PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng: Văn hóa khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc
Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; phòng văn hóa và thông tin; trung tâm văn hóa- thông tin và thể thao các huyện, TP cùng đông đảo công chức, viên chức, lao động các đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL Bắc Giang.
PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng truyền đạt nội dung chuyên đề.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943. Đây là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; đề cập toàn diện, sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng phân tích làm rõ ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.
Những giá trị cốt lõi của Đề cương được PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng phân tích, dẫn chứng, minh họa qua các thước phim tài liệu quý, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, những câu thơ, bài hát của các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng cùng những câu ca dao, Kiều, làn điệu dân ca quan họ tạo cảm xúc đối với người nghe.
Các đại biểu dự buổi nói chuyện chuyên đề.
|
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, sau khi ra đời chỉ hơn 2 năm, "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã thức tỉnh, thu hút toàn thể dân tộc, đặc biệt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để họ sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật tuyên truyền đường lối của Đảng, động viên, giác ngộ quần chúng nhân dân tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Văn hóa là thành lũy tinh thần của con người, là phần người trong mỗi chúng ta. Con người sẽ sống cao thượng hơn khi có văn hóa.
Kế thừa và phát triển "Đề cương về văn hóa Việt Nam", năm 1998, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; năm 2014, ban hành Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Nhờ đó, Việt Nam đã chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
80 năm kể từ khi ra đời, "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển. "Cho đến bây giờ, giá trị của Đề cương văn hóa vẫn còn mãi với thời gian. Dân tộc, khoa học, đại chúng là 3 trụ cột quan trọng của một nền văn hóa. Chúng ta phải tô đậm 3 giá trị này trong nền văn hóa Việt Nam đương đại", PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nói.
Thông qua buổi nói chuyện nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa, văn nghệ, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở nghiên cứu giá trị lịch sử, lý luận và thực tiễn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về văn hóa, lãnh đạo Sở VHTTDL đề nghị các đơn vị trong ngành vận dụng phù hợp với tình hình, điều kiện, yêu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đưa sự nghiệp văn hóa có bước phát triển mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)