Những công trình đậm dấu ấn “Dân vận khéo”
Chúng tôi đến thôn Luông, xã Phúc Sơn đúng thời điểm bà con đang tập trung tháo dỡ công trình, tường rào để mở rộng trục đường chính của thôn. Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ: Đây là "con đường dân vận" do người dân tự nguyện hiến đất mở rộng nền, nắn tuyến, Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng.
![]() |
Người dân thôn Luông, xã Phúc Sơn tháo dỡ tường bao, hiến đất mở rộng đường. |
Với chiều dài hơn 1km liên quan đến đất thổ cư, đất vườn của gần 20 hộ dân trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hạn hẹp, Đảng ủy, UBND xã đã giao cấp ủy, ban quản lý thôn chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng. Giữa tháng 6 vừa qua, khi triển khai dự án, tổ dân vận của thôn đến từng hộ để tuyên truyền về chủ trương chung và lợi ích khi tuyến đường được mở rộng.
Sau hơn 1 tháng, công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất, nhiều hộ tự nguyện dỡ tường rào, chặt cây, hiến đất thổ cư, đất vườn giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Khánh (73 tuổi) hiến 230 m2; ông Tạ Văn Quý (60 tuổi) hiến 84 m2, Nguyễn Văn Giao (62 tuổi) hiến gần 40 m2…
Đến các địa phương trong huyện, không khó để bắt gặp các công trình hay mô hình được hình thành từ phong trào thi đua dân vận khéo. Tại thôn Đồn Hậu, xã Lan Giới, trước thực tế người dân luôn phải loay hoay tìm đầu ra cho nông sản, năm 2015, thôn chủ trương thành lập HTX để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Bước đầu các tổ chức đoàn thể trong thôn tới từng nhà vận động, nhờ đó HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Quang Trung được thành lập với 7 hội viên, thường xuyên bao tiêu nông sản của người dân trong thôn và một số vùng lân cận. Còn tại thôn Hợp Tiến, xã Cao Thượng, nhờ duy trì hiệu quả 4 tổ liên gia, tình hình an ninh trật tự được ổn định.
Hay như nhờ sự đóng góp của người dân và vận động tài trợ, cây cầu dân sinh nối thôn Sỏi Máng, xã Ngọc Lý với thôn Đồng Long, xã Ngọc Thiện được xây dựng, giúp người dân đi lại thuận tiện, mở rộng giao thương. Ông Nguyễn Ngọc Chương, Bí thư Chi bộ thôn Sỏi Máng nói: “Kinh phí hơn 200 triệu đồng xây dựng cây cầu đều do nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp, tài trợ”.
Đến nay, toàn huyện Tân Yên có 408 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Qua vận động, người dân hiến hơn 820 nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh. Ngoài ra, nhân dân dồn đổi 2,4 nghìn ha ruộng để xây dựng 58 vùng sản xuất tập trung, 24 cánh đồng mẫu.
Ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân chia sẻ: “Để về đích NTM, quá trình triển khai, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, người dân trong xã tích cực tham gia làm đường giao thông, giúp nhau phát triển kinh tế, vệ sinh đường làng, ngõ xóm”.
Theo kế hoạch, quý II -2020, huyện Tân Yên sẽ về đích NTM. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cao, đưa 5 xã còn lại là: Hợp Đức, Tân Trung, Liên Chung, Cao Xá và Song Vân về đích trước hẹn.
Thực hiện chủ trương này, Ban Dân vận Huyện ủy yêu cầu khối dân vận các xã tăng cường về thôn, xóm, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", phân công cán bộ theo dõi từng địa phương để tham mưu với cấp ủy cơ sở có giải pháp thực hiện hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: “Trước mắt, chúng tôi triển khai mô hình "Dân vận khéo", huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa thôn Nguộn, xã Liên Chung. Tại các địa phương khác, tùy theo tình hình thực tế cũng như kết quả thực hiện các tiêu chí, Ban sẽ định hướng thực hiện các mô hình bảo đảm cụ thể, thiết thực nhất”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)