Những lá đơn xin thoát nghèo: Làn gió mới từ Đồng Cốc
“Mình cần ý chí vươn lên”
Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái chuẩn bị cho một mùa thu hoạch. Bao năm rồi, sự sung túc, giàu có của người dân Lục Ngạn được nhân lên theo mỗi mùa vải thiều, cam, bưởi…Thế nhưng phía sau những biệt thự, nhà vườn lộng lẫy, bạt ngàn cây trái xanh tươi của hoa lá núi đồi, vẫn thấy trên vùng đất này những ngôi nhà tạm bợ không thể che nắng, khó che mưa.
Cán bộ thôn, xã thăm gia đình chị Lưu Thị Moi sau khi chị làm đơn xin thoát nghèo. |
Suốt 10 năm qua kể từ khi gia đình chuyển từ xã Phong Minh đến định cư ở thôn Tân Trung theo dự án di dân Trường bắn TB1, vợ chồng ông bà Nông Văn Òm- Vi Thị Ấm (cùng SN 1964) năm nào cũng có tên trong danh sách hộ nghèo của xã, đều đặn nhận trợ cấp của Nhà nước với đủ chế độ. “Nói thật với các cháu, cô có muốn nghèo đâu, là do chú bị bệnh tâm thần. Bao năm rồi đã không làm được gì thì chớ, đằng này thỉnh thoảng chú lại lên cơn đập hết tài sản; rồi tiền thuốc men, điều trị thường xuyên ở bệnh viện dưới tỉnh, tốn kém lắm. Được công nhận là hộ nghèo, cũng đỡ phần nào chi phí chữa bệnh”- bà Ấm nén nỗi buồn kể về người chồng.
Anh Đoàn Pháp Luật, cán bộ lao động thương binh và xã hội xã Đồng Cốc đi cùng tôi tiếp chuyện, phá tan bầu không khí đang chùng xuống: “Nhưng giờ đỡ nghèo nhiều rồi đó cô. Thế hai thằng con có hay gọi điện, gửi tiền về cho gia đình không?”. Nhắc đến hai đứa con trai áp út, đôi mắt bà Ấm sáng lên: "Có gửi chứ, gửi thì mới có tiền sinh hoạt, mới làm đơn xin thoát nghèo còn gì”. Ông bà Ấm sinh được 6 người, gia đình khó khăn nên các con đứa học cao nhất chỉ hết lớp 9. Hiện tại 4 con đã lập gia đình, còn hai đứa con trai (trong đó có một bộ đội xuất ngũ) cũng đi làm công nhân ở xa. “Tôi bảo chúng nó chịu khó đi làm ăn để có tiền còn cưới vợ. Chú bệnh tật cô mới phải chịu, chứ cô xấu hổ lắm, mình có sức khỏe, cũng chịu khó làm lụng mà sao phải thế. Được cán bộ xã phân tích giảng giải, cũng chục năm hưởng chế độ hộ nghèo rồi; lại xem trên ti vi thấy nhiều người còn khổ lắm, khổ hơn mình nhiều. Năm 2018, cô làm đơn xin thoát nghèo để gia đình còn có động lực phấn đấu. Chứ trường hợp gia đình cô thì xét kiểu gì cũng được hộ nghèo”- bà Ấm tiếp tục câu chuyện. Hiện tại, chỉ có hai vợ chồng sống trong ngôi nhà chừng 20m2, ngoài chăm sóc 3 sào vườn trồng vải thiều, bà nuôi gối thường xuyên 50 đôi chim bồ câu. Cứ 100.000 đồng/đôi, người ta vào tận nhà hỏi mua, bà Ấm cũng có nguồn thu nhập ổn định.
Lần theo địa chỉ trên lá đơn tự nguyện thoát nghèo gửi UBND xã, chúng tôi tìm đến thôn Ao Tán. Anh Chúng Toả Sáng, Trưởng thôn cho biết, thôn có 171 hộ, năm qua có 3 gia đình làm đơn xin thoát nghèo. Hiện tại còn chục hộ nữa, chúng tôi phấn đấu 3 năm nữa sẽ xóa hộ nghèo. Không còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bác bỏ suy nghĩ cho rằng “còn nghèo là còn lợi”, vợ chồng anh Vi Văn Vũ (SN 1990) và Hoàng Thị Kim Oanh (SN 1998) có một con gái 2 tuổi cũng tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. “Chúng em ở với bố mẹ chồng, mẹ em là Trần Thị Thanh (SN 1967) bị bệnh tim. 3 năm trước vợ chồng cũng có ý định xin ra khỏi hộ nghèo nhưng mẹ bảo để là hộ nghèo còn có bảo hiểm đi bệnh viện, chứ mẹ bệnh tật thế này, Nhà nước hỗ trợ được đồng nào thì đỡ khổ cho các con đồng ấy. Năm 2016 bố chồng em mất, cuối năm sau mẹ cũng qua đời. Ngay sau đó chúng em làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Nhớ lại những năm trước, xã gọi đi nhận quà Tết mà vợ chồng em đùn đẩy chả ai muốn ra. Xấu hổ lắm chị ơi, mình còn trẻ, quanh đây phu hồ cũng được 200.000 đồng ngày công. Trước chưa sinh con, em đi làm ván ép, đủ 26 công trong tháng cũng được trả 11 triệu đồng. Giờ thì chúng em luôn phấn đấu để có kinh tế; chồng lái xe chở hàng thuê ngoài thị trấn, em ở nhà chăm con nhỏ và làm 1 ha vườn đồi. Năm vừa rồi riêng thu từ bưởi cũng được hơn 30 triệu đồng”.
Vợ chồng vừa mới ra ở riêng chưa có thu nhập từ vườn đồi, hai con còn nhỏ, nhà cửa tạm bợ, thu nhập bấp bênh nên hộ anh chị Chủng Văn Năm (SN 1987) - Lưu Thị Moi (SN 1989) cũng thuộc diện hộ nghèo. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ oằn trên bờ vai của đôi vợ chồng. Năm ngoái gia đình được hỗ trợ 150 con gà, cộng với công việc làm đậu phụ, bán hàng thảo dược online; chồng cũng chịu khó làm ăn; vườn cam đường Canh, cam Vinh cũng đã cho lứa quả đầu tiên nên chị Moi đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, gia đình không được thụ hưởng từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhưng đó là động lực để mình phấn đấu”- chị Moi cho biết.
Chính quyền, người dân cùng nỗ lực
Chính sách hỗ trợ người nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận người nghèo lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên. Bởi vậy, việc 20 hộ dân xã Đồng Cốc (trong tổng số 96 trường hợp cả huyện Lục Ngạn) mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo đã thực sự tạo nên luồng gió mới cho nơi đây.
Những lá đơn xin được thoát nghèo của người dân gửi UBND xã Đồng Cốc. |
Theo ông Lưu Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã, sự thay đổi nhận thức và tư tưởng của người dân không tự nhiên có, đó là sự nỗ lực hành động của cả cấp ủy, chính quyền và người dân. Xã Đồng Cốc có 1.344 hộ sinh sống ở 13 thôn, 77% đồng bào là người dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, có năm, tỷ lệ hộ nghèo ở xã lên tới 75%, nằm trong tốp các xã nghèo nhất huyện. Tuy nhiên, Đồng Cốc đang có bước chuyển mạnh mẽ, năm 2018 xã giảm được 99 hộ nghèo so với năm 2017, hiện còn 7,37%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 26 triệu đồng.
Gần 10 năm là cán bộ lao động thương binh xã hội ở xã, anh Luật dường như hiểu rõ hơn ai hết hoàn cảnh, thân phận của từng hộ nghèo nơi đây. Khảo sát cho thấy, phần lớn hộ nghèo là do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật dẫn đến không có sự đầu tư cho cây trồng, vật nuôi dẫn đến chất lượng sản phẩm làm ra kém, thu nhập không cao. Mặt khác gia đình có người ốm đau bệnh tật, neo đơn cũng là trở ngại trên con đường giảm nghèo. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền khắc phục “bệnh ỷ lại” trong ý thức thoát nghèo của người dân, đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm thay đổi tập quán sản xuất bảo đảm kết quả giảm nghèo thực sự bền vững.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi, ưu tiên làm đường giao thông. Kể từ khi đổ bê tông, mở rộng hơn 8km đường ở một số thôn, không chỉ tạo điều kiện đi lại mà nông sản bà con làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi, được giá hơn. Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, xã quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Hiện nay bên cạnh việc duy trì sản xuất hơn 300 ha vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, nhân dân trong xã đã trồng được hơn 20 ha cây ăn quả có múi, như cam đường Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh... Xã cũng tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, có chính sách đối với các hộ thoát nghèo để mua phương tiện, cây, con giống, khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Sau khi viết đơn, các gia đình đều nỗ lực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay với quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Hy vọng những lá đơn thoát nghèo ở xã Đồng Cốc sẽ là làn gió đổi thay, hứa hẹn mang đến tương lai tươi sáng hơn trong công cuộc giảm nghèo ở địa phương nói riêng và cả huyện vùng núi Lục Ngạn nói chung.
Ý kiến bạn đọc (0)