Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật chèo
Mê say điệu chèo
Từng là diễn viên của Đoàn Chèo Hà Bắc, cán bộ Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lục Nam, sau khi nghỉ chế độ, bà Nguyễn Thị Sơn (60 tuổi) đứng ra thành lập CLB Chèo liên thôn Phương Lạn, xã Phương Sơn với 21 thành viên. Thành viên CLB người làm ruộng, kinh doanh, tiểu thương, người là cán bộ hưu.
Một tiết mục hát chèo của CLB Chèo liên thôn Phương Lạn, xã Phương Sơn (Lục Nam). |
Với vai trò “thuyền trưởng”, bà Sơn đã duy trì hoạt động của CLB đến nay được 6 năm. Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt từ 1-2 lần (chủ yếu vào buổi tối). Nhiều chị em dù bận rộn song vẫn dành thời gian tham gia sinh hoạt. Đơn cử, như chị Trịnh Thị Thái sáng mua, bán gà, tối vẫn đi hát; hay chị Nguyễn Thị Tiệc quanh năm bận đồng áng, nuôi bò nhưng hiếm khi nghỉ buổi nào; chị Trần Thị Ngọc Hân làm nghề trồng hoa, đại lý gạo song hát hay, múa đẹp, thường xuyên diễn vai chính.
Riêng bà Sơn vừa dạy hát, diễn xuất, dàn dựng hoạt cảnh, kiêm cả đánh trống. Nhờ kiên trì tập luyện, giờ đây, các thành viên CLB có thể tự tin biểu diễn một số vở, trích đoạn như: Tiếng trống chèo hội làng; Thắm mãi tình quê; Lý trưởng, mẹ Đốp; Anh Nô, Thị Màu…”, bà Sơn chia sẻ.
Tuy mới thành lập cách đây 4 tháng song CLB Chèo xã Nghĩa Phương đã thu hút 23 thành viên tham gia. Vào ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng, mọi người lại tổ chức ôn luyện tại nhà văn hóa thôn Ba Gò hoặc ở nhà một thành viên nào đó. Trước khi ra mắt, CLB đã được cán bộ Nhà hát Chèo Bắc Giang về giảng dạy gần 2 tháng. Không ít chị em ngày đầu còn chưa thuộc lời, lấy giọng đến nay có thể hát được nhiều bài chèo cổ như Đò đưa, Đường trường phải chiều, Đào liễu…
Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống, thời gian qua, cùng với việc bảo tồn các làn điệu dân ca, huyện Lục Nam quan tâm khôi phục, gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống. Đến nay, toàn huyện có 4 CLB chèo duy trì hoạt động thường xuyên với hơn 100 thành viên ở các xã: Bảo Sơn, Phương Sơn, Đông Hưng, Nghĩa Phương. Các CLB đều có quy chế hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều xã không có CLB chèo riêng song cũng lồng ghép sinh hoạt với các loại hình CLB văn nghệ khác.
Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Nam cho biết, nhằm khuyến khích phong trào hát chèo, đơn vị tham mưu UBND huyện hỗ trợ mỗi CLB khi thành lập 10 triệu đồng mua trang phục, nhạc cụ, loa đài… Cùng đó, hằng năm phối hợp với Nhà hát Chèo Bắc Giang mở các lớp tập huấn về hát, diễn chèo, mỗi đợt từ 7-10 ngày.
Giữ gìn di sản
Trích đoạn vở chèo "Chuyện nhà Bá Kiến" do CLB Chèo thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn biểu diễn. |
Nhờ duy trì hoạt động, các CLB chèo ở huyện Lục Nam đã trở thành sân chơi văn hóa bổ ích, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật chèo, tạo sự gắn kết tình cảm của người dân trong cộng đồng. Cũng bởi sức hấp dẫn của chèo, không ít CLB có từ 1-3 thành viên trong một gia đình cùng tham gia, trong đó phải kể đến CLB Chèo thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn.
Điển hình như bà Nguyễn Thị Liễu (67 tuổi) và con dâu rồi mẹ con bà Nguyễn Thị Sáng hiếm khi nghỉ buổi sinh hoạt nào. Đến nay, CLB đã thành lập được 20 năm với 23 thành viên, tuổi đời từ 30 đến 80.
Nhiều người tuy tuổi cao như, ông Bùi Công Uấn (78 tuổi), ông Nguyễn Văn Đa (67 tuổi), Chủ nhiệm CLB vừa là biên kịch, đạo diễn, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc, cầm trống…
Hay như ở CLB Chèo liên thôn Phương Lạn, xã Phương Sơn, bà Trương Thị Minh có chồng, con gái tuy bận công tác, học hành nhưng cũng là những hạt nhân nòng cốt tích cực. Ông Vũ Duy Khiên chia sẻ, trước kia, ông là công nhân ngành đường sắt, khi nghỉ hưu ông tham gia vào CLB chèo của địa phương.
Vợ ông-bà Nguyễn Thị Điền làm kinh doanh, một vài lần cùng chồng đi xem rồi đam mê và gia nhập CLB. “Nhiều hôm, vợ chồng tôi bận không có ai trông cháu, bỏ thì tiếc nên bế cả cháu đi tập. Có thời điểm, CLB phải dàn dựng các vở để đi thi, giao lưu, chúng tôi đóng cửa hàng tạp hóa để tham gia vào các vai diễn”, ông Khiên nói.
Vài năm gần đây, không ít CLB chèo trên địa bàn huyện tham gia, giao lưu và giành giải cao ở nhiều hội diễn, liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh. Lục Nam được đánh giá là một trong những huyện duy trì tốt phong trào hát chèo trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua nắm bắt, hiện lứa tuổi thanh niên tham gia vào các CLB còn rất ít, nhiều nhạc công, biên kịch đã cao tuổi nên việc tìm kiếm lớp kế cận trong tương lai gặp khó khăn.
Vì thế, chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp, thành lập thêm nhiều CLB, thu hút lớp trẻ tham gia. Mặt khác, tăng cường tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ để chèo có “sân chơi, đất diễn”, góp phần bảo tồn giá trị đặc sắc của di sản.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)