Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực
Các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Tại điểm cầu cấp huyện, xã có các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban, ngành liên quan; toàn thể cán bộ, công chức cấp xã.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, chúng ta vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong rất nhiều năm trở lại đây khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phải gồng mình, căng sức thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng: Tập trung kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; nỗ lực duy trì sản xuất, hỗ trợ nhân dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu khai mạc hội nghị. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, hội nghị tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp tháo gỡ; trong đó đi sâu vào 5 nhóm vấn đề nóng hiện nay, đó là: Công tác thu gom, xử lý rác thải, môi trường ở địa phương; tình hình xử lý vi phạm đất đai; thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH; công tác bảo đảm an ninh, trật tự và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,5%
Trình bày báo cáo kết quả công tác 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2021 và thời gian tới, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nêu rõ, mặc dù KT-XH của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Chín tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn ước đạt 5,5% (6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,3%). Trong đó, công nghiệp- xây dựng tăng 6,6%; dịch vụ tăng 2,87%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,1%.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 207.445 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ, đạt 60,9% so với kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, trong đó 8 tháng đầu năm kết quả thu hút đầu tư FDI của tỉnh đứng thứ 7 trong cả nước.
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm đẩy mạnh. Hiện có thêm 4 xã đạt chuẩn; TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM theo quy định.
Thu ngân sách đạt kết quả khá; tổng thu ngân sách nội địa 9 tháng đạt 9.397 tỷ đồng, tăng 57,5% cùng kỳ, vượt 5,2% dự toán, trong đó có 7/16 khoản thu vượt dự toán.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng trình bày báo cáo kết quả công tác 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. |
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết vấn đề lao động, chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân, quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác nội chính, quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững.
Về công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác của Đảng. Trong đó, quan tâm đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc nhằm tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo và truyền cảm hứng, sự nêu gương, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.
6 nhóm vấn đề giải quyết chậm, chất lượng hạn chế
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn một số hạn chế. Kết quả xử lý vi phạm đất đai theo Chỉ thị 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (Chỉ thị 19) chưa đạt yêu cầu, trong khi vi phạm cũ chưa được xử lý thì vi phạm mới vẫn phát sinh, song chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý chưa nghiêm.
Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của một số địa phương còn hạn chế, chất lượng thấp; tình hình an ninh, trật tự trên một số mặt còn tiềm ẩn phức tạp. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chậm chuyển biến. Công tác dân vận khéo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả hạn chế; thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn khó khăn, kết quả chưa cao.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biếu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu nêu. |
Tại hội nghị, đã có 34 ý kiến đại diện các địa phương tham gia thảo luận, tập trung làm rõ những khó khăn, tồn tại liên quan đến công tác xử lý vi phạm về quản lý đất đai theo Chỉ thị 19 và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của BTV Tỉnh ủy về huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường.
Các đại biểu đề nghị ngành chức năng tỉnh sớm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương theo từng nhóm vi phạm; có mẫu biểu, hồ sơ xử lý những trường hợp vi phạm để thống nhất thực hiện. Nhiều đại biểu cũng nêu những bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, trên địa bàn có dự án xây dựng thực hiện việc đền bù GPMB theo cơ chế nhà nước thu hồi đất; có dự án theo cơ chế doanh nghiệp - chủ đầu tư thỏa thuận với dân. Trong khi đó, mức chi tiền đền bù GPMB do nhà nước thu hồi thường thấp hơn nhiều so với dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận. Điều này khiến người dân so bì, gây khó khăn cho công tác GPMB nói chung trên địa bàn huyện.
Ông Lưu Quang Sơn, Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đề nghị, khi phê duyệt các dự án khu dân cư, khu đô thị mới cần quan tâm đến tỷ lệ dành cho cây xanh, khu vui chơi giải trí phù hợp; chọn lựa công nghệ xử lý rác thải, nước thải tiên tiến, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhiều đại biểu cũng nêu kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn; việc hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, xây dựng NTM; bố trí cán bộ dôi dư ở cấp xã sau khi sắp xếp tổ chức theo quy định; công tác kết nạp đảng viên mới ở khu vực nông thôn; việc giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo và hoạt động của tổ Covid cộng đồng trong tình hình mới…
Tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Tại hội nghị, đại diện một số ngành của tỉnh đã phân tích, làm rõ những kiến nghị, đề xuất của các huyện, TP và các xã, phường, thị trấn. Ông Đào Duy Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chưa triệt để. Còn 12,4% rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom; có 48/192 hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường đã thành lập nhưng chưa hoạt động; nhiều xã chưa bố trí được bãi rác tập trung của xã theo yêu cầu. Về việc thực hiện Chỉ thị số 19 của Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp ngành liên quan xây dựng hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm. Trong tháng 10 tới đây, Sở sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn cấp xã triển khai thực hiện theo phương châm "cầm tay chỉ việc".
Ông Đào Duy Trọng giải đáp một số vấn đề đại biểu nêu. |
Phát biểu làm rõ một số ý kiến đại biểu đã nêu, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai sẽ đụng chạm đến lịch sử quá trình sử dụng, quản lý của các cấp chính quyền trước đây. Vì vậy, đề nghị các huyện, TP, xã, phường, thị trấn cần rà soát kỹ để phân loại những trường hợp vi phạm, bảo đảm chặt chẽ, khách quan. Nguyên tắc trong việc xử lý vấn đề này là dễ làm trước, khó làm sau; làm cán bộ, đảng viên trước, quần chúng sau; bám sát tình hình thực tiễn.
Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái đánh giá cao những kết quả đạt được trên các mặt KT-XH, xây dựng Đảng, đoàn thể và công tác quốc phòng, an ninh của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng chí nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung cao nhất để tháo gỡ khó khăn, tận dụng thời cơ, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Trước hết, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, ưu tiên làm tốt công tác phòng dịch Covid-19. “Nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Vì thế, phải xây dựng thế trận lòng dân trong công tác này. Muốn vậy, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở rất quan trọng trong việc kiểm soát địa bàn, khai báo y tế kịp thời”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng chí Dương Văn Thái kết luận hội nghị. |
Cùng đó, tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực quan trọng, trong đó có công tác quản lý đất đai, GPMB, thu gom, xử lý rác thải. Tới đây, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong quản lý đất đai; có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Về quy hoạch đầu tư xây dựng, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn mới, bám sát thực tiễn, có sự sáng tạo; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “nói thật, làm thật”.
Đồng chí Dương Văn Thái cũng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm giúp đỡ những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện tốt công tác bình xét hộ nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định.
Quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội, tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)