Cô giáo Chu Thị Hiệp - giải Nhất Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng”:
BẮC GIANG - Vượt qua hàng chục nghìn thí sinh khác, cô giáo Chu Thị Hiệp (sinh năm 1997), Trường Tiểu học Tiên Lục số 1 (Lạng Giang) đã đoạt giải Nhất Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng”. Sau lễ trao giải, cô đã chia sẻ những cảm nhận về cuộc thi, về quá trình làm bài dự thi.
Khi bắt đầu tham gia Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng”, cô giáo Hiệp đã xác định một tâm thế chủ động, trân trọng và đầy hào hứng. Cô hiểu rằng đây không chỉ là cuộc thi viết thông thường mà là dịp để mọi người thể hiện tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến cho tỉnh nhà. Trong quá trình làm bài, cô đã được Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Lạng Giang cùng Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, động viên, cung cấp nhiều tài liệu tham khảo liên quan đến Cuộc thi.
![]() |
Cô giáo Chu Thị Hiệp bên bài dự thi của mình. |
Từ năm 2023 đến nay, cô giáo Hiệp được UBND tỉnh cử sang Lào để dạy tiếng Việt cho các cán bộ của tỉnh Xay Sổm Bun theo chương trình hợp tác giữa 2 tỉnh. Bằng kinh nghiệm bản thân trong quá trình công tác, có cơ hội đi nhiều nơi, được tham dự nhiều diễn đàn, được tiếp xúc với nhiều thế hệ trong các nền văn hóa khác nhau và từng tham gia rất nhiều cuộc thi trong các lĩnh vực đã giúp cô trưởng thành hơn, có thêm nhiều kiến thức. Đó là điều kiện thuận lợi khi cô tham dự Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng”.
Trả lời câu hỏi số 6, cô đã đưa ra nhiều ý tưởng, đột phá táo bạo, như việc nghiên cứu triển khai dự án điện gió ở Đồng Cao (Sơn Động) hay trong lĩnh vực phát triển du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, Net - zero… Nói về các ý tưởng đề xuất trong bài thi của mình, cô giáo Hiệp cho biết, cô đã nghiên cứu kỹ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 rồi từ đó đưa ra các đề xuất của cá nhân theo định hướng và tầm nhìn của Quy hoạch, làm sao giúp cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Hiện tỉnh Bắc Giang đang hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái. Để đạt được điều đó, cô đã đưa mục tiêu Net-zero vào bài thi với mong muốn sẽ có nhiều người biết và quan tâm đến khái niệm Net-zero hơn, từ đó cùng nhau hành động, đưa Bắc Giang trở thành một điểm đến xanh toàn diện. Đây cũng là mục tiêu tỉnh đang rất quan tâm.
Khi xem bài dự thi của cô giáo Chu Thị Hiệp, ai cũng thán phục bởi những ý tưởng mới, sáng tạo, sự công phu trong cách trình bày. Cô đã kỳ công viết tay cả 100 trang bằng nét chữ nắn nót, rất đẹp, rõ ràng. “Mặc dù biết đến Cuộc thi từ rất sớm nhưng tháng 11/2024 tôi mới bắt tay nghiên cứu nội dung, xây dựng ý tưởng. Sau khi hoàn thành đầy đủ đề cương, tôi bắt đầu đặt những nét bút đầu tiên. Tuy không có nhiều thời gian trong khi bản thân đang phải làm công việc chuyên môn, học cao học, chuẩn bị tài liệu giảng dạy ngoại ngữ cho cán bộ Lào nhưng tôi vẫn chọn viết tay bởi với tôi, mỗi nét chữ đều chất chứa tình yêu, lòng biết ơn, trách nhiệm và niềm tự hào” - cô giáo Hiệp nói.
Trong bài còn có phần mô hình rất độc đáo. Đây là một trong số ít thí sinh có thiết kế mô hình kèm theo bài dự thi. Cô giáo Hiệp đã tự vẽ trên mặt cắt bản đồ Bắc Giang bằng chất liệu gỗ thể hiện sự tôn nghiêm và mộc mạc. Bức tranh toàn cảnh Bắc Giang vẽ theo 3 vùng không gian của tỉnh (vùng trọng điểm - Tây Nam, vùng phía Đông, vùng phía Bắc). Qua cuộc thi, nữ giáo viên mong muốn lan tỏa hình ảnh một Bắc Giang giàu truyền thống nhưng cũng không ngừng đổi mới, hiện đại và đầy tiềm năng.
Sau cuộc thi này, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình hợp nhất, Bắc Giang sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, với một tầm nhìn rộng lớn đầy hứa hẹn. “Tôi tin rằng, những bài viết, những tác phẩm tham gia Cuộc thi đang cùng khắc họa bức tranh Bắc Giang tự tin, kiên cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Tôi cũng mong rằng, từ cuộc thi này, niềm tin và khát vọng sẽ không chỉ dừng lại trên trang giấy mà sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, lan tỏa thành hành động thiết thực để Bắc Giang phát triển bền vững hơn”, cô giáo Chu Thị Hiệp bày tỏ.
Ý kiến bạn đọc (0)