Phát triển cơ sở mầm non tư thục: Khuyến khích đi đôi với quản lý chặt
Nhiều cơ sở chưa bảo đảm
Bắc Giang là tỉnh dân số đông, có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút công nhân lao động sinh sống, làm việc và gửi trẻ. Mặc dù được cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đầu tư song nhiều trường mầm non công lập vẫn quá tải. Trước bối cảnh đó, tỉnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non giúp giảm áp lực cơ sở vật chất cho hệ thống trường công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân và giúp họ có điều kiện lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh có 232 trường mầm non công lập; 20 trường mầm non tư thục và gần 300 cơ sở mầm non độc lập tư thục hoạt động, thu hút 15,3 nghìn trẻ theo học, chiếm tỷ lệ 12,6% so với tổng trẻ em ra lớp trong toàn tỉnh.Theo quy định, trước khi thành lập, các cơ sở làm hồ sơ và được Phòng GD&ĐT cấp huyện thẩm định, nếu đủ điều kiện mới cấp phép. Tuy vậy, quá trình hoạt động, nhiều cơ sở nhận trông trẻ với số lượng vượt mức dẫn đến thiếu giáo viên, không bảo đảm không gian, diện tích lớp học, thiếu đồ dùng học tập, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên kiểm tra hoạt động của nhóm trẻ Happy kids, xã Hồng Thái. |
Đến Cơ sở mầm non tư thục Mùa Xuân, ở thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) xin học cho con, một phụ huynh phản ánh các lớp đều quá đông song giáo viên vẫn sẵn sàng nhận thêm trẻ vào lớp. Quan sát cho thấy lớp học vốn là nhà ở trước đây được cải tạo công năng, mọi hoạt động học tập, ăn ngủ của trẻ diễn ra trong không gian chật hẹp. Tầng 1 có 2 lớp nhưng chỉ có một nhà vệ sinh rất nhỏ. Kế bên là bếp chế biến thức ăn chật chội, không theo tiêu chuẩn một chiều.
Huyện Việt Yên có 9 trường mầm non và 40 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục với 562 nhóm lớp. Theo Thông tư số 52/2020/TT - BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường mầm non, đối với nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi bố trí tối đa là 20 trẻ/nhóm; từ 25-36 tháng tuổi bố trí không quá 25 trẻ/nhóm.
Tuy nhiên, ngày 8/3, đến Cơ sở mầm non tư thục An Khánh, thị trấn Bích Động hầu hết các nhóm lớp đều đông hơn quy định. Ông Nguyễn Văn Khánh, chủ cơ sở cho biết: “Cơ sở thành lập năm 2016, quy mô ban đầu chỉ tiếp nhận 40 trẻ. Những năm sau số trẻ được gửi đến tăng cao, chúng tôi phải tăng thêm nhân lực quản lý và giáo viên đứng lớp. Tại đây hiện có 110 trẻ có hồ sơ quản lý. Chúng tôi muốn xây dựng trường mầm non quy mô lớn hơn song thiếu quỹ đất và kinh phí”.
Tại xã Hồng Thái, trước năm 2022 có 3 nhóm trẻ độc lập tư thục hoạt động, phần lớn là con công nhân lao động. Tuy nhiên, nhóm mầm non tư thục ở thôn Như Thiết do không bảo đảm điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất đã dừng hoạt động. Hiện Trường Mầm non xã Hồng Thái (đơn vị quản lý về chuyên môn) đã làm hồ sơ kiến nghị Phòng GD&ĐT, UBND xã xóa tên cơ sở này.
Từ tháng 2/2023 đến nay, Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại một số địa phương; trong đó chú trọng kiểm tra điều kiện hoạt động. Qua kiểm tra, một số đơn vị thiếu hồ sơ, sổ sách hành chính sơ sài; nhiều lớp có số học sinh quá đông, thiếu đồ chơi, đồ dùng học tập; chưa xây dựng thực đơn bảo đảm chế độ khẩu phần ăn cho trẻ hằng ngày.
Kiên quyết đóng cửa cơ sở không đủ điều kiện
Sự phát triển của mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập đã giúp giảm áp lực về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Tuy nhiên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi về giáo viên, địa điểm. Cán bộ văn hóa UBND các xã, thị trấn được giao phụ trách kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non độc lập tư thục trên địa bàn song do phải kiêm nhiệm nhiều việc, không có chuyên môn về giáo dục mầm non nên chưa phát huy tốt vai trò.
Tại Công văn số 932/UBND-KGVX về tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non độc lập , Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND huyện, TP chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các nhóm trẻ tự phát, không phép hoạt động; để xảy ra bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc quyền quản lý. |
Ngay huyện Việt Yên là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, số cơ sở mầm non độc lập tư thục nhiều nhất tỉnh song hiện nay, Phòng GD&ĐT huyện cũng không có cán bộ chuyên trách bậc mầm non nên khó sát sao quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nhân lực quản lý bậc mầm non ở cấp sở và cấp phòng GD&ĐT hiện đều thiếu. UBND cấp xã chưa làm hết trách nhiệm quản lý đối với cơ sở mầm non độc lập tư thục, vẫn coi đó là nhiệm vụ của ngành giáo dục.
Những ngày qua, dư luận cả nước lo ngại và bức xúc khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục. Đặc biệt là vụ bạo hành trẻ để lại hậu quả nghiêm trọng tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội). 2 bảo mẫu đã nhiều lần đánh khiến một bé trai 17 tháng tuổi bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Vụ việc chưa lắng xuống thì một phụ huynh ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) tố cáo cô giáo có hành vi bạo hành gây thương tích khiến con anh hoảng loạn, sợ hãi. Tại tỉnh Bắc Giang, cách đây vài năm từng xảy ra một số trường hợp trẻ bị thương tích trên lớp do giáo viên mầm non thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, chăm sóc trẻ.
Trước tình trạng trên, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, giải pháp căn cơ, cốt yếu để bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non là cần tăng cường vai trò quản lý của chính quyền địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và giáo viên đứng lớp. Nâng cao đạo đức nhà giáo, ý thức chấp hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, TP thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đủ điều kiện.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc (0)