Phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 138/CP, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì.
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh chủ trì.
Năm 2023, cả nước xảy ra hơn 58 nghìn vụ tội phạm về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với năm 2022. Nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản gia tăng, nhất là lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại trên diện rộng.
Nhóm tội phạm có nguyên nhân xã hội diễn biến phức tạp hơn. Nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài với các hành vi chủ yếu là mua bán, lừa đảo người Việt Nam ra nước ngoài và cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng; người nước ngoài vào Việt Nam trộm cắp tài sản, tổ chức đánh bạc.
Lực lượng công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện phương án chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; kịp thời nhận diện, giải quyết những vấn đề phức tạp. Trong năm 2023 đã điều tra, khám phá gần 45 nghìn vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 77,01% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 2,01%); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%; triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 147 nghìn vụ vi phạm (tăng 4,95% so với năm trước). Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 14.570 tỷ đồng; khởi tố 616 vụ và 724 đối tượng.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân; đưa ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các bộ, ngành, tỉnh, TP.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương kết quả BCĐ 138/CP, BCĐ 389 các cấp đạt được năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh, các đối tượng phạm tội ngày càng manh động, đặc biệt là tội phạm ma túy, cướp tài sản, lợi dụng không gian mạng... Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục gia tăng, tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân, gia đình.
Trước tình hình đó, đồng chí đề nghị trong năm 2024, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần tập trung rà soát hành lang pháp lý để kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc thay thế những văn bản không còn phù hợp, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong công tác phối hợp.
Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, kết hợp với đẩy mạnh đấu tranh, phòng ngừa, kiên quyết xử lý vi phạm. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thường xuyên đổi mới phương pháp đấu tranh, cách làm vì tội phạm cũng tìm cách hoạt động tinh vi hơn. Triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình, địa bàn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân, bảo đảm yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tin, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)