Kinh tế tư nhân được hưởng nhiều cơ chế đặc biệt
Loạt chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, áp dụng nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế... được áp dụng với kinh tế tư nhân.
Với gần 90% tỷ lệ đại biểu tán thành, Quốc hội sáng 17/5 vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội, sáng 17/5. |
Về hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, dự thảo nghị quyết quy định doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định. UBND cấp tỉnh quyết định mức giảm tiền thuê đất này.
Hiện cả nước có gần 450 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 93.000 ha. Song thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít cơ hội tiếp cận, giá thuê đất còn cao với khả năng chi trả của họ.
Với khu - cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết có hiệu lực, UBND cấp tỉnh sẽ xác định quỹ đất bảo đảm dành bình quân tối thiểu 20 ha một khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp này có thể được thuê nhà, đất là tài sản công chưa hoặc không sử dụng tại địa phương.
Về hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% một năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tài trợ vốn ban đầu cho dự án khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ.
Quỹ này cũng rót vốn vào các quỹ đầu tư địa phương, tư nhân để tăng nguồn cung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp nhận, quản lý vốn vay, tài trợ, viện trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hỗ trợ thuế, phí, các startup, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập trong 2 năm, và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu.
Chuyên gia, nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu phát triển, startup, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo... được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm đầu, giảm 50% với 4 năm tiếp theo với khoản thu từ tiền lương, tiền công.
Liên quan tới hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ, Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Doanh nghiệp được dùng quỹ này để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nhà nước cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Điểm đột phá tại Nghị quyết này là quy định nguyên tắc xử lý vi phạm, vụ việc trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, trách nhiệm pháp nhân và cá nhân; trách nhiệm hình sự và dân sự, hành chính với dân sự trong xử lý vi phạm được phân định rõ.
Biện pháp dân sự, kinh tế được ưu tiên áp dụng với các vụ việc vi phạm dân sự, kinh tế. Doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.
Số lần thanh, kiểm tra (gồm kiểm tra liên ngành) với doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh là tối đa 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; thanh, kiểm tra trực tiếp và ứng dụng chuyển đổi số, ưu tiên kiểm tra dựa trên các dữ liệu điện tử. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật được miễn kiểm tra thực tế.
Cùng với đó, dự thảo nghị quyết cũng bổ sung nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đã được quy định tại Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp, doanh nhân sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào sử dụng để khơi thông nguồn lực và tránh thất thoát, lãng phí.
Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân, theo số liệu của Cục Thống kê các năm 2018-2020. Khu vực kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, hiện đóng góp khoảng 51% GDP và trên 30% ngân sách nhà nước.
Từ 1/1/2026, hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh được bãi bỏ. Thay vào đó, hộ kinh doanh sẽ phải đăng ký, kê khai thuế theo quy định về quản lý thuế. Việc này nhằm đạt mục tiêu Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp vào 2030 và 3 triệu tới 2045, theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Để thực thi các chính sách đặc biệt này, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, sửa đổi quy định về đất đai, quy hoạch, đầu tư. Việc này cần hoàn thành trước 31/12/2026.
Việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh, quy định chồng chéo cản trở phát triển kinh tế tư nhân cần được hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2025. Theo đó, Chính phủ phải giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật, 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc (0)