Niềm hạnh phúc
- Bà nó ơi, ra mà xem này, nay gà nhà mình đẻ nhiều trứng lắm! Trong bếp, bà Thoa đang lúi húi bỏ thêm mấy cành củi khô đun ấm nước cho nhanh sôi để pha trà, nghe chồng gọi, liền đon đả bước ra. Mắt hấp háy, miệng móm mém nhai trầu, bà nở nụ cười, để lộ hàm răng đã rụng đi vài chiếc, hỏi:
- Nhiều là bao nhiêu? Có hơn hôm qua không ông?
- Hơn chứ! Tôi đếm rồi. Cả thảy là chục quả.
- Tôi tính, số trứng này dành biếu ông Nguyên. Mấy bữa nay ông ấy đau nằm một chỗ. Nghe cái Liên, con dâu ông Nguyên bảo, ông ấy chả cơm nước gì được, chỉ húp được vài muỗng cháo thôi. Mình biếu chục trứng gà để ông ấy tẩm bổ, được không ông?
- Ừ. Bà không nhắc thì tôi quên. Thế để tôi đem sang, tiện thể thăm ông ấy luôn. Sắp tới, hội cựu chiến binh của xã đã lên kế hoạch tổ chức cho các anh em thương binh, bệnh binh, đảng viên hưu trí họp mặt. Mấy hôm trước, chúng tôi còn hào hứng hẹn nhau. Hy vọng là ông ấy nhanh khỏe lại. Ông Thường nói, giọng vừa phấn chấn vừa lo lắng.
- Phải đấy. Các ông từng là bạn chiến đấu, có với nhau biết bao là kỷ niệm. Làm sao có thể quên một thời kỳ oanh liệt trên chiến trường. Còn khỏe ngày nào thì còn gặp, còn vui ngày ấy. Ông Thường nghe vợ nói, khẽ gật đầu. Bao ký ức bỗng dồn về khiến ông thấy rưng rưng, xúc động. Ông cẩn thận để chục trứng gà vào cái túi vải nhỏ rồi thủng thẳng bước đi.
- Ông Nguyên ơi, đã khỏe nhiều chưa?
Minh họa : Đinh Hương |
- Ông Thường đấy à? Vào đây! Mấy bữa nay đầu tôi choáng váng, quay cuồng. Ở chỗ có mảnh đạn còn găm bên trong ấy, nhức lắm. Rồi thì một bên mắt này nữa. Nhìn thứ gì cũng vương vướng, mờ mờ. Ông Nguyên vừa nói vừa chỉ vào mắt trái đã bị chột của mình. Từ giường, ông uể oải đứng dậy bước ra cái bàn gỗ đặt cạnh cửa sổ nhìn ra vườn để tiếp chuyện người bạn già của mình.
- Đây, bà nhà tôi bảo đem sang biếu ông chục trứng gà. Để đấy, cái Liên nó nấu cháo cho ông ăn. Chóng khỏe để mình còn tham gia gặp mặt trong ngày thành lập Đảng sắp tới chứ. Hôm qua, ông Thắng ở làng bên có điện thoại cho tôi. Ông ấy cũng chộn rộn chờ ngày vui ấy như mình ông à. Mình tập trung họp mặt rồi cùng đi viếng mộ mấy anh em đã khuất luôn.
- Ông nói phải. Ở cái tuổi gần đất xa trời như chúng ta, chẳng biết khi nào ông trời gọi đi. Khỏe được ngày nào mình trân trọng và sống ý nghĩa ngày ấy. Hôm nay, tôi thấy khỏe ra nhiều rồi. Giọng ông Nguyên nhẹ nhõm. Ông pha trà, rót nước mời bạn, rồi lại thủ thỉ:
-Ấy, dịp này, đài phát thanh toàn nói chuyện lịch sử. Nhờ đó mà mình như được sống lại với những năm tháng xưa hào hùng ông à.
Hôm nay, gia đình ông Thường tổ chức một bữa cơm có đầy đủ con cháu trên phố về. Ông bà mời cả ông Nguyên sang chung vui. Nghĩ đến những năm tháng chiến tranh gian khổ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nghĩ đến cuộc sống yên vui trong thời bình, ông Thường và ông Nguyên nắm chặt tay nhau nở nụ cười thật tươi, lòng ngập tràn một niềm hạnh phúc. Họ mãi bên nhau, là những người đồng đội. |
Như được khơi gợi, ông Thường thấy vui vẻ. Ông Thường nhìn ông Nguyên, cả hai mỉm cười. Rồi họ cùng nhau nhắc về những kỷ niệm cũ. Ông Thường và ông Nguyên vốn là bạn thân từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ. Cùng mang trong lòng tình yêu nước mãnh liệt và lòng căm thù giặc sục sôi. Cả hai viết đơn xin nhập ngũ cùng ngày.
Họ lại cùng đơn vị và cùng chiến đấu trên một mặt trận. Suốt những năm tháng trên chiến trường chống Mỹ, cả hai đã lập được nhiều chiến công trong việc tiêu hao lực lượng quân địch. Giữa chiến trường đì đùng tiếng súng, họ được đơn vị kết nạp vào Đảng. Giây phút đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, những người lính trẻ thấy thật thiêng liêng, tự hào. Lời thề kiên trung năm ấy hai ông luôn ghi nhớ. Những gian nan thời chiến, những khó khăn thời bình không làm họ nhụt chí.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả ông Thường và ông Nguyên trở về sống một cuộc đời bình lặng. Họ lập gia đình, sinh con. Rồi, chiến tranh biên giới nổ ra. Hai người đàn ông tuổi đã ngoài 30 ấy lại mang quân phục xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh biên giới kết thúc. Trong số những người may mắn trở về, có tên hai ông. Chỉ có điều, ông Thường bị cụt mất cánh tay phải đến cùi trỏ, chân trái bị đạn xẻ phải cưa bỏ hết cả bàn chân. Còn ông Nguyên thì hỏng mắt trái, trong đầu còn găm mảnh đạn, hễ khi trái gió trở trời là lại đau nhức.
- Hồi ấy, nếu không có thằng Kha, chắc bây giờ tôi cũng đã được mấy chục cái giỗ rồi. Tôi nhớ hôm ấy là trận đấu ác liệt, tôi bị trúng đạn, máu me loang lổ. Thằng Kha từ phía sau chạy tới, cõng tôi chạy tức tốc. Nó để tôi ở nơi an toàn rồi quay lại lấy khẩu súng. Có ai ngờ… nó bị trúng đạn, ngã gục ở chính cái chỗ đã cứu tôi. Ông Thường lặng đi bùi ngùi. Mắt ông rơm rớm khi kể về người đồng đội, cũng là ân nhân của mình. Ông Nguyên tiếp lời:
- Trong trận đánh cuối cùng, đầu tôi dính mảnh đạn, mắt trái loang lổ máu. May mà có đồng đội mình kịp đến, không cũng…
- Chiến tranh đi qua đã lâu lắm rồi. Thế mà thi thoảng, trong giấc mơ, tôi vẫn thấy mình cầm súng, cùng với ông rồi thằng Kha, thằng Thắng đứng bên nhau canh gác suốt cả đêm.
- Tôi thì hay mơ về những đêm mưa rừng, hiếm hoi những phút giây rảnh rỗi, cùng nhau kể chuyện vợ con, gia đình. Đứa nào cũng cười tít, đứa nào cũng ước mơ, cũng dự định. Rồi thi nhau đem ảnh vợ con, gia đình, người yêu ra khoe. Có đứa còn bảo, sau cuộc chiến này, về nhà sẽ xây lại ngôi nhà khang trang cho vợ con ở. Đứa bảo sẽ đẻ thêm thật nhiều con. Đứa bảo sẽ cưới vợ... Thế mà… cách chiến thắng có mấy ngày, nhiều đứa đành phải bỏ lại những ước mơ tốt đẹp ấy nơi chiến trường, mãi mãi không trở về với người thân, quê hương và bạn bè.
Câu chuyện thời chiến của hai người lính già cứ thế trôi đi bên những nhấp trà, tiếng thở dài, cái gật đầu, nghẹn ngào, im lặng… Những câu chuyện cũ như thế, thi thoảng vẫn được hai ông kể đi kể lại như mới diễn ra trong ngày hôm qua. Khi thì kể cho chính những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với nhau nghe, khi thì cho con cháu,…
Thế mà cảm xúc với cả ông Thường và ông Nguyên vẫn cứ vẹn nguyên như lần đầu kể lại. Những năm tháng vào sinh ra tử, cùng đồng đội “súng bên súng, đầu sát bên đầu” là ký ức tươi đẹp, thuần khiết của hai người lính già. Về với đời thường, họ vẫn gắn bó với nhau, chia ngọt sẻ bùi.
- Để tôi gội đầu cho ông! Bà Thoa, tay cầm cái gáo dừa múc từng gáo nước từ từ gội đầu cho chồng. Cánh tay phải bị cụt đến khuỷu của ông Thường tựa vào đầu gậy, đầu ông hơi cúi xuống để cho vợ gội. Hơn 40 năm nay, ông vẫn được vợ quan tâm, chăm sóc từ những điều giản đơn như thế.
Vợ chồng ông Thường bà Thoa sinh được hai người con. Một trai, một gái. Cả hai đều chọn thành phố làm nơi lập nghiệp và sinh sống. Đứa nào cũng đã có gia đình riêng, công việc ổn định. Đã rất nhiều lần, hai con động viên ông bà bán ngôi nhà đang ở để lên phố sống chung nhưng ông bà nhất quyết không đồng ý. Dẫu có tuổi, nhưng còn đi lại được, còn làm việc được, ông bà không muốn phiền hà đến con cháu.
Mảnh vườn nho nhỏ với mấy luống rau sạch, trước là để ăn, sau là bán, mua mắm muối, nữa thì đem cho xóm giềng. Thêm đàn gà hơn chục con, thi thoảng con cháu về có cái làm thịt rồi thì trứng gà để gây giống, khi thì biếu xóm giềng. Thế thôi cũng đủ khiến ông bà cảm thấy an vui, tự tại với cuộc sống hiện tại. Ông Thường tủm tỉm cười:
- Thế này là hạnh phúc nhất bà nhỉ? Bà Thoa móm mém nhìn chồng cười.
Hôm nay, gia đình ông Thường tổ chức một bữa cơm có đầy đủ con cháu trên phố về. Ông bà mời cả ông Nguyên sang chung vui. Nghĩ đến những năm tháng chiến tranh gian khổ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nghĩ đến cuộc sống yên vui trong thời bình, ông Thường và ông Nguyên nắm chặt tay nhau nở nụ cười thật tươi, lòng ngập tràn một niềm hạnh phúc. Họ mãi bên nhau, là những người đồng đội.
- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:
- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.
Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên
Ý kiến bạn đọc (0)