Nỗ lực bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động
Cắt giảm nhân công, NLĐ gặp khó
Từng nhiều năm làm việc tại một DN may mặc thuộc Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, hơn 4 tháng nay, anh Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1984) ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) phải thôi việc. Anh cho biết: “Lãnh đạo Công ty thông báo thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự vì không có đơn hàng mới nên nhiều lao động trong đó có tôi thất nghiệp. Vì vậy cuộc sống khá khó khăn”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1980) ở thôn Giếng, xã Tiên Lục (Lạng Giang) cũng đang đôn đáo tìm việc làm do công ty cũ ở KCN Vân Trung cắt giảm lao động hơn hai tháng nay. Mong muốn tìm việc làm tại DN gần nhà để có thu nhập nhưng hầu hết DN tại địa bàn huyện không có nhu cầu tuyển dụng.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh nỗ lực tìm kiếm thị trường, đơn hàng nhằm duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ. Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG. |
Theo rà soát của cơ quan chức năng, năm nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 DN phải cắt, giảm nhân sự khiến gần 30 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Mặc dù gần đây, một số DN đã hồi phục; DN lớn trong KCN, hoạt động ở một số lĩnh vực tiếp tục có nhu cầu tuyển thêm lao động song vẫn còn nhiều DN khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Lư, xã Hợp Đức (Tân Yên) là công nhân một DN may trên địa bàn huyện cho biết: “Trước đây, tôi thường tăng ca đêm và ngày nghỉ, nhưng năm nay chỉ làm giờ hành chính. Vì vậy, thu nhập giảm chỉ còn khoảng 5 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng/tháng như trước”.
Theo đại diện một số DN, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới suy giảm khiến cho các DN giảm sút thị trường tiêu thụ, khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nhiều yếu tố tác động làm tăng chi phí sản xuất.
Cán bộ công đoàn Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang (LLG) nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống công nhân. |
Đại diện một DN ở KCN Quang Châu cho biết, những tháng gần đây, đơn vị phải sắp xếp lại dây chuyền hoạt động, cắt giảm công đoạn khiến một số công nhân tạm nghỉ việc. Thậm chí, đầu tháng 11, Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG, thị trấn Bích Động (Việt Yên) thông báo dừng sản xuất khiến 230 lao động phải nghỉ việc. Thời điểm đó, Công ty nợ người lao động gần 2 tháng lương; 8 tháng chưa đóng bảo hiểm xã hội.
Kịp thời hỗ trợ
Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, báo cáo tình hình DN bị cắt giảm đơn hàng, giảm lao động, giờ làm, tạm ngừng hoạt động, từ đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai các giải pháp hỗ trợ.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, mới đây, Sở có văn bản đề nghị Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Ban Quản lý các KCN, các huyện, TP giám sát DN trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN đối thoại, giải quyết kiến nghị của công nhân.
Công nhân mua hàng tại gian hàng ưu đãi ở KCN Quang Châu. |
Quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với NLĐ nói chung, nhất là lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, lao động ở xa phải thuê trọ. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ tư vấn, tìm việc làm cho lao động, kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho gần 23 nghìn lao động, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 8 đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 20 nghìn lao động.
Chia sẻ khó khăn với NLĐ, vừa qua, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức chương trình “Gian hàng dành cho công nhân lao động” có sự tham gia của 68 đơn vị, DN với 116 gian hàng ưu đãi và hàng nghìn phiếu mua hàng "0 đồng”. Từ đầu tháng 10 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã trao 370 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 10 nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, công nhân lao động; tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Những trường hợp phát sinh phức tạp về lao động, việc làm được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nắm bắt, hỗ trợ. Đơn cử như với vụ việc Cô̂ng ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG (gọi tắt là Công ty T.T.B) nợ lương và bảo hiểm xã hội của NLĐ. Qua nắm bắt, đơn vị này đang thực hiện hợp đồng gia công sản phẩm cho Công ty cổ phần Thời trang Vita (Bắc Ninh), Phòng LĐTBXH huyện vận động Công ty cổ phần Thời trang Vita ký hợp đồng làm việc với những lao động có nhu cầu và sử dụng khoản tiền thuê gia công lô hàng chi trả lương còn nợ; kết nối với các DN giới thiệu việc làm. Nhờ đó, hiện 100% NLĐ của Công ty T.T.B được Công ty cổ phần Thời trang Vita thanh toán phần lương tháng còn thiếu và hầu hết công nhân Công ty T.T.B đã có việc làm mới.
Dịp cuối năm, ngành LĐTBXH Bắc Giang chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới hình thức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo từng nhóm nguyên nhân khó khăn về nhập khẩu, vận chuyển nguyên vật liệu, tiếp cận nguồn vốn vay... Đối với những lao động bị mất việc, giảm việc làm, các đơn vị liên quan tư vấn, hỗ trợ lao động đáp ứng điều kiện để cung ứng ngay cho DN thiếu nhân lực. Động viên các DN cân đối kinh phí, bố trí lương cũng như khoản thưởng Tết cho NLĐ; tiếp tục tổ chức các gian hàng ưu đãi, giảm giá, hỗ trợ người thuê trọ, tổ chức chuyến xe “0 đồng” tạo điều kiện cho NLĐ tỉnh xa về quê đón Tết.
Lệ Thanh - Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)