Nước Úc- Từ một góc nhìn về giáo dục
![]() |
Du học sinh nước ngoài tại Úc. |
Qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, nước Úc ngày nay trở thành một quốc gia giàu mạnh và văn minh. Đây là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nằm ở nhóm G20 gồm những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Úc được đánh giá là quốc gia thanh bình, là nơi đáng sống và điểm đến định cư của hàng trăm sắc tộc trên khắp hành tinh. Có thể kể về nhiều cái được của nước Úc. Nhưng từ một góc nhìn về giáo dục quốc gia cho chúng ta biết thêm về nhiều điều đáng phải suy ngẫm.
Nước Úc nhìn tổng thể là một quốc gia đa văn hóa. Có tới 170 ngôn ngữ khác nhau. Ở đây đất rất rộng nhưng người không đông (khoảng 2,8 người/km2). Với dân số chưa đến 25 triệu người, kinh tế phát triển, người dân được nhà nước chăm lo, bảo đảm về vật chất, tinh thần. Hệ thống giáo dục, liên thông các bậc học từ nhà trẻ, mẫu giáo, tới tiểu học, trung học, đại học bảo đảm trẻ em từ 3-5 tuổi đều có thể ra lớp đi học.
Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển, đầu tư cho nền giáo dục quốc gia. Nổi bật trong đó là đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, các điều kiện học tập và hơn cả là xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, năng lực và tâm huyết với nghề.
Ở Úc, việc tuyển chọn đầu vào cho các trường sư phạm, trước hết đó phải là những học sinh giỏi ở các cấp học, các em phải có đạo đức, lòng yêu nghề và tính nhân văn cao cả. Người được tuyển chọn không dễ dàng nhưng đó là điều kiện bắt buộc.
Khác với ở Việt Nam, đã từng có câu “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư phạm”. Và rồi sinh viên không vào được các trường tốp cao mới đành bước vào cổng trường sư phạm. Đó là một sự đối nghịch giữa hai nền giáo dục mà hiện nay Việt Nam vẫn chưa khắc phục được.
Trở lại câu chuyện này, sinh viên nước Úc sau 4 năm “dùi mài kinh sử” cùng các đợt thực tập và cuối cùng là đi thực tế 80 ngày ở các trường trong nước, thậm chí ra cả nước ngoài, khi đó mới đủ các điều kiện ra trường.
Truyền thống ở Úc cho thấy, nghề sư phạm được xã hội và người dân “tôn sư - trọng đạo”. Đây là một trong những ngành “hót” của đất nước, là niềm mơ ước của bao người.
Quả thật, qua khảo sát chỉ sau 4 tháng ra trường đã có hơn 90% thầy cô ở đây có việc làm ổn định. Lương bình quân của giáo viên khoảng 65 nghìn đô la Úc/ năm. Giảng viên đại học thu nhập cao nhất với 107 nghìn đô la Úc/ năm.
Theo công bố của tổ chức Hợp tác và phát triển của Liên Hợp quốc (OECD), Úc đang đứng thứ 4 thế giới về đãi ngộ dành cho nhà giáo và những người công tác trong lĩnh vực giáo dục.
Điều đó cho thấy trong tầng lớp tri thức, với người làm giáo dục tại quốc gia này có cuộc sống xứng đáng với tâm huyết, chất xám và trí tuệ của họ. Trong khi đó, ở Việt Nam, lương bình quân của một giáo viên có thâm niên 25 năm công tác được hưởng hơn chục triệu đồng/tháng - quả là khoảng cách còn khá xa.
Điều đó phần nào gây khó khăn cho giáo viên cả trong cuộc sống lẫn công việc mà đáng lẽ giáo viên phải là những người giỏi, cảm thấy tự hào nhất về bản thân và nghề nghiệp của mình, nhưng dường như ở nước ta thì điều này vẫn còn bất cập?
Chắc chúng ta cùng có suy nghĩ, trong khi ở nước Úc đào tạo giáo viên là công việc cấp thiết của cả đất nước (vì đây chính là những người dẫn dắt cả nền giáo dục cho thế hệ tương lai) thì chúng ta ở một góc độ nào đó vẫn coi nhẹ và chưa có căn cơ cho ngành sản xuất “máy cái” của ngành giáo dục.
![]() |
Thành phố Sydney. |
Có lẽ ai cũng biết Úc và các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… giáo dục đào tạo là ngành kinh doanh đem lại lợi ích không nhỏ. Trong khi đó họ lại có kinh nghiệm đào tạo và công nghệ giáo dục hàng trăm năm, nên bây giờ người Úc đang gặt hái thành công.
Theo số liệu thống kê, ở Úc hàng năm có khoảng 500 nghìn sinh viên nước ngoài (trong đó có rất nhiều sinh viên Việt Nam) cắp sách đến học và thu về 18 tỷ USD cho nước này. Ở đây chúng ta thấy trong cùng một vấn đề nhưng họ đã lựa chọn, đầu tư theo quyết sách dài lâu cho giáo dục để bây giờ “trồng cây đến ngày ăn quả”.
Nước Úc hiện có 38 trường công và 3 trường tư thục rải đều ở các bang, hằng năm đào tạo 130 nghìn giáo viên ra trường đều có công ăn, việc làm. Từ năm 1991 đến nay họ không mở thêm trường; chỉ nâng cấp cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại và đầu tư cho đội ngũ giảng dạy ở tất cả các cấp học (nhất là giảng viên đại học).
Cho đến bây giờ, nước Úc đã có 7/100 trường; đại học hàng đầu thế giới và là một trong 10 nước có nền giáo dục tiên tiến toàn cầu. Trong khi đó ở Việt Nam con số tương ứng là 114 cơ sở đào tạo (trong đó riêng bậc đại học là 6 trường) với hàng vạn thầy cô ra trường nhưng do cung vượt cầu vì vậy để tìm một chỗ đứng lớp còn rất khó khăn, thậm chí phải bỏ nghề.
Từ một góc nhìn về giáo dục nước Úc, cho chúng ta suy nghĩ về giáo dục của đất nước hiện nay và cả tương lai. Chúng ta không phủ nhận những thành tựu và kết quả của ngành giáo dục với những đóng góp to lớn trong việc đào tạo, dạy dỗ con người - những chủ nhân tương lai để hội nhập, vươn ra biển lớn.
Nhưng đằng sau những “mảy vàng lấp lánh” ấy, thẳng thắn nhìn lại điều mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa đối với ngành giáo dục của nước nhà vẫn là việc đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục cả về hoạch định chính sách, xây dựng đội ngũ, chế độ ưu đãi, điều kiện dạy và học… đồng thời là việc sắp xếp, sàng lọc các trường thiếu năng lực, chất lượng đào tạo kém để đầu tư chiều sâu hiệu quả hơn cho giáo dục. Có như vậy “sự nghiệp trồng người” mới có cơ hội tiếp tục đổi mới, phát triển và đóng góp xứng đáng cho đất nước.
Thế Dũng
Ý kiến bạn đọc (0)