Những kỷ niệm không quên
Ba lần cách ly vì Covid-19
(Phóng viên Công Doanh, Phòng Văn hóa xã hội)
Hôm ấy, tôi và phóng viên Minh Thu được phân công thực hiện bài, nhóm ảnh hoạt động của đoàn giáo viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân, công nhân trọ ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên). Nhiệm vụ đột xuất, chúng tôi không kịp ăn gì, vội chuẩn bị đồ nghề, quần áo bảo hộ lên đường. Khi đó Trung Đồng là một trong những thôn có nhiều F0, F1 nhất huyện Việt Yên.
![]() |
Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp tại chốt kiểm soát dịch thuộc xã Song Khê (TP Bắc Giang), tháng 6/2021. |
Hơn 20 giờ, đoàn xe chở hơn 200 tình nguyện viên tiến thẳng vào tâm dịch. Suốt hành trình, các tuyến đường vắng lặng, chỉ có xe cứu thương rú còi lao vun vút trên đường. Tôi hơi lo vì quần áo bảo hộ chưa thật an toàn, kính mũ chắn giọt bắn mờ, rất khó nhìn. Đó còn chưa kể nguy cơ virus bám lên bề mặt máy ảnh, bút, sổ ghi chép khi tác nghiệp... Đã vậy, đêm đó, trong thôn có đám hiếu, cảm giác tang tóc bao trùm.
Lúc này, hàng trăm người dân đã có mặt ở nhà văn hóa, sân đình, chùa để chờ lấy mẫu. Trong số họ, chẳng biết ai là F1, F2, thậm chí cả F0 bởi thời điểm đó số ca bệnh ở đây rất nhiều. Dù đã được nhân viên y tế nhắc nhở giữ khoảng cách khi lấy mẫu song nhiều người vẫn di chuyển, đứng ngồi tự do. Để có được bức ảnh ưng ý, tôi vừa chụp vừa chú ý giữ khoảng cách với những người xung quanh.
Sau hai tiếng ở tâm dịch, chúng tôi về đến cơ quan đã gần 12 giờ đêm. Bụng đói cồn cào, chúng tôi ăn tạm miếng hoa quả rồi lao vào viết bài để đăng tải kịp thời. Hoàn thành công việc, tôi ra về, lúc đó gần 1 giờ sáng. Hàng xóm, người thân đã ngủ say. Thay quần áo, tắm giặt xong, tôi trở về phòng riêng. Nhìn mảnh giấy nhỏ đặt bên cạnh đồ ăn tối có dòng chữ xinh xắn của con gái 7 tuổi: "Chắc bố đi làm về mệt lắm phải không ạ! Bố ăn tối, nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe nhé!. Con yêu bố nhiều!", lòng tôi nghẹn ngào, trào dâng cảm xúc.
Kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát, tôi đã phải cách ly ba đợt và nhiều lần tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Vì tôi ở chung với bố mẹ nên mỗi lần bác tổ trưởng tổ dân phố đưa quyết định cách ly và dán tờ giấy trước cửa với dòng chữ "nhà có người cách ly", bố mẹ tôi rất băn khoăn, lo lắng. Hơn nữa bố tôi tuổi cao, có nhiều bệnh nền, dẫu vậy tôi luôn động viên để người thân yên tâm, chia sẻ. Quá trình tác nghiệp, tôi thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và đồng nghiệp. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hằng ngày, chúng tôi tiếp tục bám sát tình hình phòng, chống dịch, đưa thông tin đến với bạn đọc.
Kết nối tấm lòng thiện nguyện
(Phóng viên Thu Phong, Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính)
Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi khi đi tác nghiệp ở xã Phương Sơn - địa phương xuất hiện ca nhiễm đầu tiên của huyện Lục Nam và phải cách ly cả xã. Hôm đó, ngồi ở phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, tôi vô tình biết một học sinh lớp 4 ở Hà Nội gửi lá thư viết tay rất ấn tượng. Thư có đoạn: “Quê ngoại con ở dốc Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Những ngày qua, con biết quê mình bị dịch bệnh Covid. Con đã suy nghĩ và xin phép bố mẹ con cho con sử dụng số tiền 5 triệu đồng để anh em con ủng hộ quê.
Mong đại dịch qua nhanh để con lại được về thăm quê và gặp người thân của mình”. Bức thư và số tiền, quà được mẹ của cháu mang về trao tại chốt kiểm dịch ở xã. Từ bức thư này, tôi liên hệ với gia đình của em học sinh để có bài viết biểu dương tấm lòng của cậu học trò nhỏ tuổi nhưng đã có những suy nghĩ, hành động rất người lớn.
Qua trò chuyện và tìm hiểu, tôi được biết mẹ em là một doanh nhân thành đạt, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp. Vậy là tôi ngỏ ý nhờ kết nối những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ tỉnh trong lúc khó khăn do dịch bệnh và mẹ học sinh này đã giúp tôi liên hệ với “Hội anh chị em yêu hoa lan Việt Nam”.
Tôi trao đổi qua điện thoại với Trưởng nhóm yêu hoa lan, thông tin về tình hình dịch bệnh ở tỉnh. Vậy là từ số tiền đấu giá những giống hoa lan quý và hội viên ủng hộ, mấy hôm sau, đại diện Hội trực tiếp đến Ủy ban MTTQ tỉnh ủng hộ 3 tỷ đồng. Tại đây, được nghe lãnh đạo tỉnh thông tin về tình hình dịch bệnh, nhất là trong các khu công nghiệp, thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội tiếp tục ủng hộ tỉnh nhiều tỷ đồng nữa.
Trong những thời điểm cấp thiết nhất của cuộc chiến chống dịch, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ của phóng viên, được làm cầu nối kết nối những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện, giúp ích được một phần cho xã hội, giúp đỡ người khó khăn, tôi cảm thấy thật hạnh phúc.
Trưởng thành hơn qua gian khó
(Phóng viên Việt Anh, Phòng Văn hóa xã hội)
13 năm làm nghề nhưng có lẽ gần hai năm chống dịch Covid-19 vừa qua là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Khó khăn bởi dịch bệnh nguy hiểm, khó lường, dễ lây nhiễm trong khi bản thân tôi tiếp xúc với nhiều người, không biết có mang dịch bệnh về nhà hay không? Mỗi lần vào khu cách ly, thu dung, phong tỏa, gặp các bác sĩ, nhân viên y tế, thấu hiểu vất vả, hy sinh của họ, tôi cố gắng truyền tải thông tin, hình ảnh đến bạn đọc.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các khu công nghiệp, nhiều cuộc họp, hội nghị chỉ đạo chống dịch diễn ra bất kể ngày đêm. Vì vậy, giờ làm việc của phóng viên cũng không cố định.
Thông thường tôi ra khỏi nhà lúc 6 giờ 30 phút còn về đến nhà khoảng 8 giờ tối, không ít lần 12 giờ đêm vẫn xử lý tin bài. Tôi quen dần với những suất cơm trưa, tối ăn vội. Khi về nhà, việc đầu tiên không phải ôm con mà là rửa tay, sát khuẩn, thay đồ dùng cá nhân. Trong ba lô bao giờ cũng có bộ quần áo bảo hộ để sẵn sàng vào vùng dịch khi cần.
Tham gia tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, tôi học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp, cách thức tổ chức ê kíp làm nội dung đến kết nối cộng tác viên và hơn hết là tinh thần xả thân vì nghề, sẵn sàng đi đến những nơi nguy hiểm nhất.
Lần đầu vào “tâm dịch”
(Phóng viên Sỹ Quyết, Phòng Kinh tế)
Trong những ngày nóng bỏng chống dịch, tôi được lãnh đạo phòng phân công phối hợp tuyên truyền công tác chăm lo đời sống người dân, công nhân tại các khu công nghiệp. Dù biết vào “tâm dịch” là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm bởi số lượng ca mắc Covid-19 quá nhiều song tôi và đồng nghiệp vẫn quyết tâm để có được những hình ảnh, thông tin nóng hổi về tình hình dịch bệnh.
Hôm đó, theo kế hoạch tôi cùng đồng nghiệp thâm nhập vào các xóm trọ để ghi lại đời sống công nhân trong thời điểm 4 khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Qua chốt kiểm soát dịch tại tỉnh lộ 295B (khu vực giáp ranh giữa TP Bắc Giang và huyện Việt Yên), chứng kiến nhà nhà cửa đóng then cài, trên đường thi thoảng xuất hiện phương tiện của lực lượng chống dịch, cảm giác lo lắng tan biến, nghề nghiệp thôi thúc tôi phải đến các xóm trọ càng sớm càng tốt.
Điểm đầu tiên tôi đến là những xóm trọ ở thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái. Tác nghiệp trong cái nắng nóng khủng khiếp của ngày hè cùng bộ đồ bảo hộ kín mít khiến mồ hôi vã ra ướt đẫm, vô cùng khó chịu. Ghé vào phòng trọ ở cuối thôn, âm thanh đầu tiên tôi nghe thấy là tiếng khóc của trẻ nhỏ. Hỏi ra mới biết đó là tiếng khóc của con một vợ chồng công nhân người Nghệ An đang quấy vì “nóng” và khát… sữa.
Thì ra, thường ngày bố mẹ đi làm, cháu ở phòng trọ với bà ngoại nên chủ yếu dùng sữa hộp. Hai ngày gần đó do hết sữa lại không có cửa hàng nào mở cửa nên cháu quấy khóc. Trao đổi nhanh với đồng chí Trưởng Công an xã, tôi được đưa đến một cửa hàng ở đầu thôn gọi cửa mua vài lốc sữa cho cháu rồi tiếp tục đến các xóm trọ khác.
Những ngày sau đó, tôi còn nhiều lần vào các “điểm nóng” dịch tại Việt Yên và chứng kiến nhiều công nhân đang gồng mình chống dịch. Khó khăn, vất vả song hình ảnh cháu bé là động lực để tôi quên đi nguy hiểm, chỉ mong có những hình ảnh, dòng thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời chuyển về tòa soạn để sớm đến với bạn đọc.
Ý kiến bạn đọc (0)