Phá vải trồng cam, "bỏ vàng, nhặt đất"?
Thân vải thiều chất thành đống ở thôn Đồng Con 2, xã Tân Lập. |
Tìm cơ hội có thu nhập cao hơn
Đến thăm xã Hồng Giang, nơi đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới mang đặc trưng riêng vùng trọng điểm cây ăn quả của cả nước, chúng tôi cảm nhận rõ nét cuộc sống sung túc của người dân nhờ cây ăn quả mang lại. Tuy nhiên, trước đây, vườn đồi thuần sắc lá vải thiều, nay nhiều ruộng, vườn được phủ xanh bởi những loại cây có múi.
Gia đình chị Trần Thị Thật, thôn Kép có hơn 2 sào vải thiều trồng hơn 10 năm vừa được chặt bỏ thay thế bằng cây cam. Chẳng phải vì vụ này vải thiều không ra hoa mà mấy năm gần đây, cây cam ở Hồng Giang cho trái sai, được giá, thương nhân khắp nơi về tận vườn thu mua nên không những chị Thật mà nhiều hộ trong xã vội “bỏ vải theo cam”. “Vườn vải này hầu như năm nào cũng cho trái, có năm năng suất cao, được giá thu ngót hai chục triệu đồng. Cùng diện tích này, có nhà trồng cam vụ vừa rồi thu hơn bốn chục triệu đồng. Tôi chặt vải trồng cam hy vọng có thu nhập cao hơn”, chị Thật nói.
Chuyển vải trồng cam không còn là chuyện hiếm ở Hồng Giang khi xã chủ trương chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang cây ăn quả. Cùng đó, mấy năm qua, trên địa bàn xuất hiện một số tỷ phú từ cam khiến nhiều người hy vọng ở cây trồng này. Phong trào trồng cam, bưởi, quýt diễn ra mạnh mẽ. Nhiều hộ không những đưa cam xuống đất ruộng mà còn cải tạo vườn vải để trồng cam.
Một số hộ dân thôn Lường, xã Hồng Giang bỏ vải thiều, trồng xen nhiều loại cây để lựa chọn. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Đức Văn, từ năm 2013, toàn bộ 99,5 ha lúa được bà con thay thế bằng cây có múi, chủ yếu là cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi Diễn, chưa kể diện tích vải thiều chuyển đổi hàng chục ha. Trao đổi với cán bộ khuyến nông và lãnh đạo UBND xã, được biết mặc dù địa phương khuyến cáo không nên chuyển đổi ồ ạt nhưng bà con thấy lợi trước mắt đã tự làm, bởi “đất của gia đình thì tự mình quyết định”!.
Trước ở thôn Lường, nhà ít cũng vài chục cây vải thiều, toàn thôn có khoảng 60 ha nhưng nay "ngót" dần, chỉ còn hơn 20 ha. Cây có múi thu hút sự quan tâm của các hộ gia đình. Song cũng có người hoài nghi nên chỉ trồng xen cam trong vườn vải hoặc trồng ghép cam với bưởi, táo, quýt, mít Thái Lan. Họ lý giải, mấy năm sau, cây nào cho hiệu quả thì ưu tiên không phá bỏ!
Cây "vàng" đã có thương hiệu
Từng là Chủ tịch Hội Nông dân huyện, trước khi nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, ông Liêu Xuân Hòa có kinh nghiệm sản xuất cũng như tạo dựng thương hiệu để tiêu thụ trái cây đặc sản của Lục Ngạn. Vụ này, vườn vải của gia đình ông cũng như nhiều hộ khác ở thôn Bồng 1, xã Thanh Hải cũng chỉ lác đác vài cây ra hoa, còn lại phát lộc. Nhiều người trong xã nhân vải mất mùa đã chặt bỏ trồng cam. Ven đường liên xã, liên thôn, nhiều đống củi vải chất cao, có cây to hơn bắp cày.
Cánh đồng thôn Lường, xã Hồng Giang đã cơ bản được trồng cam, bưởi. |
Gần đây, có thông tin cho rằng bà con đốn vải bán cho một số doanh nghiệp làm than hoạt tính sử dụng trong công nghiệp vì giá cao. Thực tế không phải như vậy, thân, cành vải được thu mua với giá khoảng 1 nghìn đồng/kg, tính ra chỉ đủ tiền trả công chặt vải, dọn vườn trồng cam. Nguyên nhân sâu xa là cam được giá nên nhiều người đổ xô trồng loại cây này.
Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020 sẽ ổn định 28 - 30 nghìn ha vải thiều, có 2,8 nghìn ha cam, 2,5 nghìn ha bưởi. Do tăng trưởng nhanh, đến nay đã hoàn thành mục tiêu về diện tích cam, bưởi. Quan điểm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT là phát triển cây có múi theo quy hoạch để kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định đầu ra cho sản phẩm”. Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT |
Theo ông Liêu Xuân Hòa, cây vải - cây "vàng” đã gắn bó mấy chục năm với người dân Lục Ngạn, có vị ngọt, màu sắc đặc trưng không nơi nào có, dù vụ này thất thu do thời tiết ấm vẫn phải giữ vườn vải, “thua keo này bày keo khác”. Không thể năm nào cũng mất mùa, cũng chưa ai khẳng định được đưa cây cam vào hiệu quả có bền như cây vải? Nếu làm kinh tế mà chạy theo phong trào thì rủi ro rất lớn. Trước mắt, cây cam có thể hợp với đất Lục Ngạn nhưng về lâu dài, bệnh vàng lá từng hủy hoại cả vùng cam sành Bố Hạ (Yên Thế) nổi tiếng mà đến nay chưa có thuốc đặc trị vẫn là mối nguy hại lớn.
Hơn nữa, cam Lục Ngạn khó cạnh tranh được với sản phẩm đã có thương hiệu mạnh như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh (Nghệ An), cam sành Hàm Yên, Bắc Quang (Tuyên Quang), cam Canh (Hà Nội). Một tỷ phú trồng cam ở Hồng Giang còn khẳng định, cam chỉ thích hợp đất vàn cao, nếu dùng cây chiết chỉ mấy năm cho thu hoạch là phải thay thế, không dễ làm. Trong khi trái vải thiều Lục Ngạn ngày càng khẳng định thế mạnh, thậm chí còn thơm ngon hơn vải thiều Thanh Hà, quê hương của giống quả ngọt này.
Một vườn vải thiều ở xã Thanh Hải bị phá để trồng cam, bưởi. |
Hệ lụy khi phá vỡ quy hoạch
Trước thực trạng một số hộ dân chặt vải trồng cam, tăng nhanh diện tích cây có múi trên địa bàn Lục Ngạn, nhiều người lo ngại khi phát triển ồ ạt, cây có múi sẽ phải đối phó với nguy cơ dịch bệnh, chất lượng cây giống thấp, đầu ra gặp trở ngại. Hơn mười năm trước, cây vải thiều cũng trong tình trạng phát triển “nóng”, người dân từng vén rừng, rồi tôn tạo đất trũng để trồng vải, hệ quả là ở những diện tích có chất đất không phù hợp, vải thiều cho năng suất thấp. Cũng vì thế, Lục Ngạn đã quy hoạch vùng cây ăn quả, cơ cấu lại vùng trồng vải có chất lượng, ổn định năng suất, nâng cao chất lượng.
Thời kỳ đỉnh cao, toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 22 nghìn ha vải thiều, nay thu gọn chỉ còn 16,2 nghìn ha và người dân tiếp tục chuyển sang trồng cây có múi, nhất là cam. Không có năm nào người dân vùng “kinh đô vải thiều” rơi vào tình cảnh tỷ lệ vải ra hoa thấp như năm nay. Cũng chưa khi nào, phong trào trồng cây có múi ở Lục Ngạn nở rộ như hiện nay. Trong bối cảnh ấy, nhiều chuyên gia cảnh báo vòng luẩn quẩn "trồng chặt, chặt trồng" sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, sản xuất thiếu tính bền vững.
Hộ chị Trần Thị Thật, thôn Kép, xã Hồng Giang phá vải thiều trồng cam. |
Hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch là nhiều diện tích vải chất lượng tốt bị thu hẹp nhanh chóng, người dân giảm đầu tư thâm canh cho cây trồng này. Nếu việc chuyển đổi không được kiểm soát chặt chẽ, Lục Ngạn sẽ khó giữ được lợi thế sản xuất tập trung cũng như uy tín, thương hiệu của vải thiều.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cao Văn Hoàn, trước tình trạng tăng trưởng “nóng” cây có múi, huyện đang tập trung chỉ đạo chỉ chuyển đổi phần diện tích vải thiều không mang lại hiệu quả theo quy hoạch, tích cực tuyên truyền, vận động bà con không chặt vải thiều ở những nơi sản xuất vải chất lượng cao để trồng cam, bưởi, quýt. Vị lãnh đạo huyện này cũng thừa nhận, đây là việc làm không dễ!
Cao Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc (0)