Những ngày “đánh giặc” Covid-19
Tác nghiệp - tác chiến
Trực tiếp có mặt giữa tâm dịch Việt Yên vào thời điểm nóng bỏng nhất - cuối tháng 5 năm 2021, nhà báo Trần Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang nhớ lại: “Tôi được Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch tỉnh phân công làm thành viên Tổ cứu trợ đời sống khẩn cấp công nhân trọ ở ven các khu công nghiệp của Việt Yên. Dịch bệnh bất ngờ ập đến, chưa ai có thể hình dung và chuẩn bị kịp cho tình huống này, trong khi đó hàng chục nghìn công nhân đang kẹt lại các khu nhà trọ cần lương thực, thực phẩm hằng ngày để yên tâm ở yên trong vùng phong tỏa, tránh di chuyển về quê làm tăng nguy cơ dịch bệnh ra các địa phương khác theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh”.
![]() |
Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp tại tâm dịch Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên), tháng 5/2021.
|
Công tác hỗ trợ ban đầu tại cơ sở còn nhiều lúng túng, nhân lực lại thiếu, bản thân anh vừa tham mưu với tổ đề xuất thành lập vừa trực tiếp tham gia tổ chức hướng dẫn, điều phối, duy trì hoạt động các siêu thị 0 đồng tại các thôn. Công việc vất vả, nhiều đêm thức trắng, cổ họng anh khản đặc, đau rát. “Không lẽ mình đã mắc Covid-19” - vì đau rát họng cũng là một trong các triệu chứng ban đầu của người nhiễm SARS-CoV-2. Anh không khỏi lo lắng vì nếu mắc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người thân, đồng nghiệp cơ quan và những người cùng tiếp xúc.
Sau những giờ phút mệt mỏi, căng thẳng vì công việc, nghỉ ngơi cho lại sức và ngồi vào bàn ăn, cảm nhận được mùi vị thức ăn bình thường như mọi ngày, lúc đó anh mới thở phào nhẹ nhõm (vì triệu chứng của người mắc Covid-19 là mất khứu giác, vị giác). Bận rộn và đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm như vậy nhưng ban ngày, anh vẫn có mặt tại cơ quan trực tiếp chỉ đạo tổ tuyên truyền phòng, chống dịch lên phương án “tác chiến” tin, bài cho báo điện tử hằng ngày, báo in ngày mai liên tục 2 tháng ròng cho đến khi dịch được kiểm soát trên địa bàn tỉnh.
Nghề nghiệp buộc nhà báo, phóng viên phải di chuyển liên tục, đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, càng điểm nóng, càng tâm dịch càng cần sự có mặt của nhà báo để ghi nhận, phản ánh, chuyển tải thông tin. Vì thế các phóng viên đối diện nguy cơ tiếp xúc, liên quan, thậm chí có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào.
|
Đồng hành, sát cánh để hỗ trợ lẫn nhau tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, mọi tâm dịch của tỉnh đều có mặt các cán bộ, phóng viên: Công Doanh, Minh Thu, Hoài Thu, Đỗ Quyên, Trịnh Lan, Hải Minh, Đỗ Thành Nam, Quang Ngọc, Văn Vĩnh… Thực hiện loạt tin, bài, ảnh, video clip các y bác sĩ đêm trắng lấy mẫu tầm soát diện rộng tại Khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu và các xóm trọ, các nhóm phóng viên Công Doanh - Minh Thu, Hải Minh - Văn Vĩnh sau khi được “Trung tâm chỉ huy” cơ quan "hạ lệnh" là lập tức lên đường. Ngay từ chập tối, nai nịt kín mít trong bộ đồ bảo hộ từ đầu đến chân, hoàn thành nhiệm vụ khi đêm muộn, trút bỏ bộ trang phục, thực hiện các biện pháp khử khuẩn rồi nhóm phóng viên lặng lẽ trở về cơ quan khi đường phố không một bóng người với cái bụng đói meo và cơ thể rã rời. Mồ hôi từ đầu đến chân, ướt rồi lại khô, lục tìm gói mỳ ăn liền trong tủ bác bảo vệ cơ quan ăn tạm. Giấc ngủ cũng chập chờn.
Không ai bảo ai, các kíp trực tại tòa soạn từ nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập - khi đó là thành viên BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh cho đến các trưởng phòng phóng viên, Thư ký tòa soạn Lê Thế Phương, Phó Thư ký Huy Nam, Thy Lan đêm đêm nửa thức nửa ngủ “canh” thông tin từ BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh và từ các “chiến trường”, đặc biệt là vùng phong tỏa Việt Yên. Các cuộc kiểm tra tình hình thực tế tại các huyện và khu công nghiệp, khu xóm trọ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Y tế, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các cuộc họp đột xuất của BCĐ tỉnh có thể được triệu tập bất cứ lúc nào, buổi tối kéo dài đến đêm muộn, ngày nghỉ, giữa buổi sáng, giữa hoặc buổi chiều tùy diễn biến tình hình dịch bệnh. Từ Việt Yên, Lạng Giang, một phần huyện Yên Dũng rồi lần lượt các huyện trừ TP Bắc Giang và huyện Sơn Động đều phải phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch. Nơi nào dịch bệnh nóng là phóng viên nhanh chóng có mặt ở nơi đó.
Xuất bản liên tục, thông suốt
Trong vai trò người đứng đầu, nhà báo Trịnh Văn Ánh - Tổng Biên tập Báo Bắc Giang chia sẻ: Nỗi lo lớn nhất lúc đó là vừa phải chỉ đạo tổ chức công tác tuyên truyền, thông tin về dịch bệnh kịp thời nhất, hiệu quả nhất vừa phải làm sao để bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của cơ quan, duy trì hoạt động tác nghiệp, xuất bản liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn vì dịch bệnh. Cơ quan quan tâm bố trí phương tiện hỗ trợ phóng viên đi tác nghiệp; trang bị bảo hộ, động viên, chăm lo đời sống, khuyến khích nhuận bút, thưởng cho các tác giả, tác phẩm chất lượng tốt, tác nghiệp trong vùng dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Báo Bắc Giang đã kết nối với các tập thể, cá nhân huy động các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thông qua Báo Bắc Giang có 130 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 385,2 triệu đồng, còn lại là hiện vật.
|
Giữa lúc "nước sôi, lửa bỏng" chống dịch căng thẳng và gian khổ ấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các huyện, TP vẫn phải gánh vác nhiệm vụ vô cùng quan trọng và nặng nề đó là lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm an toàn tuyệt đối và thành công; tiêu thụ vải thiều, duy trì các hoạt động KT-XH, khoanh vùng, kiểm soát, dập dịch nhanh nhất để bảo đảm an toàn sức khỏe, đời sống nhân dân; kêu gọi, vận động các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch của tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ý thức được trách nhiệm của mình, ở từng lĩnh vực được phân công phụ trách, mỗi cán bộ, phóng viên, từng phòng và cả cơ quan Báo Bắc Giang đã đoàn kết một lòng vừa phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ với nhau để tổ chức thực hiện các kế hoạch tuyên truyền phù hợp, kịp thời và hiệu quả nhất.
Ba lần bị dán giấy cách ly ở cửa
Nghề nghiệp buộc nhà báo, phóng viên phải di chuyển liên tục, đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, càng điểm nóng, càng tâm dịch càng cần sự có mặt để ghi nhận, phản ánh, chuyển tải thông tin. Vì thế các phóng viên đối diện nguy cơ tiếp xúc, liên quan, thậm chí có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào. Những ngày cao điểm, các phóng viên: Đỗ Quyên, Hoài Thu, Hải Minh, Trịnh Lan đã phải mang theo tư trang ăn nghỉ dài ngày tại cơ quan vừa để tập trung công sức, thời gian tác nghiệp, vừa phòng tránh những tình huống phát sinh không mong muốn cho người thân ở nhà. Cũng vì lý do này, nhiều người khi phóng viên liên hệ đến làm việc lấy tư liệu thực hiện tác phẩm đã e ngại và từ chối khiến cho công việc của nhà báo thêm phần khó khăn.
Giữa cao điểm dịch bệnh, dù cố gắng chú ý phòng hộ vẫn có những cán bộ, phóng viên vì liên quan, tiếp xúc ca dương tính mà phải cách ly y tế hoặc ở trong vùng phong tỏa dài ngày theo quyết định của tỉnh. Hàng chục lượt cán bộ, phóng viên phải cách ly tại nhà, cách ly tập trung như nhà báo Thế Đại, Quốc Phương; thậm chí nhà báo Công Doanh đã 3 lần “được” phường dán “giấy đỏ chữ vàng” ở cửa nhà. Vậy nhưng tranh thủ mọi thời gian, các nhà báo vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cộng tác viên, cơ sở, đầu mối thông tin để hỗ trợ đồng nghiệp kịp thời và hiệu quả; đặc biệt là trong đợt cao điểm phòng, chống dịch và tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; nhờ vậy đã thực hiện được các tin, bài, hình ảnh về cuộc bầu cử đặc biệt gây xúc động trong công chúng cả nước.
Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc, với người làm báo Bắc Giang, nơi nào có dịch là lập tức lại lên đường.
Ý kiến bạn đọc (0)