các ban đã được Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các ngành có liên quan giải trình, làm rõ ngay tại phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Trong thời gian tới, với cơ sở pháp lý đầy đủ cùng những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn, tin tưởng rằng hoạt động giám sát của các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ huy động được sự tham gia tích cực hơn của những chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực; phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ trực quan (ảnh tư liệu, video, ghi âm); từng bước có những chuyển biến, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)