Phát triển thương mại dịch vụ ven khu công nghiệp
Nhu cầu lớn
Nhà hàng Việt Sinh, nằm cạnh đường gom Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Khu này thuộc quy hoạch đất TMDV do UBND huyện Việt Yên quản lý.
Anh Triệu Tuấn Thành hướng dẫn nhân viên cách bài trí bàn ăn cho khách nước ngoài. |
Nhà hàng được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019. Phân khúc khách hàng của nhà hàng Việt Sinh là các chuyên gia, người lao động đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Vì thế, không gian các phòng ăn được bài trí theo kiểu Á Đông, ấm cúng. Khách đến đây được thoải mái lựa chọn vì có tới 130 món ăn (chưa kể các món canh) và có đầu bếp là người Trung Quốc phục vụ. Dù lượng khách đông, nhưng không gian khiêm tốn nên mỗi ngày nhà hàng chỉ đáp ứng được hơn 200 thực khách.
Để tăng nguồn thu, nhà hàng hợp đồng cung ứng các suất ăn cho nhân viên văn phòng một số doanh nghiệp (DN) trong KCN Đình Trám. Anh Triệu Tuấn Thành, quản lý nhà hàng cho biết: “Muốn bán được hàng cho người nước ngoài, ngoài biết chế biến các món ăn của họ, phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhân viên trong nhà hàng, nhất là người đứng quầy gọi đồ và thu ngân phải biết ngoại ngữ”.
Tìm hiểu tại nhà hàng Cơm Nàng Tấm, tổ dân phố Hoàng Mai 3, thị trấn Nếnh, anh Nguyễn Xuân Dũng, chủ nhà hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu của công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, cuối năm 2022, anh góp vốn cùng người bạn mở thêm một nhà hàng Cơm Nàng Tấm tại tổ dân phố My Điền 2. “Ngoài bán cơm đĩa, các nhà hàng của chúng tôi còn bán bia hơi, lẩu, đồ nướng phục vụ đa dạng nhu cầu. Dự kiến, trong năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm 1 nhà hàng tại TP Bắc Giang và 1 nhà hàng tại TP Bắc Ninh”, anh Dũng chia sẻ.
Về đêm, quanh các KCN như địa bàn xã Nội Hoàng (Yên Dũng); xã Quang Châu, Vân Trung, thị trấn Nếnh (cùng huyện Việt Yên) công nhân tập trung đông ăn uống, giải khát...
Được biết, hiện huyện Việt Yên có khoảng 70 nghìn công nhân đang trọ, nên thời gian gần đây, tại địa bàn có hàng trăm nhà hàng, quán ăn, giải khát, tiệm tạp hóa, spa, cửa hàng tự chọn mọc lên. Tuy nhiên, hầu hết các loại hình dịch vụ này đều tự phát. Do đó, công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh ATTP, an ninh trật tự còn nhiều bất cập. Cùng đó, việc thiếu các sân chơi thể thao, sinh hoạt cộng đồng; các quán karaoke, quầy bar đóng cửa vì không đủ điều kiện hoạt động khiến người lao động trong các khu, CCN thiếu nơi sinh hoạt.
Cũng vì lý do ngoại ngữ, vệ sinh ATTP mà rất nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện ích tại các địa phương ven các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khách hàng là lao động trong nước. Đa phần người lao động, chuyên gia nước ngoài đều về Bắc Ninh, Hà Nội (số ít về TP Bắc Giang) để ở và sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí.
Hỗ trợ, thu hút đầu tư TMDV
Hiện có khoảng 80 nghìn công nhân đang ở trọ tại các địa phương ven KCN như: Song Khê (TP Bắc Giang), Nội Hoàng (Yên Dũng) và Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 23 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,27 nghìn tỷ đồng. |
Toàn tỉnh hiện có hơn 80 nghìn công nhân đang ở trọ tại các địa phương ven KCN như: Song Khê (TP Bắc Giang), Nội Hoàng (Yên Dũng), Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Một số ít chuyên gia, người lao động nước ngoài ở tại khách sạn hoặc khu dịch vụ trong các KCN Đình Trám và Vân Trung. Tuy lượng công nhân đông nhưng hạ tầng TMDV trên địa bàn các địa phương nêu trên còn nhiều hạn chế. Ở đây, chủ yếu là chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc và các cửa hàng, dịch vụ làm đẹp, tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tại nhà, không có các siêu thị, nhà hàng, khu chơi thể thao được đầu tư bài bản, quy mô. Khắc phục điểm yếu này, hiện huyện Việt Yên đang thu hút đầu tư và xây dựng thêm chợ Núi Hiểu, chợ Nếnh mới, nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, theo quy hoạch, mỗi KCN đều có một khu đất hành chính dịch vụ (tương ứng từ 1-2% diện tích đất công nghiệp) để thu hút đầu tư xây dựng dịch vụ phục vụ người lao động. Dù vậy, hiện trong 5 KCN của tỉnh đang hoạt động, chỉ có Công ty TNHH Fugiang xây dựng 1 nhà hàng phục vụ ăn uống, giải khát… tại KCN Vân Trung. Nguyên nhân là do người lao động không ở lại trong các KCN sau khi hết giờ làm việc, bởi trong các KCN chưa có nhà ở, do đó họ không có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong KCN.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 23 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,27 nghìn tỷ đồng. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt, mua sắm, văn hóa, giải trí, thể thao của công nhân cũng như của các chuyên gia nước ngoài đến Bắc Giang. Các dự án tập trung ở TP Bắc Giang, những huyện phát triển nhiều KCN như: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang. Tuy vậy, các dự án liên quan TMDV vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, làm thủ tục thuê đất.
Khắc phục tình trạng TMDV chưa đáp ứng nhu cầu người lao động tại các KCN, gần đây, tỉnh đã thu hút đầu tư một số dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn để hỗ trợ và “giữ chân” người lao động làm việc tại các khu, CCN. Đặc biệt, tỉnh còn triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm, giai đoạn 2021-2030. Đề án sẽ là “cú hích”, hỗ trợ cho đầu tư phát triển TMDV về đêm tại Bắc Giang, nhất là ven các KCN.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp đưa ra giải pháp về quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển dịch vụ phục vụ công nhân, chuyên gia làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ, đặc biệt là kinh tế ban đêm, trong đó khuyến khích phát triển nhiều hoạt động mới, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, bán lẻ, ẩm thực, du lịch… thúc đẩy dịch vụ công cộng và tối ưu hóa sử dụng dịch vụ công cộng phục vụ công nhân, lao động nước ngoài ven các KCN.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)