Những ngày đầu trong quân ngũ: Ấm áp tình đồng chí
Nỗ lực vượt khó
Có mặt tại Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, chúng tôi được hòa mình vào không khí học tập, huấn luyện sôi nổi của cán bộ, CSM nơi đây. Đầu giờ chiều, ở từng điểm tập, các cán bộ, chiến sĩ miệt mài thực hành nội dung huấn luyện. Nhìn những chàng trai trẻ mới ngày nào còn bỡ ngỡ trước những quy định của đơn vị nay đã chững chạc trong bộ quân phục mới chỉnh tề, tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn.
Lãnh đạo Trung đoàn 95 bám sát thao trường, hướng dẫn các đơn vị tổ chức huấn luyện bảo đảm chất lượng. |
Đưa chúng tôi tham quan thao trường, Trung tá Phạm Hồng Khương, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn cho biết, năm nay đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện gần 1 nghìn CSM đến từ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc; chất lượng nguồn cao hơn năm trước. Vì vậy, CSM hòa nhập rất nhanh, thuận lợi cho đơn vị trong công tác quản lý, giáo dục, huấn luyện”. Quan sát bài tập với những động tác cơ bản vận động trong chiến đấu, từng chiến sĩ tập trung cao độ cho bài tập, vầng trán lấm tấm mồ hôi.
Tại nơi ăn ở của CSM Tiểu đoàn 6, chúng tôi thấy chăn, màn được gấp vuông vắn, giày, dép sắp đặt gọn gàng. Theo đồng chí Nông Quốc Thượng, Chính trị viên Đại đội 11, ngày đầu xa nhà, các CSM phải học tập tác phong từ đi đứng, xưng hô, chào hỏi, chuyện trò, đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Đặc biệt, phải từ bỏ nhiều thói quen trước đây như xem điện thoại, thức khuya, ngủ "nướng"... Bằng tình cảm, trách nhiệm, các cán bộ đơn vị kiên trì tuyên truyền, nhắc nhở, giúp CSM sớm hòa nhập với môi trường quân ngũ, yên tâm, tích cực rèn luyện.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Lượng (SN 2000), Trung đội 9, Đại đội 11 (quê ở TP Bắc Giang) tâm sự: “Đang học năm thứ 4, Trường Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội) nhưng tôi đã xin bảo lưu kết quả và viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ban đầu chưa quen môi trường mới nên tôi phải nỗ lực để thích nghi với các chế độ ngày, tuần và các nội dung huấn luyện. Được cán bộ các cấp động viên, chỉ bảo tận tình, tôi đã hòa nhập với nền nếp của đơn vị”.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hồ Quyết Tiến, Chính ủy Trung đoàn 95 cho biết, ngay sau khi ổn định biên chế tổ chức, phúc tra sức khỏe, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác giáo dục chính trị, nắm chắc diễn biến tâm lý của CSM, từ đó có những biện pháp kịp thời để động viên, giáo dục, rèn luyện.
Cán bộ, chiến sĩ đều là anh em
Cùng với Trung đoàn 95, các đơn vị thuộc Sư đoàn 325 xác định huấn luyện CSM là nhiệm vụ rất quan trọng, đây là bước khởi đầu mang tính bản lề, tạo cơ sở hình thành kỹ năng quân sự, phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Đối với Trung đoàn 101, năm nay, đơn vị cũng tiếp nhận gần 1 nghìn CSM, trong đó có hơn 200 CSM ở tỉnh Bắc Giang.
Các hoạt văn hóa, văn nghệ trong giờ giải lao tại thao trường của chiến sĩ mới Trung đoàn 95. |
Với tinh thần “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”, ngay sau khi tiếp nhận chiến sĩ, đơn vị chỉ đạo cán bộ các cấp rà soát, nắm chắc chất lượng chính trị, hoàn cảnh gia đình của từng người. Đồng thời cán bộ phải tạo được hình ảnh thân thiết, gần gũi như người anh trong gia đình, thường xuyên sâu sát bộ đội; hướng dẫn từ những việc nhỏ nhất, giúp CSM quen dần với chế độ trong ngày, trong tuần.
Nhiều đồng chí còn chưa quen với giờ giấc, hoạt động đặc thù; nhiều đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt như đã có vợ con, có bố mẹ ly thân… Do đó, chỉ huy đơn vị thường xuyên bám nắm, động viên CSM an tâm tư tưởng công tác, thông qua các hoạt động như sinh hoạt tổ 3 người, gặp gỡ riêng, tạo điều kiện để CSM gọi điện thoại về gia đình.
Điển hình như chiến sĩ Ngô Quốc Khánh, Trung đội 11, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2 (quê ở huyện Sơn Động), có vợ đang mang thai 4 tháng. “Khi mới nhập ngũ vào đơn vị, tôi thấy nhớ gia đình rất nhiều. Tuy nhiên, tôi thường xuyên được cán bộ, chỉ huy các cấp, đặc biệt là đồng chí Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng động viên, quan tâm, giúp đỡ trong học tập, huấn luyện; hơn nữa buổi tối đã được chỉ huy Đại đội tạo điều kiện gọi điện thoại về hỏi thăm, động viên gia đình và vợ nên tôi cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Khánh chia sẻ.
Năm 2024, Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ huấn luyện hơn 2 nghìn CSM, trong đó có 300 người quê ở tỉnh Bắc Giang. Theo Đại tá Nguyễn Hải Ngư, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, để bảo đảm chất lượng huấn luyện CSM, các đơn vị đã kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, tổ chức biên chế khung huấn luyện. Đồng thời làm mới, sơn sửa gần 30 nghìn bia bảng, mô hình, học cụ và chuẩn bị tốt các thao trường, bãi tập huấn luyện. Bổ sung, củng cố các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ tốt đời sống tinh thần cho bộ đội trong quá trình học tập, rèn luyện và vui chơi giải trí vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Qua đó giúp CSM yên tâm, tích cực rèn luyện, giữ vững thành tích huấn luyện hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của đơn vị.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)